Doanh nhân Nguyễn Hoàng Sang - Giám đốc Phòng tranh tiền phong thủy Xưa và Nay không thanh minh cho những việc làm của mình. Anh cứ cho đi và để mọi người tự cảm nhận. Chỉ mong muốn làm sao có thể cho đi nhiều hơn nữa, giúp đỡ được nhiều hơn nữa với chính thực lực và cái Tâm của mình.
Là một doanh nghiệp uy tín trên thị trường, bản thân anh cũng là một người khá nổi tiếng trong giới doanh nhân và cũng là chuyên gia cố vấn chiến lược cho các doanh nghiệp khác phát triển. Theo anh để phát triển doanh nghiệp bền vững cần những yếu tố gì?
Theo tôi, yếu tố đầu tiên là học kinh tế, học ở trường lớp, học ở cuộc sống. Tuy nhiên, ngoài vấn đề đó tôi nhận ra một chân lý rằng: Động lực gia đình là rất quan trọng. Trong gia đình người phụ nữ chính là phong thủy (theo quan niệm phong thủy tượng trưng cho dòng nước), là vận khí. Người đàn ông có thể là trụ cột, là người làm ra của cải vật chất nuôi gia đình nhưng nếu thiếu bàn tay của người phụ nữ chín chắn, đôn hậu thì tất cả những gì gây dựng chưa chắc sẽ giữ được.
Người vợ được ví như là nước. Nếu căn nhà mà có nước trong sẽ làm cho căn nhà ấy tốt đẹp, con cái hạnh phúc, bình an, còn nếu nước đục thì sự nghiệp sẽ đi xuống. Bắt buộc người đàn ông trên thương trường cần phải có bản lĩnh mới làm nên chuyện đại sự nhưng về nhà vẫn phải tôn trọng, nhường nhịn, yêu thương vợ con. Nếu bước ra thương trường làm ăn lớn mà trong gia đình không cân bằng được thì khó điều hành sự nghiệp phát triển. Tinh thần và tâm hồn thoải mái “luồng gió sẽ đem hương thơm cỏ lạ” vào nhà. Điều này sẽ tạo động lực hấp dẫn năng lượng vũ trụ. Đây chính là triết lý mượn phong thủy kết hợp năng lượng vũ trụ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn phát triển cần phải có chữ Tín trên thương trường. Khi có chữ Tín rồi thì chúng ta sẽ có con người. Con người chúng ta có rồi thì hàng hóa sẽ lưu thông, doanh nghiệp sẽ không ngừng phát triển lớn mạnh. Hàng hóa lưu thông gọi là hàng tiêu dùng, dùng xong lại dùng nữa. Mà dùng xong lại dùng nữa chúng ta lại có lương thực. Lương thực đồng nghĩa với “đồng vô, đồng vào”. Khi có “đồng vô đồng vào” rồi thì chúng ta đừng bao giờ tham. Khi chúng ta tham đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đi xuống. Nên việc tạo ra được năng lượng tích cực thì doanh nghiệp sẽ đi lên.
Bên cạnh đó phải biết hướng thiện, kết nối cộng đồng, giao lưu chính trị, quen biết báo chí và luật sư. Biết quý trọng gia đình sếp, khi sếp nâng đỡ cho mình cũng giống như “tôn sư trọng đạo” thì mới gọi là Tâm – Tài - Trí - Đức. Doanh nghiệp nào làm được điều này thì thiên địa (trời đất) đều thương; Người người quý mến thì làm sao doanh nghiệp đi xuống cho được.
Doanh nhân Nguyễn Hoàng Sang chụp ảnh lưu niệm cùng với đoàn của Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trong chuyến công tác tại Hàn Quốc
Nhiều người cho rằng làm lãnh đạo cần có sự độc đoán. Anh nghĩ gì về nhận xét này?
Tôi nghĩ làm người lãnh đạo không được độc đoán, thay vào đó là sự quyết đoán, tránh dao động sau khi ra quyết định. Trong công ty và đối với từng cá nhân cần phải làm tròn trách nhiệm của bản thân mình. Đồng thời, hợp thành khối thống nhất, chia sẻ, ủy quyền để cùng thực hiện cho đúng những chiến lược đã đề ra, dựa trên nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế. Tôi tin chắc rằng sẽ không có một doanh nghiệp nào có thể thành công được ngay, mà cần có cả một quá trình, khát vọng, phấn đấu vươn lên.
Theo tôi nghĩ nếu thành công trong mặt quản trị, áp dụng theo mô hình quản trị quốc tế mà các doanh nghiệp ở những nước tiên tiến đã áp dụng thành công hàng trăm năm nay, mình là người đi sau thì phải “đi tắt đón đầu” tận dụng những công nghệ đó áp dụng thành công vào doanh nghiệp của mình. Nếu áp dụng khôn ngoan và hợp lý tôi tin rằng sẽ thành công sẽ đến.
Doanh nhân Nguyễn Hoàng Sang chụp ảnh cùng với Doanh nhân Trương Mỹ Duyên
Trở lại vấn đề của anh, tôi cho rằng anh là một doanh nhân rất đặc biệt. Đặc biệt từ phong thái, bề ngoài, lẫn cả trong tích cách hay những công việc anh làm, nhất là trong hoạt động từ thiện. Có người nói anh là “ông vua từ thiện”, anh suy nghĩ gì về nhận định này?
Tôi chỉ biết mình làm tất cả mọi việc từ cái Tâm của mình. Tôi rất thích xây dựng, trùng tu các công trình văn hóa tâm linh (chùa, đền, miếu) phục vụ cộng đồng và đã thực hiện tâm nguyện này trong nhiều năm. Mục tiêu của tôi là xây dựng 350 công trình. Riêng năm 2018, tôi thực hiện được 16 công trình, nâng tổng số công trình đã hoàn thành lên con số 205. Ngày 10/2/2019, tôi cùng với các ban ngành, lãnh đạo tỉnh Bến Tre, doanh nhân đã thực hiện công trình động thổ khởi công Miếu Bà Chúa Sứ. Công trình thứ 206 này còn có sự góp mặt của các doanh nhân, doanh nghiệp như: Doanh nhân Nguyễn Thị Thu Hương (Kềm Nghĩa); Tổng Giám đốc Trần Thị Minh Nguyệt, Doanh nhân Phạm Văn Út (Tranh lá Thốt nốt)... và một số doanh nhân khác.
Ngoài vai trò là Giám đốc Phòng tranh tiền phong thủy Xưa và Nay, tôi còn là một nhà tư vấn chiến lược cho doanh nghiệp. Tất cả những doanh nghiệp mà tôi từng cố vấn chiến lược đều phát triển. Muộn nhất trong vòng 3 năm họ đã phát triển và sau khi phát triển, tôi không nhận bất cứ một kinh phí nào mà hướng họ đi làm thiện nguyện, xây dựng chùa, đình, miếu...
Doanh nhân Nguyễn Hoàng Sang chụp ảnh lưu niệm cùng với các doanh nhân, doanh nghiệp tại Khu di tích Đền Hùng(Phú Thọ)
Mười năm nay tôi không cầm bất cứ đồng tiền nào của ai và bản thân tôi không bao giờ cầm quá 30 triệu trong người. Điều đặc biệt, không phải cá nhân hay doanh nghiệp nào tôi cũng giúp đỡ. Tôi chỉ giúp đỡ khi nhìn thấy cá nhân, người chủ doanh nghiệp đấy phải có Tâm, có Đức, có Hiếu. Tôi từng phát nguyện rằng sau khi tôi giúp đỡ mà doanh nghiệp nào phát triển thì họ sẽ đồng hành cùng tôi và trích một phần kinh phí cùng tôi đi làm từ thiện, xây chùa, đền, miếu.
Hiện tại, tôi cũng tích cực tham gia các chương trình thiện nguyện của Nhà nước tổ chức để hỗ trợ cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được sống hòa nhập và phát triển. Tôi đã, đang và sẽ hoạt động thật nhiều, dùng chính sức lực, khả năng của mình để đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản việc mình xây dựng, trùng tu các di sản văn hóa, các giá trị truyền thống không chỉ dành cho thế hệ mình mà còn cho các thế hệ mai sau biết đến phát triển và gìn giữ. Đấy chính là giá trị văn hóa , giá trị tinh thần mà không có bất cứ vật chất nào so sánh được.
Mình để lại cho con cháu mình, cho thế hệ sau những giá trị tinh thần để tiếp tục truyền thống của dân tộc Việt Nam như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, con Lạc cháu Hồng. Tôi luôn tâm niệm: “Nếu lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Còn lấy phúc đức làm của, phúc theo ta suốt đời”.
Doanh nhân Nguyễn Hoàng Sang bên chiếc đồng hồ cồ mạ vàng 24k 9999 được ủng hộ đấu giá từ thiện trong chương trình ngày 16/4/2019
Anh làm cho tôi nhớ tới câu chuyện “Những đại gia ăn chay răn mình, xây chùa để đời”. Các đại gia bên cạnh công việc kinh doanh còn dốc sức xây chùa như một sự nghiệp cả đời của mình. Phải chăng anh cũng là một trong những con người “cao thượng” đấy?
Như tôi đã nói ở trên bản thân tôi rất quan tâm đến các vấn đề tâm linh, các di sản văn hóa nên việc tôi xây chùa không chỉ để làm phước cầu may mà còn là dấu ấn để lại cho đời, cho con cháu, thế hệ sau tiếp tục gìn giữ và phát huy. Chúng ta suy cho cùng một ngày cũng chỉ ăn được 3 bữa cơm, cái khác biệt là họ sẽ để lại gì cho đời. Và cái để lại đó, nếu nó thực sự đáng quý thì cũng chẳng cần khoa trương, nó vẫn quý.
Mỗi người sinh ra đều có sứ mệnh riêng của cuộc đời mình và khi đã xác định được sứ mệnh đó rồi thì việc cho đi hay cống hiến không còn được tính toán nữa. Chính vì thế, việc xây dựng chùa, đền, miếu như sứ mệnh của tôi và chỉ khi làm những công việc đó, bản thân tôi mới thực sự cảm thấy trọn vẹn và hạnh phúc.
Tháng Tư năm nào cũng là tháng rất ý nghĩa đối với anh, vì ngày sinh nhật của anh đúng vào ngày 30/4 – Ngày Giải phóng miền Nam. Anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi ngày sinh nhật cũng chính là ngày lễ lớn của cả nước?
Ngày sinh nhật trùng vào ngày lễ lớn của đất nước là một điều tự hào. Tôi cảm thấy niềm vui như được nhân đôi. Đối với tôi, được sinh ra vào đúng ngày lễ lớn của đất nước là một niềm vui, một niềm vinh dự. Để rồi niềm tự hào về đất nước, con người, quê hương, và với công việc của mình ngày càng lớn hơn nữa. Tôi luôn mong muốn có thể góp nhiều hơn nữa sức lực của mình trong công cuộc xây dựng quê hương và đất nước.
Doanh nhân Nguyễn Hoàng Sang chụp ảnh lưu niệm trong Chương trình "Doanh nhân và cộng đồng vì trẻ em Việt Nam năm 2019"
Những kế hoạch gần đây nhất và dự định sắp tới của anh là gì, thưa anh?
Tôi vẫn tiếp tục xây dựng các giá trị tinh thần một cách thiết thực và tâm linh hướng thiện. Trong năm 2019, tôi vẫn sẽ tích cực tham gia các chương trình từ thiện do Nhà nước tổ chức, đặc biệt là các chương trình được tổ chức tại các tỉnh phía Bắc như xây dựng công trình thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, công trình thờ các vua Hùng, các công trình lịch sử văn hóa các vua của dòng họ Nguyễn, tiếp tục xây dựng thêm các công trình về đền, chùa, miếu... Ngày 27/4, tôi tham dự “Hội nghị đạo đức toàn cầu vì sự phát triển cộng đồng” do UNESCO tổ chức và vinh dự nhận bằng khen tại Nhà khách Chính phủ. Ngày 10/5/2019, tôi tham gia Chương trình “Hành trình kết nối những trái tim” tại Hà Nội và nhận Kỷ niệm chương “Vì non sông Đất Việt” tại chương trình.
Kết thúc cuộc trò chuyện, chúng tôi vô cùng ấn tượng với con người của vị doanh nhân này. Anh là một người cương trực nhưng đôi khi lại rất hài hước, hóm hỉnh. Anh chia sẻ: “Thế kỷ 18 là thế kỷ đồ đất; Thế kỷ 19 là thế của đồ đá; Thế kỷ 20 là thế kỷ của khoa học, văn minh và phát triển; Thế kỷ 21 doanh nhân, doanh nghiệp phải có tâm linh, chính trị, ban ngành lãnh đạo cũng phải có tâm linh. Tâm linh bằng biện chứng khoa học, biện chứng duy vật sẽ làm cho con người tạo ra năng lượng tích cực, làm năng lượng tinh thần cảm xúc tăng lên. Chúng ta cần phải làm nhiều công việc thiện nguyện và phải biết cách giúp đỡ người khác. Kết quả cuối cùng vẫn là động lực gia đình”.
Với sự đóng góp tích cực cho các hoạt động xã hội, đặc biệt là góp phần không nhỏ trong việc xây dựng chùa, đền, miếu… Doanh nhân Nguyễn Hoàng Sang đã nhận được rất nhiều bằng khen của các cơ quan tổ chức Nhà nước. Gần đây nhất, ngày 29/3/2019, tại Phú Thọ trong đêm Gala “Doanh nhân và cộng đồng vì trẻ em Việt Nam”, Doanh nhân Nguyễn Hoàng Sang tài trợ bức tranh tiền cổ phong thủy và xông trầm mâm đồng Cồ Rần 150 năm giá 69 triệu và được Doanh nhân Giáng Hương đấu giá thành công với số tiền là 210 triệu đồng. Ngoài ra anh còn ủng hộ 30 triệu đồng tiền mặt, toàn bộ số tiền được chuyển vào Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Ngày 3/4/2019, Doanh nhân Nguyễn Hoàng Sang tham gia Chương trình thiện nguyện tại Hàn Quốc cùng với Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và đã có những đóng góp gây quỹ từ thiện tại đây.
Ngày 16/4/2019, trong Chương trình Hành trình kết nối yêu thương số 12, nam doanh nhân ủng hộ đấu giá làm từ thiện chiếc đồng hồ cồ mạ vàng 24k 9999 với trị giá 79 triệu đồng. Đồng thời, ủng hộ thêm 60 phiếu từ thiện ngay tại sự kiện. Cũng tại đây, anh còn tặng thêm bộ xông trầm quả Phật thủ bằng đồng da Cua Rần 100 năm và đã được Doanh nhân Trương Mỹ Duyên đấu giá thành công 150 triệu đồng ủng hộ từ thiện. Các vật phẩm đấu giá Doanh nhân Nguyễn Hoàng Sang tặng hết cho chương trình và cả Bộ bàn ghế tiền Cồ Rần 100 năm trị giá 120 triệu đồng nhằm ủng hộ cho trẻ em Việt Nam 63 tỉnh thành và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Với những đóng góp của mình Doanh nhân Nguyễn Hoàng Sang đã được nhận Bằng khen Doanh nhân văn hóa toàn cầu do UNESCO trao tặng và Bằng khen “Nhà hoạt động xã hội tiêu biểu ASEAN”.