Vốn ngoại đổ mạnh vào các bệnh viện tư nhân
Năm 2019, quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) của VinaCapital đã đầu tư 25 triệu USD vào bệnh viện tư nhân Tâm Trí. Thương vụ này đã giúp VOF nắm cổ phần tại bệnh viện có chi nhánh tại HCM, Đồng Tháp, Nha Trang và Đà Nẵng với tổng 500 giường và 700 nhân viên.
Tháng 8, VinaCapital tiếp tục rót 26,7 triệu USD vào hệ thống bệnh viện đa khoa Thu Cúc. Phát biểu về sự kiện này, ông Andy Ho, giám đốc điều hành VinaCapital cho rằng mỗi năm người Việt Nam chi khoảng 2 tỷ USD để ra nước ngoài chữa bệnh, đó là lí do VinaCapital rót vốn đầu tư vào các bệnh viện để tăng chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam.
Trong năm 2018, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, được rót vốn bởi Clermont Group là một tập đoàn kinh doanh đa quốc gia có trụ sở chính tại Singapore được sáng lập bởi tỷ phú Richard F. Chandler đã mua lại bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc và phòng khám đa khoa Hữu Nghị.
Sau thương vụ này, Hoàn Mỹ được xem là Tập đoàn y tế tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay gồm 15 bệnh viện và 6 phòng khám trải dài từ Bắc Trung Bộ tới miền Tây Nam Bộ với qui mô hơn 3.407 giường bệnh cùng đội ngũ 879 bác sĩ, 5.283 điều dưỡng và nhân viên.
Các số liệu cho thấy dòng vốn nước ngoài đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân (private equity) tại Việt Nam đang rất ưa thích lĩnh vực y tế, dược phẩm và chăm sóc sức khoẻ.
Báo cáo tổng kết của Bộ Y tế năm 2019 cho biết, Y tế tư nhân tiếp tục phát triển cả về quy mô và số lượng.
Số bệnh viện tư nhân tăng từ 102 bệnh viện năm 2010 lên 231 bệnh viện năm 2019, số giường bệnh cũng tăng từ 5.800 giường lên 16.000 giường bệnh (5% tổng số giường bệnh, 1,7 giường trên 1 vạn dân) và trên 35.000 phòng khám tư nhân, góp phần đáng kể vào cung cấp dịch vụ y tế, cả khám chữa bệnh và phòng bệnh (cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1% tổng số dịch vụ nội trú).
Bên cạnh một số bệnh viện 100% vốn nước ngoài, bệnh viện tư nhân có trang thiết bị hiện đại, cung cấp dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Một số nhà đầu tư đã thành lập chuỗi bệnh viện như Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, Hệ thống y tế Vinmec, đã xuất hiện mô hình cơ sở y tế tư nhân hoạt động không vì lợi nhuận (Hệ thống y tế Vinmec).
Các bệnh viên tư nhân đều lãi lớn
Số liệu của chúng tôi cho thấy các bệnh viện tư nhân lớn trên cả nước đều có lãi lớn khi chi phí dịch vụ gấp 5- 10 lần so với khám ở các bệnh viện công.
Trong số các bệnh viện tư, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ trụ sở chính tại TP HCM là lớn nhất. Chúng tôi không có đầy đủ số liệu về số hợp nhất của Hoàn Mỹ, tuy nhiên hầu hết các bệnh viện thuộc hệ thống này đều tăng trưởng dương trong 4 năm trở lại đây.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn năm 2018 doanh thu đạt 1.133 tỷ, lãi sau thuế gần 350 tỷ, tăng 36% so với năm trước.
Năm 2019, các bệnh viện vệ tinh tại các thành phố lớn của Hoàn Mỹ đạt doanh thu từ 400-500 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt từ 70-95 tỷ/bệnh viện. Biên lợi nhuận tại các bệnh viện thuộc tập đoàn Hoàn Mỹ đều trên 30%, biên lợi nhuận của Hoàn Mỹ Sài Gòn trong 2 năm 2017, 2018 là 40%.
Trong khi đó, Vinmec thuộc tập đoàn Vingroup hiện có 7 bệnh viện đa khoa quốc tế, 5 phòng khám quốc tế và 1.650 giường bệnh. Ba dự án mới là Vinmec Cần Thơ, Vinmec Ocean Park và Vinmec Smart City (Hà Nội) đang được triển khai và sẽ sớm được đưa vào vận hành.
Trong năm 2019, toàn hệ thống Vinmec đã tiếp nhận 753 nghìn lượt bệnh nhân khám nội trú và ngoại trú, tăng 22% so với năm 2018, đưa tổng doanh thu của Vinmec tăng 15% từ 2.631 tỷ đồng năm 2018 lên mức 3.025 tỷ đồng năm 2019.
Do đang tập trung mở rộng và nghiên cứu các dự án lớn, Vinmec gần như là bệnh viện tư duy nhất trong các bệnh viện chúng tôi nghiên cứu ghi nhận lỗ.
Bệnh viện đa khoa Medtalec tiền thân chỉ là một phòng xét nghiệm lâm sàng, sau đó mở rộng thành Trung tâm xét nghiệm thuộc công ty công nghệ và xét nghiệm y học tại 38 Châu Long, Hà Nội.
Năm 2012, Bộ Y tế cấp phép Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, tại 42-44 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội. Tính đến tháng 7/2020, MED GROUP đã có mặt 21 tỉnh thành và 17 văn phòng tại Hà Nội.
Đặc điểm của Medtalec là lấy mẫu tại nhà, hiện nay Medtalec đang dẫn đầu trong lĩnh vực xét nghiệm y tế. Chỉ trong 4 năm, từ 2016-2019, doanh thu của Medtalec tăng gấp đôi từ 360 tỷ lên 752 tỷ, lợi nhuận tăng gấp 3 từ 33 tỷ lên 141 tỷ cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của hệ thống này.
Bệnh viện Thu Cúc hiện đã tách biệt 2 mảng thẩm mỹ và khám chữa bệnh. Doanh thu của mảng bệnh viện đa khoa Thu Cúc tăng gấp đôi chỉ sau 2 năm, đạt 660 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ.
Các mảng dịch vụ khám chữa bệnh mũi nhọn tại Thu Cúc hiện nay là ung bướu, sản khoa, ngoại khoa, nội gan mật, chẩn đoán hình ảnh. Tháng 8, VinaCapital rót 26,7 triệu USD vào mảng chữa bệnh của Thu Cúc sau 2 năm tìm hiểu.
Bệnh viện quốc tế Thái Nguyên đang rục rịch lên sàn, mới thành lập năm 2014 với quy mô gần 2.000 giường nhưng bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.
Lý do là bệnh viện đã ký được hợp đồng chính thức với Sam Sung Thái Nguyên, nhà máy lớn nhất châu Á của tập đoàn Samsung có quy mô hơn 180.000 công nhân và cán bộ trong khu công nghiệp – đây được xem là nguồn thu lớn cho bệnh viện.
Doanh thu 3 năm qua của Thái Nguyên ở mức 270 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt 89 tỷ đồng.
Trong khi các bệnh viện tuyến Trung ương thường xuyên trong tình trạng quá tải và trang thiết bị xuống cấp, với thu nhập bình quân đầu người của người Việt có xu hướng tăng dần và người dân có ý thức hơn trong việc mua bảo hiểm sức khoẻ, thì chi phí cho việc khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế tư nhân trong thời gian tới dự báo vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Số liệu của Business Monitor International cho biết số tiền chi cho sức khoẻ tại Việt Nam năm 2017 ước khoảng 16,1 tỷ USD, chiếm 7,5% GDP, ước đến năm 2021 con số này sẽ tăng lên khoảng 22,7 tỷ USD khi người dân có ý thức nhiều hơn trong việc chăm sóc sức khoẻ.
Link bài gốc