Vĩnh Hoàn (VHC) đứt mạch tăng trưởng liên tục
Theo kết quả kinh doanh vừa mới cập nhật, tháng 11/2022, CTCP Vĩnh Hoàn (mã CK: VHC) đạt doanh thu xuất khẩu 893 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, doanh thu cá tra - nguồn thu chính của Vĩnh Hoàn ghi nhận 480 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ và là tháng duy nhất trong năm tăng trưởng âm. Đây vẫn là mảng đóng góp chính vào doanh thu của Vĩnh Hoàn.
Doanh thu mảng bánh phồng tôm giảm 66%, song mức đóng góp vào tỷ trọng không lớn. Bù lại, các sản phẩm phụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm hỗn hợp khác, bún và bánh gạo đồng loạt báo doanh thu tăng trưởng hai chữ số.
Xét theo thị trường xuất khẩu, hai quốc gia xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn là Mỹ và Trung Quốc đồng loạt đi xuống, lần lượt giảm 13% và 60%. Doanh thu xuất khẩu sang châu Âu cũng giảm 20%. Nhưng thị trường nội địa ghi nhận tăng trưởng 17%, đóng góp 26% vào tổng doanh thu.
Tính từ đầu năm, VHC đã đứt mạch tăng trưởng liên tục khi doanh thu xuất khẩu tháng 11 xuống gần thấp nhất năm (sau tháng 1). So với cùng kỳ năm 2021, đây cũng là tháng duy nhất trong năm ghi nhận kết quả giảm sút.
Xuất khẩu ngành thủy sản năm 2023 gặp khó
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lần đầu tiên kể từ đầu năm, tháng 11, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản rơi xuống mức âm (giảm hơn 14%), chỉ đạt khoảng 780 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 10.2 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021.
Dự báo ngành quý 4/2022 và năm 2023, Tổng Thư ký VASEP - ông Trương Đình Hòe nhìn nhận tình hình thực tế của ngành thủy sản khá khó khăn. Đây không phải là khó khăn của năm tới mà là khó khăn của cuối năm 2022 chuyển sang 2023.
Trong đó, việc tỷ giá tại 4 thị trường lớn (trừ Mỹ) đang giảm khiến giá xuất khẩu có thể cao ở những thị trường gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU. Khi bán qua những thị trường này, khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá để phù hợp với đồng nội tệ của các thị trường trên.
Bên cạnh đó là nguyên liệu chế biến, ông Hoè đưa ra những thách thức như quỹ đất nuôi trồng thủy sản; cơ sở hạ tầng nuôi trồng; chất lượng con giống, giống bố mẹ; chi phí đầu vào; công tác quản lý thủy sản theo quy định IUU; chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản; cường lực khai thác và đánh giá nguồn lợi.
Ngành thủy sản Việt Nam cũng gặp sự cạnh tranh khó khăn với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn. Lạm phát, suy giảm tăng trưởng ở các thị trường chính ảnh hưởng đến chi tiêu và hạn chế nhu cầu tiêu dùng. Cạnh tranh khó khăn với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn.
Thị trường Trung Quốc hết sức tiềm năng nhưng bên cạnh nhiều cơ hội cũng có những rủi ro do sự đa dạng trong thương mại cũng như chính sách quản lý.
Tất cả khó khăn trên đòi hỏi nguồn vốn lớn trong trung dài hạn, để ngành giữ được phong độ tăng trưởng và nhắm tới mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2030.