Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp – mã CK: DIG) bất ngờ thông báo về việc mua lại trái phiếu mã DIGH2124002 và DIGH2124003 vào ngày 11/11.
Đây là trái phiếu doanh doanh nghiệp phát hành, được mua lại theo hình thức thoả thuận trực tiếp với người sở hữu trái phiếu.
Cụ thể, khối lượng trái phiếu dự kiến mua là 16.000 trái phiếu với tổng mệnh giá 1.600 tỷ đồng. Nguồn mua lại từ hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn thu khác, thời gian dự kiến là ngày 10/11/2022.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 2 lô trái phiếu này được phát hành lần lượt vào thời điểm cuối tháng 9 và 11/2021. Thời gian đáo hạn là 3 năm sau thời điểm phát hành. Mệnh giá của cả 2 lô trái phiếu này đều là 100 triệu đồng/trái phiếu. Cách tính lãi suất là tổng của 4,25%/năm và lãi suất tiền gửi tiết kiệm…
Cả 2 lô trên đều là trái phiếu thông thường, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.
Lô trái phiếu DIGH2124002 có giá trị phát hành theo mệnh giá là 1.000 tỷ đồng và lô trái phiếu DIG2124003 có giá trị phát hành theo mệnh giá là 1.500 tỷ đồng.
Được biết mục đích phát hành của cả 2 lô này đều nhằm tăng vốn và bổ sung vốn cho dự án Khu đô thị Du lịch Long Tân (332 ha tại tỉnh Đồng Nai). Tài sản đảm bảo là toàn bộ tài sản, quyền tải sản và lợi ích phát sinh liên quan đến chính dự án kể trên; cổ phiếu DIG và toàn bộ lợi tức/cổ tức phát sinh từ số cổ phiếu DIG.
Như vậy, chỉ sau khoảng 1 năm phát hành, DIG đã triển khai phương án mua lại trước hạn 2/3 lô trái phiếu đang ghi nhận.
Ngoài ra, DIC Corp cũng thông báo việc hoán đổi tài sản bảo đảm cho các gói trái phiếu của doanh nghiệp này, cũng như hoàn tất việc hoán đổi tài sản bảo đảm 55 triệu cổ phiếu DIG bằng các bất động sản của công ty tại tỉnh Đồng Nai.
Sau khi hoán đổi, doanh nghiệp đã hoàn tất chuyển trả 55 triệu cổ phiếu này cho các cổ đông lớn đã hỗ trợ trong công tác tài chính thời gian qua.
Trước đó, ngày 8/11, công ty đã công bố thay đổi tài sản đảm bảo cho 2 lô trái phiếu nói trên cùng với lô DIGH2124001 phát hành năm 2021.
Cụ thể, DIC Corp cho biết công ty đã xin ý kiến đồng ý của các trái chủ tại ngày 8/11 và thực hiện hoán đổi tài sản đảm bảo như sau:
- Thay đổi 110 triệu cổ phiếu DIG và toàn bộ lợi tức, cổ tức phát hành từ số cổ phiếu thế chấp tại Ngân hàng thành 79,2 triệu cổ phiếu DIG và toàn bộ lợi tức, cổ tức phát hành từ số cổ phiếu thế chấp tại Ngân hàng, trong đó giải chấp 55 triệu cổ phiếu và thế chấp bổ sung 24,2 triệu cổ phiếu từ việc chia cổ tức và cổ tức thưởng.
- Bổ sung 80 bất động sản tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để hoán đổi giải chấp cho 55 triệu cổ phiếu của bên thứ ba.
Thông báo giải chấp và hoán đổi tài sản đảm bảo cho trái phiếu của DIG diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu DIG liên tục giảm mạnh. Trên thị trường, sau đà tăng nóng tiệm cận gần 100.000 đồng/cp vào hồi đầu năm, cổ phiếu DIG đang trượt dài về vùng đáy cách đây 2 năm. Kết phiên 11/11, giá cổ phiếu DIG giảm sàn về còn 11.650 đồng/cp, mất hơn 88% giá trị từ mức đỉnh 98.300 đồng/cp (phiên 11/01/2022).
Việc giá cổ phiếu sụt giảm mạnh đã khiến nhiều lãnh đạo Công ty bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu trong thời gian qua. Gần đây nhất là vào ngày 08/11, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (mã CK: MBS) thông báo bán giải chấp gần 850.000 cổ phiếu DIG do bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Chủ tịch HĐQT DIG - nắm giữ, thời gian bắt đầu từ ngày 08/11 đến khi tỷ lệ ký quỹ của bà Huyền được đảm bảo theo quy định.
Ngày 07/11, Công ty CK Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng thông báo bán giải chấp 1,44 triệu cổ phiếu DIG do bà Huyền nắm giữ. Thời gian giao dịch từ ngày 07/11 đến khi đáp ứng tỷ lệ ký quỹ theo quy định. Giá trị ước tính khoảng 22 tỷ đồng.
Không chỉ bà Huyền. Cùng ngày, YSVN thông báo bán giải chấp cổ phiếu 2 lãnh đạo khác của DIG là ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Chủ tịch HĐQT và là con trai ông Tuấn. Số lượng cổ phiếu bị bán giải chấp lần lượt hơn 2,1 triệu cổ phần và 1,47 triệu cổ phần, tương ứng giá trị khoảng 32,5 tỷ đồng và 22,7 tỷ đồng (chiếu theo giá kết phiên 07/11 là 15.500 đồng/cổ phần).
Xa hơn, trong thời gian từ 27-28/10/2022, Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn đã bị bán giải chấp 3 triệu cổ phần. Tương tự, ông Cường bị bán 1,4 triệu cổ phần DIG trong ngày 30/10 và 01/11. Cổ đông lớn nhất của DIG là Công tycổ phần Đầu tư Phát triển Thiên Tân cũng bị bán giải chấp hơn 4,2 triệu cổ phần trong ngày 27/10/2022. Sau giao dịch, tỷ lệ nắm giữ DIG của tổ chức này giảm từ 15,41% xuống còn 14,72%, tương ứng gần 89,8 triệu cổ phần.
Vê tình hình kinh doanh, DIG công bố BCTC hợp nhất quý III/2022 với doanh thu thuần sụt giảm 21% so với cùng kỳ xuống còn 424 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận sau thuế quý III ghi nhận âm gần 1 tỷ đồng – đánh dấu quý đầu tiên DIC Corp báo lỗ kể từ quý 1/2017; cùng kỳ năm 2021 vẫn đang lãi tới 42 tỷ đồng.
DIC Corp đang ghi nhận dư nợ trái phiếu ở mức 3.417 tỷ đồng trong đó HDBank chính là bên mua toàn bộ số trái phiếu của DIG (tổng 3 lô - phát hành từ tháng 9-11/2021 là 3.500 tỷ đồng).
Trong văn bản giải trình về việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp công bố cùng ngày thông báo mua lại trái phiếu, DIG cho biết đà giảm giá đến từ tác động của các yếu tố vĩ mô và hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, trước các áp lực về chính sách, nhà đầu tư đang mất kiên nhẫn và bán tháo trên diện rộng và ảnh hưởng đến đà lao dốc của cổ phiếu DIG.
DIC Corp khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh của công ty vẫn đang diễn ra bình thường, HĐQT và ban điều hành công ty vẫn đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 được thông qua trước đó.
Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn trước căng thẳng địa chính trị vẫn chưa kết thúc, các chính sách thắt chặt tiền tệ chắt chặt và nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Trong nước, thị trường vốn suy giảm, Ngân hàng Nhà nước siết room tín dụng, lãi suất và tỷ giá tiếp tục tăng cao dẫn đến tâm lý lo ngại về cổ phiếu và nhóm ngành hoạt động của DIC Group.
“Giá cổ phiếu suy giảm liên tục dẫn đến hiện tượng nhà đầu tư mất kiên nhẫn và bán tháo trên diện rộng với cả nhiều mã cổ phiếu khác thuộc cùng nhóm ngành hoạt động” , văn bản DIC Corp nêu rõ.
Để hạn chế sự suy giảm cổ phiếu bất thường, DIC Group tiếp tục nỗ lực trong hoạt động để gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất để gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, có nhiều biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Bên cạnh đó, DIC Group cũng kiến nghị Chính phủ, các cơ quan ban ngành khẩn trương có chính sách, giải pháp hỗ trợ thị trường vốn, thị trường chứng khoán nhằm để hỗ trợ doanh nghiệp và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.