Theo hồ sơ pháp lý của Tiki Global có trụ sở ở Singapore, Tiki ghi nhận doanh thu giảm 7% trong năm tài chính 2022 (kết thúc vào tháng 3/2022). Trong khi đó tổng chi phí tăng 4% so với cùng kỳ.
Do đó, khoản lỗ trong hoạt động của "ông lớn" thương mại điện tử này tăng thêm 39% so với năm tài chính trước đó.
Lấy cảm hứng từ Jef Bezos của Amazon, doanh nhân Trần Ngọc Thái Sơn sáng lập Tiki vào năm 2010 như một nền tảng bán sách trực tuyến. Tiki là viết tắt của 2 từ "tìm kiếm và tiết kiệm".
Cái tên Tiki thể hiện tầm nhìn của ông Sơn về việc mang đến cho người tiêu dùng địa phương trải nghiệm mua sắm tốt hơn và giá thành phải chăng hơn.
Tiki, hiện theo đuổi cả mô hình B2B và B2C. Vì lẽ đó, Tiki chia doanh thu thành 2 phần bao gồm doanh thu bán hàng hóa và doanh thu cung cấp dịch vụ, trong đó bán hàng hóa chiếm 88% doanh thu của năm tài chính 2022.
Ở mảng dịch vụ, logistics là lĩnh vực đang mang lại nhiều doanh thu nhất cho Tiki với mức tăng trưởng 7% so với cùng kỳ. Điều này không có gì bất ngờ vì Tiki đã cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh từ lúc đầu, cũng giống như Amazon.
Bên cạnh đó, Tiki cũng đầu tư mạnh vào năng lực và hạ tầng xử lý logistics của mình. Đáng chú ý, doanh thu từ thu phí sàn giao dịch giảm 37%,
Mảng dịch vụ tăng trưởng nhanh nhất của Tiki là Tiki Ads khi doanh thu tăng 131% so với năm tài chính 2021. Dù vậy, mảng dịch vụ này chỉ chiếm vỏn vẹn 2% tổng doanh thu công ty.
Tổng doanh thu của Tiki giảm 7% trong năm tài chính 2022, giá vốn hàng bán giảm chỉ 1%. Kết quả là biên lợi nhuận gộp cũng giảm mạnh.