Ngày pháp luật

Doanh nghiệp bị lừa nơi "đất khách": Cần phải “mạnh tay” và “sòng phẳng”

Hoàng Loan

Theo đuổi con đường tố tụng là việc “cực chẳng đã” nhưng để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình, doanh nghiệp cần phải “mạnh tay” và “sòng phẳng”.

Không phải lần đầu

Mới đây, nhiều DN xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất đã khiếu nại lên Thương vụ Việt Nam tại UAE về việc một số công ty nhập khẩu tại Dubai đã có các hình thức lừa đảo và gian lận thương mại đối với DN Việt Nam.

Cụ thể các hành vi: Chậm trả tiền từ 6 tháng tới 1 năm thậm chí viện nhiều lý do như trục trặc từ phía ngân hàng khiến nhiều DN Việt Nam sang tận nơi để đòi tiền nhưng vẫn không thể giải quyết được; Sau khi DN xuất khẩu Việt Nam đã giao scan chứng từ và hàng, các công ty tại Dubai viện nhiều lý do, từ trục trặc ngân hàng để “lấp liếm” việc phát hành telegraphic tranfer (điện chuyển tiền) giả trì hoãn việc thanh toán, lẩn tránh câu giờ, đánh tráo hàng kém chất lượng và khiếu nại ngược lại DN Việt...

Doanh nghiệp bị lừa nơi
Hình minh họa: Nếu đã lâm và hoàn cảnh bị lừa nơi “đất khách quê người” thì giải quyết tại tòa án hay thông qua trọng tài quốc tế là còn đường ắt phải diễn ra.

Đây không phải lần đầu tiên DN Việt Nam lâm vào những thương vụ lừa đảo bởi các DN “treo đầu dê bán thịt chó” nước ngoài.

Từ các vụ DN xuất khẩu gỗ, bông, hạt điều,… bị lừa tiền tại các nước Châu Phi tới vụ DN bị lừa cả triệu USD vì email giả tại Thổ Nhĩ Kỳ… Có thể thấy rằng trong khi Chính phủ đang nỗ lực tham gia đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại, hợp tác kinh tế thì những vụ lừa đảo tại nước ngoài như thế này đang gây ra thiệt hại kinh tế và sự “e dè” trong việc “đem chuông đi đánh xứ người” của DN Việt.

DN cần phải “mạnh tay” và “sòng phẳng”

Luật sư Nguyễn Văn Nứa (Công ty Luật Green Land) khẳng định: Nếu đã lâm và hoàn cảnh bị lừa nơi “đất khách quê người” thì giải quyết tại tòa án hay thông qua trọng tài quốc tế là còn đường ắt phải diễn ra để bảo vệ quyền lợi cho các DN xuất khẩu Việt Nam. Để có thể vững vàng tâm lý và hạn chế tối đa những thiệt hại thì bản thân mỗi DN phải tự trang bị kiến thức trong thời buổi hội nhập kinh tế hiện nay. 

- Thưa luật sư, ông nhận định như thế nào về thực trạng nêu trên?

Trong kinh doanh, vấn đề may rủi là có nhưng chúng ta không thể viện cớ này để giải trình cho những sự thiệt hại vì bị lừa bởi các công ty trong quá trình xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài như vậy. Theo như quan sát của cá nhân tôi, hầu hết, các thương vụ lừa đảo diễn ra tại những thị trường mới và nhỏ (UEA, Châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ...) chứ không xuất hiện nhiều tại các thị trường quen thuộc và lớn của Việt Nam (EU, Nhật Bản, Mỹ,…).

Việc dấn thân của các DN Việt tại các thị trường mới là một điều vô cùng đáng khích lệ để mở rộng thị trường và cơ hội xuất khẩu hàng hóa vì tại những quốc gia này, yêu cầu về hàng hóa nhập khẩu không khắt khe và nghiêm ngặt như tại các thị trường uy tín.

Đây là con dao hai lưỡi vô hình chung đẩy DN vào nhiều tình huống trớ trêu, gây thiệt hại kinh tế cho bản thân DN xuất khẩu. Bởi đây là những thị trường mới mà kinh nghiệm thương trường từ các DN của ta không nhiều, hành lang pháp lý bảo vệ không đủ mạnh nứa sẽ khiến các DN Việt khó khăn trong quá trình xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

- Vậy thưa ông, khi tranh chấp đã xảy ra thì cơ chế nào giúp DN tự bảo vệ mình?

Theo đuổi con đường tố tụng là việc “cực chẳng đã” mặc dù vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình, DN cần phải “mạnh tay” và “sòng phẳng”.

Việc áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các bên trước tiên phụ thuộc vào những thỏa thuận trong hợp đồng. Con đường giải quyết tranh chấp tại tòa án thường không phải là con đường tối ưu. Các bên luôn mong muốn tòa án của nước mình giải quyết vụ việc. Khó khăn ở đây không chỉ là việc không thông hiểu pháp luật của nước khác mà còn là sự xung đột về thẩm quyền, sự lo ngại về tính công bằng trong phán quyết, sự bất đồng ngôn ngữ…

Cần tham khảo kỹ thị trường

- Nhiều ý kiến cho rằng nếu đi qua con đường trọng tài quốc tế là khả thi nhất. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Các biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) là phương thức phổ biến mà nền kinh tế văn minh sử dụng thay cho thiết chế tòa án.

Trọng tài quốc tế là con đường ưu việt mà các DN nên lựa chọn. Là một thiết chế tài phán tư, trọng tài không bị phụ thuộc vào pháp luật của bất cứ quốc gia nào.

Hơn nữa, tố tụng trọng tài có tính linh hoạt và mềm dẻo, đề cao sự thỏa thuận của các bên trong tranh chấp nên có thể tạo mọi điều kiện cho các bên tham gia tố tụng.

Phán quyết của trọng tài là chung thẩm, tức không bị kháng cáo, kháng nghị nên rút ngắn quá trình tố tụng. Việc thi hành phán quyết trọng tài được thực hiện theo pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Đặc biệt, Công ước New York 1958 là cơ sở để thi hành phán quyết trọng tài quốc tế tại các quốc gia thành viên.

- Qua những vụ việc này, ông có lời khuyên như thế nào đối với các DN xuất nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực mở rộng thị trường?

Để tránh rủi ro cho DN xuất khẩu Việt Nam, các DN cần tham khảo kỹ thông tin thị trường và cơ hội khi kinh doanh tại các thị trường nước ngoài qua các kênh thông tin uy tín.

Bên cạnh đó, DN cần liên hệ trực tiếp với các Thương vụ Việt Nam tại các nước sở tại để tham khảo thông tin mang tính cập nhật hơn. Tránh tìm kiếm qua và giao dịch với khách hàng qua các mạng internet khác.

Khi thanh toán xuất nhập khẩu, DN nên đề nghị đối tác sử dụng L/C tức là thư tín dụng không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín.

Tuyệt đối không sử dụng hình thức thanh toán D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ) hay D/P (nhờ thu kèm chứng từ) ở lần giao dịch đầu tiên bởi rủi ro mất hàng cũng như thanh toán rất lớn.

Đối với những đơn hàng đầu tiên, chỉ nên mua với khối lượng nhỏ. Khi đàm phán và ký kết hợp đồng với đối tác Châu Phi, các DN nên lựa chọn những phương thức giao hàng, thanh toán an toàn, có lợi về mình, để tránh trường hợp nhà nhập khẩu không nhận hàng nhằm ép giảm giá.

Hợp đồng cần quy định kỹ lưỡng về các điều khoản tránh rủi ro cũng như quy định rõ cơ quan giải quyết tranh chấp (trọng tài hay tòa án), luật áp dụng để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh.

Tin Cùng Chuyên Mục