Ngày pháp luật

Doanh nghiệp 'chê' vận tải đường sắt dù giá rẻ

Theo Kinh tế Sài Gòn

Các mặt hàng nông sản từ phía Nam xuất khẩu đi Trung Quốc dù vận chuyển bằng đường sắt có giá rẻ nhưng doanh nghiệp không chọn vì phương thức vận chuyển này qua nhiều khâu trung gian dễ làm hỏng hàng hóa.

Vấn đề này được các doanh nghiệp xuất khẩu nêu ra tại hội nghị trực tuyến kết nối doanh nghiệp nông sản với doanh nghiệp đường sắt, hàng không do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tổ chức chiều 8/9.

Phản ánh về phương thức vận chuyển bằng đường sắt, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết, doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc bằng đường bộ thay vì đường sắt.

Vận chuyển container bằng đường sắt tuyến Bắc - Nam
Vận chuyển container bằng đường sắt tuyến Bắc - Nam

Giải thích cho lựa chọn này, ông Tùng cho biết việc vận chuyển bằng đường sắt phải qua nhiều khâu trung chuyển nên ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt là hàng trái cây.

Ông dẫn chứng, để xuất khẩu một container hàng nông sản từ Long An sang Trung Quốc nếu đi bằng đường sắt thì phải vận chuyển bằng đường bộ từ Long An đến ga Sóng Thần rồi mới đi đường sắt đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) để xuất đi Trung Quốc. Trong khi vận chuyển bằng đường bộ thì xe container sẽ đi thẳng từ Long An tới tận biên giới Trung Quốc luôn

Ông Tùng phân tích với mặt hàng trái cây khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ thì hạn dùng phải còn ít nhất 15 ngày để người tiêu dùng mua. Đường sắt dù giá rẻ hơn đường bộ nhưng việc chuyển qua nhiều khâu hàng bị hỏng thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại nhiều vì thế doanh nghiệp vẫn chọn đường bộ tuy chi phí đắt hơn nhưng hàng vẫn đảm bảo.

Cũng than phiền về chi phí vận tải, ông Hoàng Văn Hoàn, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần thương mại TMS Trading, cho biết dịch vụ hậu cần (logistics) của Việt Nam hiện giá thành rất cao nên doanh nghiệp xuất khẩu rất khó trong việc cạnh tranh về giá bán.

Ông Hoàn dẫn câu chuyện trong đợt dịch Covid-19 vừa qua trong danh sách 400 công ty logistics mà doanh nghiệp đã từng là đối tác, khi cần vận chuyển thì không doanh nghiệp nào nhận cho dù xe nằm không, doanh nghiệp trả giá cao cỡ nào cũng không có xe vận chuyển.

"Một nghịch lý đang xảy ra hiện nay là khi xuất khẩu, phần logistics làm trực tiếp với doanh nghiệp trong nước thì cước phí đắt, trong khi làm qua doanh nghiệp Trung Quốc thì giá lại rẻ hơn" ông Hoàn nêu thực trạng.

Trước thực trạng này, ông kiến nghị các cơ quan nhà nước cần có các chính sách "trợ giá" cho logistics để kéo giảm chi phí này cho doanh nghiệp xuất khẩu nếu không doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua thiệt.

Về phía cơ quan nhà nước, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, qua phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy đường sắt có nhược điểm là không linh hoạt.

Vì thế, đường sắt phải kết hợp với đường bộ để tạo ra một quy trình vận chuyển khép kín. Khi đó khách hàng chỉ cần tìm đến đường sắt để làm đầu mối thay vì phải qua nhiều khâu.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục