Chưa kịp mua, giá đã tăng
Không quá ồn ào, song thị trường nhà lẻ, nhà phố trong các khu dân cư gần đây diễn ra làn sóng ngầm về tăng giá. Sự tăng giá nhà diễn ra tại hầu hết quận huyện TP HCM. Trong đó “nóng” nhất có lẽ là TP Thủ Đức và các khu vực giáp ranh như Dĩ An, Thuận An của Bình Dương.
Từ sau khi các quận 2, 9 và Thủ Đức chính thức trở thành TP Thủ Đức, giá nhà lẻ, nhà phố khu vực này liên tiếp xác lập mặt bằng giá mới. Theo thông tin từ các môi giới, không chỉ giá tăng cao thanh khoản cũng tăng mạnh.
Chỉ cần có thông tin căn nhà tốt được công bố bán, ngay lập tức có đến hàng chục người đến tìm hiểu, và đã có không ít câu chuyện dở khóc, dở cười vì bị “lật cọc, bẻ kèo”, mua hụt, bán hớ.
Theo chia sẻ của một môi giới nhà phố chuyên nghiệp, việc “bẻ cọc” trong giao dịch nhà phố thường xuyên xảy ra, đặc biệt vào thời điểm sốt như hiện nay. Không có thống kê đầy đủ về giao dịch cũng như mức giá chung tăng đến mức nào, song theo ghi nhận thực tế của thị trường nhà phố gần đây, nhiều căn nhà đã tăng 30-50%, thậm chí hơn nữa so với cuối năm 2020.
Anh Ngọc Anh, một người dân sống ở đường 48, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, cho biết cách đây 6 tháng, căn nhà có diện tích 68m2 sát nhà anh được bán ra với giá 4,2 tỷ đồng, mới đây được bán lại với giá 7 tỷ đồng.
Tính ra, hơn 100 triệu đồng/m2 giá đất. Song rất khó nói là giá cao hay thấp, bởi hiện nay nguồn cung khu vực này không nhiều, trong khi nhu cầu tăng cao, nhiều người dù thấy giá cao vẫn mua, bởi không mua sợ sau đó giá lại tăng tiếp.
Có thể nói chưa khi nào giá nhà phố có mức tăng mạnh như hiện nay. Nhà trong hẻm nhỏ tại hầu hết phường gần khu vực trung tâm hiện không còn dưới mức 50 triệu đồng/m2, diện tích càng nhỏ, giá càng cao do nhu cầu ở quá lớn. Không chỉ nhà nhỏ lẻ trong các khu dân cư, nhà phố tại các dự án được quy hoạch bài bản, giá tăng còn chóng mặt hơn.
Đơn cử, tại dự án Gia Hòa (quận 9), năm 2018 giá giao dịch chỉ quanh mức 40-50 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên 80-100 triệu đồng/m2. Ngay kế bên, một dự án đất nền đường Tăng Nhơn Phú do Thủ Đức House làm chủ đầu tư bán cách đây 3 năm có giá trung bình 50-60 triệu đồng/m2, nay đã vượt mức 100 triệu đồng/m2.
Hay tại dự án khu đô thị Vạn Phúc, cách đây gần 1 năm, giá căn nhà phố 7x20m trục đường 13m có giá trung bình khoảng 15-16 tỷ đồng, hiện nay giá đang được giao dịch trên thị trường thứ cấp đã lên đến 24-25 tỷ đồng.
Không chỉ TP Thủ Đức, cơn sốt giá nhà phố còn lan rộng sang Bình Dương, đặc biệt là 2 TP liền kề là Dĩ An và Thuận An. Đơn cử, nhà phố dự án Him Lam Phú Đông tại Dĩ An được bán ra ban đầu từ năm 2016 với mức giá trung bình 23 triệu đồng/m2, đến nay nhà phố tại dự án này đã tăng lên hơn 10 tỷ đồng/căn, nhưng hầu như không có người bán. Tại khu Trung tâm hành chính Dĩ An 5 năm trước giá chỉ dao động 16-18 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên 70-80 triệu đồng/m2.
Trước sự tăng giá mạnh các dự án cũ, đã khiến việc “săn” nhà phố tại khu vực này nóng bỏng. Mới đây, dự án nhà phố liên kế Cité D’amour TP Dĩ An được công bố bán 4,5-5 tỷ đồng/căn đã trở thành hiện tượng. Dự án chỉ có 77 căn nhà phố xây sẵn, nhưng có đến hàng trăm nhà đầu tư đăng ký mua, nên theo chia sẻ của đơn vị phát triển dự án, khả năng sẽ phải tổ chức bốc thăm để tạo sự công bằng cho khách hàng.
Của để dành, đầu tư tích lũy an toàn
Sự tăng giá không ngừng của thị trường bất động sản TP HCM đã tạo nên cơn địa chấn về tâm lý. Không ít nhà đầu tư lẫn người mua nhà, cho rằng giá nhà đất đang trong cơn sốt ảo nên đứng ngoài chờ đợi. Nhưng cũng có nhà đầu tư nhận diện được thời cơ và có khả năng tài chính, đã kiếm không ít lợi nhuận nhờ tận dụng được cơ hội.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khác đã phải khóc ròng trước cơn sốt giá, khi đoán sai đỉnh của nó, bán ra nhưng sau đó không mua lại được, hoặc mua lại chính khu đất mình bán trước đó với giá cao hơn. Lý giải về cơn sốt giá nhà phố, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản, cho rằng không chỉ với nhà đầu tư, người mua nhà, ngay cả doanh nghiệp đầu tư bất động sản cũng không lường được thị trường thời gian qua.
Theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Asia New Time, thời gian qua bất động sản tăng giá có nơi thật, nơi ảo. Thí dụ, với thị trường nhà phố ở TP Thủ Đức và các khu vực giáp ranh như Dĩ An, Thuận An của tỉnh Bình Dương được xem là lõi của tốc độ đô thị hóa. Đây là tam giác có khu làng đại học, nơi tập trung lực lượng lao động tri thức trẻ cần nơi sống và làm việc. Cùng với hàng loạt khu công nghệ cao, khu công nghiệp thu hút hàng chục ngàn lao động và chuyên gia mỗi năm, nên nhu cầu gia tăng đột biến.
Nguyên nhân nữa khiến thị trường nhà phố tăng mạnh gần đây, bởi sản phẩm như nhà phố xây sẵn, nhà lẻ... với kinh nghiệm nếu thị trường có biến cố luôn là “con voi chui vào lỗ kim” vì tính tích lũy, tính tài sản an toàn và tính sử dụng cho nhu cầu thực.
Các thị trường đầu tư khác như đất nền, đất rẫy dù cơ hội có nhiều nhưng rủi ro cao, do đặc thù thường không xuất phát từ nhu cầu thực. Còn với các nhà đầu tư “ăn chắc, mặc bền” nhà phố là kênh an toàn và giá trị tăng theo thời gian.
“Tâm lý chúng ta thường lấy quá khứ để đánh giá hiện tại. Nhưng đối với bất động sản đây lại là cái “bẫy tâm lý” trong quyết định đầu tư và mua nhà. Thực tế trong suốt nhiều năm qua, thị trường đã chứng kiến nhiều trường hợp phải hối tiếc vì mang tâm lý chờ đợi giá nhà giảm mới mua, để rồi sau đó mất cơ hội an cư vì giá liên tục tăng” - ông Tiến nhấn mạnh.
Link bài gốc