Là người rất am tường về kinh tế cũng như thấu hiểu các doanh nghiệp (DN), ông đánh giá thế nào về bức tranh của nền kinh tế trong năm tới? Và đâu là vấn đề chúng ta phải quan tâm giải quyết tại thời điểm này, thưa ông?
Bình thường những tháng cuối năm hay năm mới đơn hàng của DN rất nhiều, nhưng thời điểm hiện tại, nhiều DN không có đơn hàng. Chúng ta không kỳ vọng nhiều vào sự tăng trưởng của xuất khẩu nhưng lại có lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do nên xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vẫn là những điểm sáng của nền kinh tế trong nước.
Về đầu tư nước ngoài, hiện thế giới đang có sự chuyển dịch chuỗi cung ứng theo hướng có lợi cho chúng ta cũng như các nhà đầu tư khác trong khu vực. Đây là một tín hiệu sáng và chúng ta có thể kỳ vọng vào điều này, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề: Chi phí còn cao; Thể chế của chúng ta còn nhiều vấn đề… Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế về thị trường khá lớn; Có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, đặc biệt là sự ổn định về chính trị xã hội.
Hiện chúng ta đang nói đến nền kinh tế với độ mở rất cao tạo nên thế lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam. Thứ hai, chúng ta dựa vào sự đầu tư nước ngoài quá lớn trong khi đó chi phí đầu tư không hề nhỏ, công nghệ thì hạn chế. Vì thế DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam rất khó có thể kết nối với các DN FDI nên không thể đảm bảo sự tự chủ, bền vững của nền kinh tế. Đây chính là thách thức, vì lẽ đó, vừa thu hút đầu tư, chúng ta cần phải có giải pháp để hạn chế bớt những rủi ro…
Vấn đề nữa chúng ta cũng cần đề cập tới đó chính là cạnh tranh giữa các DN nội địa. Chúng ta kỳ vọng vào khu vực kinh tế tư nhân có thể bứt phá. Thế nhưng lực lượng DN Nhà nước - lực lượng vẫn được xem là đầu tầu của nền kinh tế lại cổ phần hoá rất chậm và hiệu quả hoạt động cũng không cao, chưa thực sự giữ vai trò dẫn dắt của nền kinh tế; Khu vực DN tư nhân chiếm phần lớn và có thời gian chúng ta kỳ vọng vào sự tăng trưởng của một số thương hiệu lớn nhưng họ lại chủ yếu gắn với lĩnh vực bất động sản và tài chính, rất ít trong lĩnh vực công nghệ.
Theo tôi, phần lớn các DN gặp vấn đề về cấu trúc, cơ cấu, quản trị DN. Thêm vào đó, muốn trưởng thành họ phải trưởng thành về mặt công nghệ, bằng sản xuất công nghệ chứ không phải tài chính và bất động sản. Chúng ta chưa thực sự có những DN hàng đầu về công nghệ, sản xuất bằng công nghệ để có thể sánh vai cùng các DN trên thế giới. Để thực sự phát triển, không thể chỉ có một số DN mà phải có cả thế hệ các nhà công nghiệp, công nghệ. Trong khi đó, khu vực phi chính thức (hộ kinh doanh) của chúng ta khá lớn (hiện cả nước có 800 - 900.000 DN nhưng có tới 5,6 triệu hộ kinh doanh, trong đó chỉ có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký). Đây chính là các DNNVV, nhưng dù nhỏ cũng phải minh bạch và hoạt động hiệu quả.
Theo TS, đâu là điểm yếu cố hữu của DN? Và DN cần phải làm gì để khắc phục các yếu điểm, hạn chế đó?
DNNVV Việt Nam không có đất sống vì giá đất thời gian qua bị đẩy lên quá cao dẫn đến chi phí cho mặt bằng cũng cao nên năng lực cạnh tranh thấp là vì vậy. Cũng chính bởi điều này mà chi phí cho việc đầu tư công nghệ, nguồn lực không còn, trong khi đó đầu tư vào công nghệ, nhân lực chất lượng cao là vô cùng quan trọng cho việc hoạt động và phát triển của DN.
Có thể nói, kinh tế của chúng ta hiện nay được ví như một cơ thể yếu nên khi gặp khó khăn, những điểm yếu đó được bộc lộ một cách rõ ràng. Điểm yếu cố hữu của chúng ta chính là cơ cấu DN; Tiếp theo đó là vấn đề thể chế và đây chính là thời điểm thể hiện quyết tâm rất cao để có thể thực hiện những điều mà chúng ta vẫn nói mà chưa làm được đó là tái cấu trúc DN. Chúng ta không thể không đau xót khi số DN bị phá sản, phải rời bỏ thị trường, dự án phải đóng cửa là rất lớn, nhưng đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc cũng như là dịp để chúng ta nhận ra các vấn về công nghệ, quản trị, nhân lực, rồi làm thế nào để phát triển bền vững…
Quá trình tái cấu trúc có thể rất đau đớn nhưng nó sẽ làm chúng ta phải thay đổi tư duy cũng như thúc đẩy sự thay đổi để phát triển. Để làm được điều này phải thay đổi về mặt tư duy, từ đó thay đổi nhận thức, hành động và thực hiện hiệu quả việc tái cấu trúc. Khi chúng ta tái cấu trúc lại trên một cơ sở không còn phù hợp nữa, chúng ta sẽ tạo ra được động lực tăng trưởng mới!
Về thể chế, chúng ta hiện ở mức trung bình nên không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và không thể trở thành quốc gia phát triển được. Những nước phát triển vượt trội chính là những nước có thể chế vượt trội và chúng ta hoàn toàn có thể trở thành nước có nền kinh tế phát triển nếu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hoá mọi hoạt động. Khi chúng ta cải cách thể chế sẽ tạo ra động lực thu hút mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển kinh tế - xã hội.
Tôi cho rằng, động lực lớn nhất sẽ được khơi dậy từ thể chế. Thực tế, các dự án kéo dài hàng chục năm là vì ai cũng sợ trách nhiệm. Đấu tranh chống tham nhũng là cần thiết nhưng hệ thống pháp luật cũng phải bảo vệ được cán bộ tốt, dám đấu tranh, hay những người vì nước vì dân… Cho nên, nếu chúng ta khơi thông được thể chế, đẩy mạnh cấu trúc nền kinh tế, chắc chắn nền kinh tế của ta sẽ phát triển!
TS đánh giá thế nào về đội ngũ DN, doanh nhân hiện nay? Ông kỳ vọng như thế nào vào lực lượng “nòng cốt” này của đất nước?
Nhìn sâu vào các DN Việt, từ thời kỳ đổi mới đến nay, chúng ta đã tạo ra được một đội ngũ DN, doanh nhân đông đảo. Và họ đã gánh vác một trọng trách lịch sử rất lớn. Cùng với cả dân tộc, họ đã đưa đất nước ta, từ một nước đói nghèo trở thành một nước có thu nhập trung bình; Đã đưa hàng chục triệu đồng bào ta từ khu vực nông nghiệp, nông thôn với năng suất thấp sang nền công nghiệp dịch vụ với năng suất cao. Đây là thành quả vô cùng quan trọng của đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam.
Quá trình hội nhập quốc tế hay tăng trưởng kinh tế cũng nhờ vai trò to lớn của đội ngũ này. Họ thực sự là “những chiến binh dũng cảm giữa thời bình”, nhưng cộng đồng doanh nhân của chúng ta đông nhưng chưa mạnh. Vẫn còn dư địa cho sự cải cách, nỗ lực, cố gắng và vươn lên. Trong đó, lực lượng DN Nhà nước phải đi tiên phong trong mọi hoạt động vì họ nhận được sự quan tâm rất lớn trong hệ thống chính trị, họ phải đi đầu trong sự đổi mới, sáng tạo; Đi đầu trong việc đề cao trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường tấm gương trong nền kinh tế cũng như vươn tới quản trị DN hàng đầu thế giới.
Đối với các DN tư nhân, nhất là các DN hàng đầu phải vươn lên làm chủ công nghệ, áp dụng các phương pháp quản trị DN hàng đầu, làm ăn có trách nhiệm, trên cơ sở của pháp luật vì đây không còn là giai đoạn làm ăn kiểu chộp giật, đầu cơ… Tự do kinh doanh nhưng phải tự do kinh doanh có trách nhiệm. Muốn vậy, toàn bộ hệ thống DN tư nhân phải xốc lại hành trang, quản trị, tái cấu trúc lại DN, vươn tới những chuẩn mực kinh doanh quốc tế và kinh doanh có trách nhiệm… Quan sát lại các DN hàng đầu, chúng ta nhận thấy, DN nào mà bám sát hoạt động sản xuất, hướng tới các chuẩn mực quốc tế, DN đó sẽ phát triển bền vững. Thậm chí họ có thể dễ dàng vượt qua đại dịch, khó khăn, thử thách… Còn những DN không làm ăn theo hướng đó sẽ thất bại, đổ vỡ và phải trả giá.
Hiện tại, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, công nghiệp hỗ trợ… là những lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn. Vì vậy, các DN nên bám vào các lĩnh vực chủ chốt này để phát triển. Cơ hội mở ra là vô cùng lớn, quan trọng chúng ta phải đổi mới và làm việc có trách nhiệm trên tinh thần “Thượng tôn pháp luật”. Bên cạnh sự đổi mới, nên học hỏi kinh nghiệm của các DN đã thành công. Hy vọng năm 2023 sẽ là sự khởi đầu cho một nền kinh tế đổi mới, sáng tạo và phát triển.
Cùng với thay đổi thể chế, chính sách, vấn đề an toàn kinh doanh cũng được đặt ra, TS nhận định thế nào về vấn đề này?
Chưa bao giờ vấn đề an toàn trong kinh doanh lại được quan tâm như bây giờ. Trong suốt bao năm qua chúng ta đã luôn cố gắng tạo mọi điều kiện cho việc kinh doanh được thuận lợi hơn để Việt Nam trở thành nơi thu hút đầu tư từ nước ngoài và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Đối với DN và nền kinh tế, sự thuận lợi trong môi trường đầu tư kinh doanh luôn là số 1. Muốn vậy, sự minh bạch trong hệ thống pháp luật đầu tư kinh doanh là rất quan trọng. Việc đầu tiên mà chúng ta cần phải làm là tránh xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật và phải tập trung xây dựng, xử lý để môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ thuận lợi mà còn phải đảm bảo an toàn.
Trân trọng cám ơn TS!
"Cơ hội mở ra là vô cùng lớn, quan trọng, chúng ta phải đổi mới và làm việc có trách nhiệm, trên tinh thần “Thượng tôn pháp luật”.