Ngày pháp luật

Doanh nhân Phan Văn Quý - Từ chiến trường đến thương trường

Diên Khánh

Vui vẻ, phóng khoáng, giàu nghị lực, năng nổ với công việc… là những gì dễ nhận thấy ở Anh hùng Phan Văn Quý. Nhưng không chỉ có vậy, càng tiếp xúc, càng thấy ở ông như một kho tàng nhiều ngăn. Ngăn nào cũng ăm ắp dữ liệu.

Tấm lòng với văn nghệ

Tôi biết Phan Văn Quý không chỉ bởi ông là cựu lính đường Trường Sơn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương mà còn là một doanh nhân thành đạt, luôn lo lắng cho công nhân, cấp dưới. Tôi mến ông, bởi ông có trái tim của một nghệ sĩ, một tâm hồn hào hiệp với nghệ thuật.

Nói vậy là vì, cách đây ít tháng trong lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Hào khí Trường Sơn, mà Tập đoàn Thái Bình Dương tài trợ cuộc thi, tôi là một trong những tác giả được giải. Các tác giả đạt giải ở xa Hà Nội đều được tài trợ chi phí đi lại. Điều đó khiến các cựu chiến binh, thương bệnh binh, những tác giả đạt giải rất hứng khởi. 

Doanh nhân Phan Văn Quý - Từ chiến trường đến thương trường - Ảnh 1

Ông Quý đã âm thầm, quyết liệt thực hiện được tâm nguyện, dựng được tượng đồng, tri ân hai nhân vật tiêu biểu của đường Trường Sơn huyền thoại là tướng Đồng Sỹ Nguyên - Vị tướng huyền thoại của Trường Sơn và Nhà thơ Phạm Tiến Duật - Con chim lửa của Trường Sơn.

Rồi tôi may mắn tham gia lễ ra mắt sách của nhà văn Ma Văn Kháng và ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  được tổ chức tại 25 Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Ở đó tôi cũng trải qua hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Thật hay, ông Phan Văn Quý là người tài trợ cho lễ ra mắt sách của hai người nổi tiếng trong xã hội. Đó là một buổi lễ ấm cúng, trang trọng trong căn phòng của trụ sở Tập đoàn Thái Bình Dương, có rất nhiều bức tranh đẹp của những họa sĩ nổi tiếng được treo trang trọng.

Được biết trong nhiều năm, Tập đoàn Thái Bình Dương đã mua các tác phẩm nghệ thuật từ nhà sưu tập nước ngoài để đưa về Việt Nam. Việc này đã được thực hiện trong nhiều năm. Đa số các tác phẩm được “hồi hương” thuộc một bộ sưu tập lớn của một nhà sưu tập Thái Lan.

Đến thời điểm này, bộ sưu tập đã lên tới 1.000 tác phẩm và gần một nửa trong số đó được mua lại từ nhà sưu tập nước ngoài. Trong số đó, có một số tác phẩm thuộc hai bộ tứ “Trí - Lân - Vân - Cẩn” và “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái” và của một số họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Việc làm ấy được họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá cao ở giá trị nhân văn của những người làm doanh nghiệp, đã quan tâm đến hội họa nước nhà, đẩy lùi nạn tranh giả. Chưa hết, ông cũng góp phần tổ chức không ít chương trình thơ, giao lưu văn nghệ và từ thiện, gắn kết cộng đồng.

Phải là người yêu quý nghệ thuật, yêu quý anh em văn nghệ sĩ thế nào, ông mới rộng tay đến vậy. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhận xét: “Ông rất thông minh và nhanh nhạy. Một người đàn ông cứng rắn, dũng cảm, nhưng lại rất tinh tế và đa cảm. Cùng một vụ việc, ngay lập tức, ông có thể đưa ra rất nhiều phương án, rồi chọn phương án nào tốt nhất, khả thi nhất để thực hiện”.

Hướng đến giá trị đích thực 

Đó là con người nghệ thuật. Nhìn lại một quá trình, hẳn ông Quý thấy mình đã làm được rất nhiều việc. Ông là người lính hai lần ra trận. Một ở chiến trường, một trên thương trường.

Trước hết, xin nói qua về con người ở lần ra trận đầu. Ông quê ở xã Nhân Thành, Yên Thành (Nghệ An). Năm 1971, Phan Văn Quý xung phong vào bộ đội khi vừa sang tuổi 18. Sau đó, ông trở thành lính lái xe của Tiểu đoàn ôtô 52, Trung đoàn 11, Sư đoàn 571. Cùng chiếc xe ZIN157, chiến sĩ Phan Văn Quý đã vượt qua bao cung đường dọc, ngang trên tuyến lửa Trường Sơn. 

Ông Quý là tấm gương “yêu xe như con, quý xăng như máu” như lời Bác Hồ dạy. Ông đã có nhiều sáng kiến để gia cố xe, như: dùng ke sắt thùng đạn, mảnh pháo sáng ốp vào đầu dầm của xe để khi va chạm xe đỡ bị xây xát, dùng thanh gỗ làm cần số để tránh nhảy số trong quá trình cơ động... Với nhiều thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ vận tải quân sự, tháng 6/1976, Phan Văn Quý đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND khi vừa 23 tuổi.

Doanh nhân Phan Văn Quý - Từ chiến trường đến thương trường - Ảnh 2

Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương trao tài trợ 1,8 tỷ đồng cho Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

Còn lần ra trận thứ hai, là khi ông rời quân ngũ sau gần 30 năm cống hiến, liền hăm hở lao vào làm kinh tế, lập công ty riêng đầu tiên vào năm 1999, nhưng doanh nghiệp gặp khó khăn. Cuối cùng phải nhượng doanh nghiệp để trả nợ. Không nản lòng,  năm sau ông lại lập công ty thứ hai chuyên về xây dựng nhưng cũng phải giải thể vì vấp phải khó khăn. Với tinh thần chịu khó, kiên cường ông không lùi bước trước khó khăn, thử thách.

Giữa năm 2001, ông lại bắt tay cùng với một số bè bạn lập ra Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương. Rút kinh nghiệm từ những sai lầm trước đó, lần này Tập đoàn Thái Bình Dương chú trọng vào lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản. Trong đó bao gồm các dự án khu đô thị Hà Phong, dự án nhà cao tầng Trần Hưng Đạo, dự án nhà biệt thự Hồ Tây.

Đến bây giờ, phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh của đơn vị do ông Quý đứng đầu được phát triển tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Tập đoàn Thái Bình Dương có gần 20 doanh nghiệp thành viên và đơn vị có vốn góp.

Trải qua 18 năm hoạt động, thương hiệu Pacific Corporation cùng slogan “Giá trị đích thực” đã được đăng ký từ đầu năm 2009 và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo quy định.

Quá trình xây dựng và phát triển, để các công việc được triển khai một cách chuyên nghiệp, theo đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, doanh nghiệp đã xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng của công ty để áp dụng trong toàn hệ thống và đã được cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008.

Trải qua quá trình áp dụng và cải tiến liên tục hệ thống quản lý chất lượng, trên cơ sở các yêu cầu và quy định mới của tiêu chuẩn ISO 9001:2015, tháng 4/2017, Pacific Corporation đã hoàn thành việc xây dựng và ban hành Hệ thống tài liệu quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.  

Ông Quý cho biết, phương châm hoạt động của Tập đoàn là: Đối với cổ đông - cam kết bảo vệ lợi ích hợp pháp, tăng trưởng, ổn định và bền vững; Đối với khách hàng - mang đến những sản phẩm và dịch vụ chất lượng nhất; Đối với đối tác - đảm bảo sự tin cậy, bình đẳng, cùng có lợi, xem đối tác như đồng đội; Đối với cán bộ nhân viên - tạo mọi điều kiện để phát huy khả năng sáng tạo, có cuộc sống tốt về vật chất và tinh thần; Đối với sự nghiệp chung - hoàn thành trách nhiệm, góp phần nhỏ bé chia sẻ cùng cộng đồng. 

“Giá trị đích thực là mục tiêu tập đoàn chúng tôi hướng tới. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi xây dựng tập đoàn theo mô hình doanh nghiệp của các nước tiên tiến, tập trung đầu tư, phát triển những lĩnh vực Nhà nước đang cần, thị trường đang thiếu. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển theo hướng tập đoàn đa ngành, từng bước khẳng định vị thế về năng lực, thương hiệu và tính chuyên nghiệp trên thị trường, doanh nhân Phan Văn Quý chia sẻ.

Vốn là một người lính, ông Quý đã để lại dấu ấn quan trọng trong lòng cán bộ, công nhân viên. Ông sống và làm việc theo pháp luật, không khoa trương, đánh bóng thương hiệu, từng bước đi của đơn vị được đồng đội cũng đối tác trân trọng và ghi nhận.

Khi thành công, ông cũng hết lòng vì đồng đội. Với suy nghĩ: “Trong chiến tranh thì chia sẻ sự nghèo khó, trong kinh doanh thì sẻ chia sự thành công”. Hằng năm, doanh nghiệp đã dành nhiều tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện. Ông Quý là thành viên sáng lập viên của 3 tổ chức từ thiện xã hội như: Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền trung, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Quỹ Tâm Tài Nghệ An.

Khi còn sống, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nói về ông Quý như sau: “Phan Văn Quý, đúng là quý thật! Đối với tôi, Quý là người lính Trường Sơn giàu nghị lực và tâm huyết. Từ hai bàn tay trắng, Quý đã trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của một tập đoàn kinh tế tư nhân vững mạnh, có nhiều đóng góp cho xã hội, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, lại vinh dự được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Tôi rất vui và mừng, tôi mong người lính Trường Sơn Phan Văn Quý sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ, để đạt được nhiều thành quả lớn hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực mà Quý tâm huyết, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của đất nước”.

Tin Cùng Chuyên Mục