Nhận diện những vấn đề chính trong phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện nay, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, về chủ quan, các doanh nghiệp này đang đối diện với ba vấn đề lớn.
Thứ nhất, hầu hết doanh nghiệp tư nhân đều có quy mô nhỏ, thiếu các nguồn lực cần thiết để phát triển. Năng suất lao động của khu vực tư nhân thấp và khó tăng năng suất, khó cải thiện năng suất lao động.
Khu vực kinh tế tư nhân đang thiếu vắng các doanh nghiệp quy mô lớn và vừa, thiếu sự dẫn dắt của các doanh nghiệp quy mô lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo bà Lan, đây là một thực tế đáng buồn của một nền kinh tế, khi mà các khu vực kinh tế "không chơi với nhau". Các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam rất đơn độc trong phát triển. Ở đây không chỉ là khu vực FDI không chơi với doanh nghiệp tư nhân mà ngay cả các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp lớn cũng không chơi với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mặt khác, họ cũng thiếu sự đồng hành của các hiệp hội doanh nghiệp, các chính sách phát triển của cơ quản quản lý nhà nước.
Trong khi đó, lẽ ra các doanh nghiệp phải có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ. Doanh nghiệp lớn phải là cánh chim đầu đàn, dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi lên, đưa họ vào mạng lưới chuỗi sản xuất cung ứng của mình để cùng nhau phát triển.
Vấn đề thứ hai, theo bà Lan, mục đích của hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đều là mưu sinh, kiếm sống. Doanh nghiệp đang rất thiếu niềm tin kinh doanh. Hệ quả là hầu như các doanh nghiệp đều không chịu lớn, rất ít doanh nghiệp phát triển, chuyển được từ siêu nhỏ thành nhỏ, từ nhỏ thành vừa.
Nguyên nhân của thực trạng này được bà Lan chỉ ra rằng, doanh nghiệp tư nhân đang phải cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước và thân hữu.
Việt Nam chưa có môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Pháp luật về cải thiện môi trường kinh doanh rất nhiều nhưng công tác thực thi còn yếu, nhiều mục tiêu chưa được thực hiện.
Bên cạnh đó, quyền tài sản về vật chất và trí tuệ của doanh nghiệp chưa đảm bảo, doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn lực của xã hội cho phát triển.
Mặt khác, một trong những vấn đề quan trọng trong quản lý nhà nước gây khó cho cho doanh nghiệp tư nhân là các cơ chế thực thi pháp luật luôn đẩy doanh nghiệp vào sự phát triển một cách lệch lạc.
"Ví dụ như việc có quá nhiều quy hoạch, mũi nhọn phát triển dẫn đến doanh nghiệp đi lệch. Việc duy trì quan hệ xin cho quá lâu khiến doanh nghiệp luôn tìm hướng đi thân hữu hơn là cạnh tranh lành mạnh", bà Lan nhấn mạnh.
Hiểu đúng để ứng xử đúng với doanh nghiệp tư nhân
Bàn về giải pháp cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển, bà Lan cho rằng, trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội cần có một cái nhìn đúng về khu vực kinh tế này.
Thời gian vừa qua, những nhầm lẫn trong khái niệm về doanh nghiệp tư nhân luôn tồn tại. Lúc thì gọi khu vực kinh tế tư nhân là doanh nghiệp tư nhân của người Việt, hình thành theo Luật Doanh nghiệp đăng ký chính thức. Lúc thì tính cả các hộ kinh doanh gia đình vào khu vực kinh tế tư nhân. Lúc lại đưa cả các doanh nghiệp đầu tư nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước vào thành khu vực tư nhân nói chung.
Chính vì vậy, các con số thống kê đã không phản ảnh được đầy đủ sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Ví dụ như nếu chỉ tính các doanh nghiệp đăng ký chính thức thì khu vực kinh tế tư nhân chỉ đóng góp 9 - 10% GDP. Tuy nhiên, nếu tính tổng khu vực tư nhân lại đóng góp vào GDP 43%.
Do đó, làm rõ khái niệm kinh tế tư nhân, đánh giá đúng vai trò, đóng góp của khu vực này với tăng trưởng kinh tế là việc rất cần để các chính sách được thiết kế hợp lý, cụ thể đối với từng khu vực, giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Đơn cử như khu vực tư nhân có nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm đòi hỏi có những chính sách khác nhau để phát triển. Các doanh nghiệp lớn rất cần phát triển lên một giai đoạn mới, đi vào công nghiệp, sáng tạo, phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá.
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp vừa cần các chính sách để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, từng bước phát triển trở thành doanh nghiệp lớn. Khu vực doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ lại cần những chính sách khác hai khu vực trên.
Từ thực tế này, bà Lan cho rằng, nếu Chính phủ đưa ra chính sách phát triển kinh tế tư nhân chung cho tất cả các doanh nghiệp sẽ không đúng, không trúng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ chiếm tới hơn 97% trong tổng số các doanh nghiệp tư nhân. Đây thường là khu vực doanh nghiệp bị thua thiệt, nhất là trong công tác phân bổ các nguồn lực.
Về các giải pháp cụ thể, theo vị chuyên gia này, nhà nước cần tạo được một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, từng bước hội nhập sâu, rộng với quốc tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường thể chế thị trường, đặt các doanh nghiệp vào thế cạnh tranh bình đẳng, xoá bỏ các ưu đãi bất hợp lý cho doanh nghiệp FDI và thân hữu, giải phóng các nguồn lực mà họ chưa sử dụng hiệu quả và phân bổ lại các nguồn lực cho phát triển, xoá bỏ cơ chế xin cho nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Trên lý thuyết là như vậy, tuy nhiên, theo bà Lan: "Bao lâu nay, tư duy đổi mới mới mới chỉ ở trên, chưa thấm hành động trong bộ máy ở phía dưới. Chính sách của Chính phủ luôn rất cụ thể, rõ ràng nhưng quá trình thực hiện cứ tản mạn, mỗi người làm một kiểu, mỗi người đi một hướng, ai cũng đều chạy theo mục tiêu riêng của mình".
Chính điều này đã khiến các chủ trương chính sách chưa được thực hiện có hiệu quả, vẫn mãi gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển lớn mạnh của khu vực doanh nghiệp tư nhân.
"Đã đến lúc toàn xã hội phải tập trung vào một mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước này. Muốn vậy, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý chí công dân trong toàn thể bộ máy nhà nước, doanh nghiệp và xã hội cần được khơi dậy và nâng cao hơn bao giờ hết. Tất cả cùng tập trung trí tuệ, tinh thần ở mức cao nhất, vì một Việt Nam thịnh vượng", bà Lan nhấn mạnh.
Link bài gốc