Rủi ro nợ xấu được giải quyết, cổ phiếu ngân hàng sẽ lấy lại đà tăng
Trong báo cáo cập nhật mới phát hành, Chứng khoán VnDirect cho rằng diễn biến chất lượng tài sản là “kim chỉ nam” đối với giá cổ phiếu ngân hàng. Theo đó, giá cổ phiếu ngành ngân hàng có phần phụ thuộc vào diễn biến chất lượng tài sản của ngành nhiều hơn là diễn biến tăng trưởng lợi nhuận. Nhà đầu tư cho rằng các ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận một cách bền vững hơn trong dài hạn, nếu như chất lượng tài sản thực sự được cải thiện.
Thực tế, trong giai đoạn nửa cuối 2021, nhà đầu tư đã có sự lo ngại về chất lượng tài sản của ngân hàng hậu đại dịch Covid-19. Theo đó giá cổ phiếu toàn ngành có sự sụt giảm nhẹ 3% (cuối 2021 so với cuối Q2/21), mặc dù lợi nhuận cả năm vẫn tăng 30% so với cùng kỳ.
Sang 2022, những sóng gió của ngành BĐS và thị trường TPDN lại một lần nữa dấy lên những lo ngại về chất lượng tài sản, và chỉ số giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã tiếp tục ghi nhận diễn biến tiêu cực (giảm 22% so với cùng kỳ), bất chấp lợi nhuận toàn ngành vẫn tăng trưởng mạnh 33,7%
VnDirect đánh giá, một khi rủi ro về nợ xấu có dấu hiệu được giải quyết, cổ phiếu ngân hàng sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm 2023
Theo nhóm phân tích, ngành ngân hàng phụ thuộc nhiều vào những biến động kinh tế vĩ mô, và khi các chỉ báo vĩ mô trở nên lạc quan hơn cũng sẽ giúp cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng. Tuy nhiên, khó khăn trong ngành BĐS và thị trường TPDN hiện nay vẫn chưa được giải quyết, và điều này sẽ tác động trực tiếp lên chất lượng tài sản của ngân hàng khi rủi ro nợ xấu đang dần hiện hữu…
“Trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn và doanh số ký bán suy yếu đã khiến cho các chủ đầu tư rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền một cách nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lên khả năng trả nợ và theo đó tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản cũng như là rủi ro tín dụng của các ngân hàng trong năm nay.”, VnDirect nhận định
Bên cạnh vấn đề của thị trường BĐS, nhóm phân tích cũng nhận thấy một vấn đề khác liên quan đến việc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gặp khó khăn về thanh khoản, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.
Các DN Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao và việc này sẽ gây ảnh hưởng lên khả năng trả nợ. Mặt khác, việc tiếp cận vốn của các DN đang gặp nhiều khó khăn, khi kênh tín dụng ngân hàng vẫn hạn chế trong khi thị trường TPDN gần như đã đóng băng.
“Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của DN và khả năng trả nợ suy giảm sẽ lại là một yếu tố tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023”, nhóm phân tích cho hay.
VnDirect kỳ vọng, Nghị định 08/2023 mới ban hành sẽ giảm bớt một phần những khó khăn nói trên, khi điều luật cho phép các trái phiếu đã phát hành được đàm phán gia hạn thêm thời gian và nới lỏng một số điều kiện phát hành. Theo đó, những chính sách này nếu được triển khai sẽ giúp giảm áp lực thanh khoản cho các DN BĐS trong ngắn hạn.
Chứng khoán Mirae Asset cho rằng diễn biến giá cổ phiếu các ngân hàng sẽ có nhiều biến động trong năm 2023, phụ thuộc vào cả yếu tố nội tại lẫn bên ngoài như: thay đổi trong chất lượng tài sản, lãi suất và tỷ giá, sức khỏe của nền kinh tế và những biện pháp tháo gỡ khó khăn tạm thời cho ngành bất động sản.
Chứng khoán Yuanta đánh giá ACB và VCB có chất lượng tài sản ổn định thể hiện qua tỷ lệ nợ xấu thấp và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao. Ngoài ra, 2 ngân hàng này gần như không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, điều này sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trước những lo ngại liên quan đến sản phẩm tài chính này.
Theo ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group, hệ thống ngân hàng sẽ có phân hóa mạnh trong năm 2023. Ngân hàng quản trị rủi ro tốt, khẩu vị rủi ro phù hợp với định hướng thị trường, ở mức thận trọng, sẽ giữ vững hiệu quả hoạt động. Ngược lại, ngân hàng hướng đến hoạt động rủi ro cao sẽ chịu tác động lớn khi thị trường tài chính chưa phục hồi mạnh mẽ.