Ngày pháp luật

"Đón sóng" kết quả kinh doanh quý 4, nhóm cổ phiếu nào kỳ vọng thu hút dòng tiền?

Hạ Anh

Theo thống kê của chuyên gia trong vòng 10 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán thường tăng điểm trong quý 1 cũng như sau kỳ nghỉ Tết âm lịch.

Lực mua chủ động duy trì tích cực giúp VN-Index nhanh chóng quay trở lại đỉnh đầu tháng 12 tại mốc 1.275 điểm. Đây được đánh giá là tín hiệu tích cực, củng cố cho xu thế tăng giá ngắn hạn của chỉ số. Vậy thị trường sẽ diễn biến ra sao trước và sau kỳ nghỉ lễ và mùa báo cáo tài chính quý 4 đang đến gần? Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã có vài chia sẻ về vấn đề này.

"Đón sóng" kết quả kinh doanh quý 4, nhóm cổ phiếu nào kỳ vọng thu hút dòng tiền? - Ảnh 1

Theo thống kê, thị trường chứng khoán quý 1 và tháng 1 có xác suất cao là tăng điểm. Liệu có thể kỳ vọng "sóng" sau kỳ nghỉ Tết không?

Theo thống kê trong vòng 10 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán thường tăng điểm trong quý 1 cũng như sau kỳ nghỉ Tết âm lịch. Tâm lý thị trường sau kỳ nghỉ thường hưng phấn với kỳ vọng về bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp dần được hé lộ. Các quỹ đầu tư sau khi chốt NAV cuối năm thường sẽ mua lại vào đầu năm và các tổ chức tài chính cũng đã chốt xong số liệu cuối năm. Tất cả những yếu tố đó tạo thêm động lực cho thị trường sau kỳ nghỉ lễ.

Về mặt xu hướng, VN-Index đã có nhịp tăng hơn 7% từ đáy xác lập ngày 20/11/2024 và có một nhịp củng cố lành mạnh với sự rũ bỏ và hấp thụ tốt vùng 1.280. Nhóm ngân hàng là nhóm dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả toàn thị trường. Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hoá lớn đều ở những vùng kháng cự mạnh và nếu bật lên sẽ tạo lực đỡ và thúc đẩy chỉ số chung tiến về vùng 1.300.

VN-Index cũng có sự luân phiên tăng giá giữa nhóm ngành tốt như cảng biển, dầu khí, BĐS KCN, nhóm xuất khẩu …. Đây là những yếu tố tích cực cho thấy dòng tiền đang vận động tốt giúp xu hướng tăng của chỉ số diễn ra lành mạnh để hướng tới những vùng cao mới.

Kể từ năm 2014, TTCK có 8/10 năm tăng điểm trong Q1 (Nguồn: Fireant, VFS Tổng hợp)  
Kể từ năm 2014, TTCK có 8/10 năm tăng điểm trong Q1 (Nguồn: Fireant, VFS Tổng hợp)  

Mùa báo cáo tài chính quý 4 chuẩn bị tới gần, anh dự báo bức tranh KQKD quý 4 sắp tới sẽ ra sao? P/E thị trường hiện đang ở mức hợp lý, nhưng trong trường hợp KQKD quý 4 không như kỳ vọng định giá thị trường liệu có bị đắt?

"Đón sóng" kết quả kinh doanh quý 4, nhóm cổ phiếu nào kỳ vọng thu hút dòng tiền? - Ảnh 2

Trên thực tế, khi nhìn vào số liệu kinh tế của tháng 10,11, 2/3 của quý 4 thì hầu hết các chỉ số đều đang rất tích cực và vượt so với kế hoạch. Tổng mức bán lẻ quý 4 đến hiện tại đã tăng 8,9% yoy gần bằng mức mục tiêu là 9%. Tổng xuất khẩu đã đạt 33,73 tỷ đô ( chỉ thấp hơn quý 3 1%). Điều này giúp cho tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%, cao gần gấp 3 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao trong năm 2024 khoảng 6%.

Với những con số này thì VFS đánh giá, KQKD của quý 4 tối thiểu sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ bởi mức nền lãi suất duy trì ở mức thấp cùng với chỉ số sản xuất công nghiệp và bán lẻ tiếp tục xu hướng hồi phục.

Trong kịch bản tiêu cực, lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ thấp hơn so với quý 3 tạo thành 1 xu hướng giảm được hình thành từ quý 2 cho thấy đà hồi phục của thị trường chung bị chững lại.

Với sự biến động này, thị trường có thể điều chỉnh về mức P/E 12,9, tương ứng với vùng giá 1.200 điểm nhưng khó có thể thấp hơn do đây là mức trung bình thấp của năm 2023, mức so sánh KQKD tối thiểu. Bên cạnh đó, với triển vọng dài hạn về nền kinh tế năm 2025, KRX, … tôi vẫn kỳ vọng thị trường có thể hồi phục trở lại.

Nhóm ngành nào có thể thu hút dòng tiền sau mùa báo cáo quý 4?

Về KQKD quý 4/2024, chúng tôi dự báo sẽ diễn biến tích cực. Lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ bởi mức nền lãi suất duy trì ở mức thấp cùng với chỉ số sản xuất công nghiệp và bán lẻ tiếp tục xu hướng hồi phục. Trong đó, nhóm ngân hàng, bất động sản và bán lẻ sẽ thu hút được dòng tiền khi ghi nhận KQKD khả quan.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (đường màu xám) và chỉ số bán lẻ (đường màu xanh) tiếp tục xu hướng hồi phục tạo động lực tăng trưởng KQKD Q4. (Nguồn: Trading Economics, VFS tổng hợp)  
Chỉ số sản xuất công nghiệp (đường màu xám) và chỉ số bán lẻ (đường màu xanh) tiếp tục xu hướng hồi phục tạo động lực tăng trưởng KQKD Q4. (Nguồn: Trading Economics, VFS tổng hợp)  

Với nhóm ngân hàng, mặc dù NIM quý 4 có thể gặp áp lực khi lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ trong khi lãi suất cho vay điều chỉnh giảm để kích thích tín dụng, song tôidự báo lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ duy trì tăng trưởng so với cùng kỳ nhờ việc tăng tốc tín dụng cuối năm để hoàn thành chỉ tiêu 15% của Chính Phủ.

Bên cạnh đó, nợ xấu cũng có thể giảm nhẹ do các ngân hàng tích cực xử lý nợ trong quý cuối năm. Theo đó, các ngân hàng có mức nền lợi nhuận thấp năm trước hoặc áp lực trích lập dự phòng giảm so với mức nền cao cùng kỳ sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong quý 4 với những cái tên đáng chú ý có thể kể đến như VPB, TPB và CTG.

Với ngành bất động sản, những tín hiệu tích cực đang dần xuất hiện khi nguồn cung đang tăng trở lại. Theo CBRE, trong quý 4, thị trường Hà Nội sẽ có thêm 10.000 căn hộ và 5.000 nhà ở thấp tầng. Tại thị trường phía Nam, TP HCM sẽ có thêm 3.000 căn hộ mới. Nguồn cung chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp khiến mặt bằng giá bán bình quân tăng lên. Tính đến tháng 11/2024, giá bán BĐS ước tính duy trì đà tăng từ 15% - 20% cho thấy niềm tin của người mua nhà và sự ổn định của nhu cầu thị trường. Trong quý cuối năm, KQKD của các doanh nghiệp BĐS có thể tăng mạnh từ mức nền thấp của cùng kỳ và nhiều doanh nghiệp như VHM, NLG, DXG, KDH có thẻ ghi nhận lợi nhuận từ việc bàn giao các dự án lớn.

Với nhóm bán lẻ, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thường tăng vào dịp cuối năm, lợi nhuận ngành bán lẻ sẽ tăng trưởng từ mức nền thấp của năm trước. Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa giữa các ngành bán lẻ. Các DN bán lẻ dược phẩm và trang sức đang có xu hướng mở rộng chuỗi cửa hàng, trong đó chuỗi Long Châu vẫn được tập trung đầu tư khi mở mới 143 nhà thuốc trong Q3 và 115 trung tâm tiêm chủng phủ kín 46 tỉnh thành. PNJ cũng mở thêm 13 của hàng trong Q3. Chi phí mở mới có thể khiến biên lợi nhuận đi ngang so với cùng kỳ.

Với ngành bán lẻ tiêu dùng, Bách Hóa Xanh có thể duy trì đà tăng lợi nhuận từ quý 2 nhờ mở mới thử nghiệm cửa hàng tại miền Trung. Điểm sáng của ngành bán lẻ trong quý 4 là mảng điện từ tiêu dùng. Nhờ việc giảm tốc độ đóng cửa hàng, tập trung tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng, giảm chi phí từ các cửa hàng kinh doanh không hiệu quả sẽ giúp FRT và MWG tiếp đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý cuối năm.

Nhà đầu tư nên hành động như thế nào trong thời điểm này? Nên mua cổ phiếu hay chờ đợi ra Tết?

Tôi cho rằng nhà đầu tư nên mua và tích luỹ dần cổ phiếu cho chu kỳ mới trong năm 2025.

Thứ nhất, VN-Index dự báo vẫn tích cực trong trung dài hạn với trọng số là đà hồi phục của nền kinh tế, triển vọng 2025 duy trì sự tích cực. Trong ngắn hạn, chỉ số cũng đang có một xu hướng vận động tốt được củng cố, khả năng cao sẽ tiến đến vùng 1.300 điểm và có thể vượt qua. Thêm vào đó, có nhiều cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu vốn hoá lớn đều đang ở những vùng hỗ trợ mạnh, tích luỹ tốt sau một nhịp điều chỉnh giảm từ đỉnh tháng 9/2024.

Thứ 2, thị trường đã có một nhịp tích luỹ dài 9 tháng tính từ đầu tháng 4/2024 đến nay, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường khá dè dặt, cẩn trọng. Tuy nhiên, thống kê lại chỉ ra rằng những vùng tích luỹ của thị trường lại mở ra những vùng mua tốt và có xác suất thắng cao.

Thứ 3, về mặt thống kê thì quý 1 và tháng 1 thường là quý, tháng giao dịch tích cực của thị trường và thị trường đang có nhiều đặc điểm của con sóng tăng 5 tháng từ tháng 11/2023 đến tháng 3.2024 khi cũng được dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng.

Thứ 4, xét về mặt hiệu suất đầu tư giữa các thị trường thì kỳ vọng của những thị trường Bitcoin và vàng sẽ giảm xuống sau một năm 2024 rất thành công và điều này là có lợi cho thị trường chứng khoán khi xét ở yếu tố dòng tiền.

Tin Cùng Chuyên Mục