Tích cực săn quỹ đất
Mở rộng quỹ đất là một trong những mục tiêu được Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) đặt ra. Theo ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc Thuduc House, ngoài thị trường chủ lực là TP.HCM với sản phẩm nhà thấp tầng, chung cư, các tổ hợp cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại, Thuduc House tiếp tục tìm kiếm quỹ đất để phát triển dự án trong 10 năm tới, mở rộng hoạt động sang các tỉnh, thành phố lân cận đang có tiềm lực phát triển như Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Thuduc House phát triển quỹ đất bằng cách nhận chuyển nhượng từ tư nhân với những khu đất có quy mô vừa và nhỏ từ 1 ha đến 10 ha tại các khu đô thị lớn để xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động. Đồng thời, hạn chế đầu tư vào các khu vực, dự án có liên quan đến đất công để tránh những vướng mắc về thủ tục pháp lý”, ông Chinh cho biết.
Còn với Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc, săn “của để dành” được xem là chiến lược xuyên suốt trong quá trình phát triển doanh nghiệp. Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Phúc Land (thành viên của Tập đoàn Vạn Phúc) chia sẻ, hiện doanh nghiệp đang có trong tay 400 ha đất để phát triển các dự án bất động sản trong thời gian 15 năm tới. Để có được 400 ha quỹ đất này, doanh nghiệp phải chuẩn bị từ nhiều năm trước, bằng việc mua lại quỹ đất từ các doanh nghiệp khác.
“Chẳng hạn dự án Van Phuc City có diện tích 198 ha đã được Tập đoàn Vạn Phúc chuẩn bị từ 10 năm trước khi bắt đầu triển khai dự án nhà phố thương mại vào năm 2016. Tới nay, dự án đã triển khai được hơn 50% quỹ đất, dự kiến trong 5 năm tới, Khu đô thị Vạn Phúc sẽ hoàn thiện đầy đủ các phân khu”, bà Hương nói.
Khi đất tăng giá thì việc chuẩn bị quỹ đất của doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn vì chi phí đầu vào tăng và cạnh tranh cũng gay gắt hơn. Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, hiện việc tìm kiếm quỹ đất làm dự án không còn dễ dàng, ngay ở khu vực các tỉnh lân cận TP.HCM. Nhiều doanh nghiệp dẫm chân nhau để có được quỹ đất đẹp.
Có thể thấy, với mỗi doanh nghiệp địa ốc đều có riêng một chiến lược săn tìm dự án, tùy theo định hướng phát triển và khả năng tài chính của mình. Chẳng hạn, với Tập đoàn Danh Khôi, một trong những doanh nghiệp mới nổi trên thị trường mua bán - sáp nhập (M&A), đang chọn mua lại những quỹ đất vàng tại các thành phố lớn để phát triển dòng sản phẩm bất động sản cao cấp, trong đó có nhiều dự án tại Đà Nẵng. Chỉ trong thời gian ngắn, Danh Khôi đã tiến hành M&A 6 dự án lớn, mỗi thương vụ lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Một trong những doanh nghiệp khá nổi trong hoạt động này thời gian qua phải kể đến Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát. Liên danh Hải Phát Invest và Công ty TNHH Hà Sơn mới đây đã trúng thầu Dự án Khu đô thị mới Mai Pha (Lạng Sơn) với quy mô gần 92 ha, tổng mức đầu tư gần 2.900 tỷ đồng. Tuy chưa chia sẻ cụ thể về kế hoạch đối với dự án này, nhưng hướng đi phát triển các dự án lớn ở nhiều địa phương trên cả nước là điều được các lãnh đạo Hải Phát Invest nói tới nhiều lần.
Trên thực tế, trong suốt thời gian vừa qua, Hải Phát Invest đã liên tục mở rộng và hướng tới nhiều thị trường tiềm năng hơn, trong đó có Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu; Long An, TP. Huế…
Không đứng ngoài cuộc chơi, Tập đoàn Novaland cũng xác định M&A vẫn tiếp tục là con đường phát triển quỹ đất trong năm 2020 và các năm tới. Ngoài việc chú trọng lựa chọn M&A các dự án có vị trí đắc địa, pháp lý chắc chắn tại khu vực trung tâm TP.HCM, Novaland cũng đẩy mạnh xu hướng M&A dự án thiên về mô hình đô thị sinh thái thông minh tại các vị trí phát triển khu đô thị vệ tinh, trọng điểm là khu vực Đồng Nai.
Một tân binh mới niêm yết trên sàn HoSE là An Gia cũng đặt mục tiêu mỗi năm sẽ dùng khoảng 5.000 - 10.000 tỷ đồng để tạo quỹ đất, đảm bảo đầu vào phát triển trong 10 năm tới. Mỗi dự án có quy mô trung bình dưới 1.000 tỷ đồng phù hợp với phân khúc vừa túi tiền và trung cấp.
Cơ hội chia đều, nhưng…
Trên thực tế, dù thị trường sôi động hay trầm lắng, thì hoạt động mở rộng quỹ đất của các doanh nghiệp bất động sản vẫn diễn ra. Tất nhiên, M&A là một giải pháp tốt, nhưng không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể tận dụng nếu tiềm lực tài chính không đủ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, M&A là giải pháp đi tắt đón đầu khá tốt. Khi doanh nghiệp triển khai M&A dự án thì có thể mua chi phối hoặc tham gia cổ phần, khi đó dự án không bị thay đổi quy hoạch, không bị đổi tên vì thủ tục đổi tên hiện nay rất lâu. Tất nhiên, muốn M&A thì phải có tiềm lực tài chính mạnh. Cơ hội nói chung là chia đều cho các doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất vẫn là phải quản trị dòng tiền tốt.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Hương cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể “ôm” được quỹ đất để chờ thời. Để có thể sở hữu được quỹ đất lớn, doanh nghiệp phải mạnh về vốn, bởi vốn mua quỹ đất là tiền chết, số tiền này phải được trả cho đối tác ngay khi mua đất.
“Ngay khi đã mua đất mà chưa triển khai dự án, số tiền hàng trăm tỷ đồng, thậm chí là hàng ngàn tỷ đồng này sẽ phải nằm bất động tại chỗ. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải cần tiền để hoạt động kinh doanh các dự án khác, nên đòi hỏi tiềm năng tài chính của doanh nghiệp phải rất lớn thì mới trụ được”, bà Hương nói.
Link bài gốc