Ngày pháp luật

"Đơn giản hóa quy trình nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng"

Giang Phạm

(Doanhnhan.vn) - Đó là yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng với các ngân hàng để giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Ngày 22/4/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với Vụ, Cục chức năng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 63 tỉnh, thành phố, lãnh đạo tổ chức tín dụng về tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, toàn ngành ngân hàng đã và đang rất quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho khách hàng vay vốn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.

"Đơn giản hóa quy trình nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng" - Ảnh 1

Để triển khai hiệu quả việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, cho nền kinh tế, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu, toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của ngành, triển khai mạnh mẽ các biện pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay. "Hỗ trợ khách hàng vay vốn chính là hỗ trợ chính các tổ chức tín dụng, giúp tổ chức tín dụng hoạt động tốt hơn, từ đó giúp sức cho ngành ngân hàng và nền kinh tế", ông nhấn mạnh.

Một trong những điểm mà Thống đốc nhấn mạnh rõ nhất trong hội nghị lần này là tổ chức tín dụng cần đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng nhằm bảo đảm chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Đồng thời, chủ động xem xét cân đối nguồn vốn để đầu tư cho những dự án khả thi. Việc xem xét cho vay mới hỗ trợ phục hồi sau dịch là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay và là nhiệm vụ chủ yếu thời gian tới. 

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục đẩy nhanh tiến trình làm việc với khách hàng, tháo gỡ vướng mắc, không để cán bộ ngân hàng trên địa bàn thiếu trách nhiệm, không chấp hành chỉ đạo để khách hàng đáng lẽ được hỗ trợ nhưng chậm hoặc không được xử lý.

Ngoài ra, công tác truyền thông cũng cần các tổ chức tín dụng phải đẩy mạnh, nhằm kịp thời phản hồi, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, công bố công khai kết quả cho vay mới, cơ cấu lại nợ… Công bố đầy đủ cả những khách hàng nào được giải quyết, những khách hàng nào không đủ điều kiện vay vốn.

Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Vụ pháp chế, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Thanh toán chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi các quy định hiện hành và ban hành ngay các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các vấn đề còn vướng mắc, các kiến nghị chủ yếu tập trung vào Thông tư 01, nhất là các vấn đề về thời hạn cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, dự thu, xác định khách hàng, cho vay tái cấp vốn, thanh toán điện tử…, tiếp tục triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, miễn giảm phí dịch vụ điện tử.

Tin Cùng Chuyên Mục