Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong năm 2020 đạt xấp xỉ 51,18 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4% so với năm 2019 và hiện đang chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu năm qua của cả nước.
Điện thoại từ Việt Nam đã xuất đi hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dẫn đầu tiêu thụ nhóm sản phẩm này là Trung Quốc với 12,34 tỷ USD, chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại của cả nước, tăng 48,8% so với năm 2019. Thị trường EU đứng thứ 2 về kim ngạch khi đạt 9,9 tỷ USD, giảm 18,9% so với năm 2019. Tiếp đến là Mỹ đạt 8,79 tỷ USD, giảm 1,2%; Hàn Quốc đạt 4,58 tỷ USD, giảm 11%; UAE đạt gần 2,53 tỷ USD, giảm 25,6%...
Ngoài thị trường Trung Quốc vẫn tăng mua điện thoại và linh kiện từ Việt Nam, trong năm qua còn có Hồng Kông cũng tăng 44,14% với 1,73 tỷ USD; Canada tăng 34,3% với 826,23 triệu USD; Nhật Bản tăng 16,5% với 937,75 triệu USD…
Năm 2020 đã đánh dấu năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện sụt giảm. Bởi lẽ trong 10 năm trước đó, đây là nhóm mặt hàng luôn có mức tăng trưởng cao, giá trị xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước. Thậm chí có năm tăng trưởng đến 3 con số như năm 2011 tăng tới 178,3% so với năm 2010. Với mức tăng trưởng này, sản phẩm điện thoại và linh kiện đã nhanh chóng soán ngôi của các nhóm hàng truyền thống như dệt may, giày dép… để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này những năm qua luôn đóng góp đến trên dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm điện thoại và linh kiện chủ yếu nhờ vào các doanh nghiệp FDI, trong đó các dự án đầu tư của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đóng góp lớn nhất. Hai nhà máy của Samsung ở Việt Nam là SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là hai nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp điện thoại di động lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung Electronics trên toàn cầu. Đối với điện thoại, khoảng 60% sản phẩm Samsung bán ra trên thị trường toàn cầu là được lắp ráp sản xuất ở các nhà máy tại Việt Nam.
Link bài gốc