Mới đây, CATL đã công bố thông tin chi tiết hơn về công nghệ CIIC (CATL Integrated Intelligent Chassis, công nghệ khung gầm thông minh tích hợp pin) do hãng tự phát triển.
Theo chia sẻ của Giám đốc Công nghệ CATL, ông Ngô Khải, CIIC có thể giúp xe điện đạt mức tiêu hao năng lượng chỉ 10,5 kWh cho 100 km, giúp xe điện có thể đi được khoảng 1000 km mỗi lần sạc.
Thông báo của ông Ngô Khải diễn ra tại một sự kiện của ngành xe Trung Quốc vừa được tổ chức tại Thượng Hải. Ông cho biết rằng CIIC qua thử nghiệm đã di chuyển được 1000 km với hiệu suất đạt 75%. Tại nhiệt độ âm 7 độ C, tổng quãng đường di chuyển mỗi lần sạc mất khoảng 30%. CATL cũng cho biết rằng mức tiêu hao năng lượng trung bình chỉ 10,5 kWh/100 km, có thể sạc đủ lượng điện để đi 300 km trong 5 phút.
CATL cũng cho biết rằng CIIC đã trải qua thử nghiệm mùa đông tại thành phố Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang (vùng phía bắc Trung Quốc) và mùa hè tại Thổ Lỗ Phiên, Tân Cương (Trung Quốc), nhiều khả năng để đánh giá ảnh hưởng của thời tiết lên pin tích hợp trên công nghệ khung gầm CIIC này.
Khung gầm CIIC tích hợp hệ thống điện áp cao và điện áp thấp, hệ thống lái, hệ thống phanh và áp dụng công nghệ pin Cell-To-Chassis.
Cell-To-Chassis là phương thức sản xuất tích hợp pin vào sàn xe.
Các phương thức mà nhiều hãng xe khác đang áp dụng có thể nêu như Cell-To-Module (lắp pin theo từng cụm), Cell-To-Pack (lắp pin trực tiếp vào pack).
Cell-To-Chassis bỏ qua bước lắp theo module hay pack, giúp lắp được nhiều pin hơn trong cùng một thể tích, gia tăng quãng đường di chuyển và giảm chi phí sản xuất.
Nhiều trang tin của Trung Quốc cho biết rằng CATL đã thử nghiệm CIIC trên một mẫu sedan cỡ nhỏ của Neta. Các trang tin này đưa ra phỏng đoán như vậy dựa trên thực tế rằng Hozon Auto (đơn vị sở hữu thương hiệu Neta) đã ký kết với CATL để là đơn vị đầu tiên trang bị công nghệ khung gầm này tại Trung Quốc. Neta từng cho biết rằng mẫu xe đầu tiên ứng dụng CIIC sẽ ra mắt vào Quý III/2024.
Không chỉ có Hozon Auto, VinFast cũng đã từng ký kết với CATL về khung gầm CIIC. Lễ ký kết diễn ra vào cuối tháng 10/2022; theo đó, VinFast và CATL đã "ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác Chiến lược Toàn cầu nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển xe điện, bao gồm công nghệ khung gầm thông minh tích hợp pin CTC (Cell to Chassis)".
Với hợp tác này, VinFast cho biết rằng hãng dự kiến sẽ là nhà sản xuất ô tô tiên phong đưa công nghệ mới này ra thị trường toàn cầu. Đây được đánh giá là một điều rất có lợi với VinFast khi các mẫu xe của hãng có thể gia tăng đáng kể quãng đường di chuyển mỗi lần sạc.
Hiện nay, VinFast VF 9 phiên bản Eco dùng pin CATL (tùy chọn mới xuất hiện) có thể đi được 594 km mỗi lần sạc, có mức tiêu hao năng lượng là 253 Wh/km (tương đương 25,3 kWh/100 km). Giả sử VinFast áp dụng công nghệ khung gầm CIIC của CATL cho VF 9 và vẫn có mức tiêu hao năng lượng 10,5 kWh như thử nghiệm thì VF 9 có thể đi được tới 1.000 km mỗi lần sạc không phải là điều khó dự đoán.
"Chiến trường" mang tên 1000 km
Trên thực tế, 1000 km mỗi lần sạc dường như là một cột mốc mà nhiều hãng đang hướng tới.
Tập đoàn Toyota là một trong số đó. Khoảng nửa tháng trước, Toyota đã trình làng mẫu xe điện ý tưởng Lexus LF-ZC Concept, được giới thiệu có thể đi 1.000 km mỗi lần sạc.
Khác với CIIC của CATL (dựa vào cải tiến khung gầm), Toyota dự định đạt được con số trên bằng cải tiến công nghệ pin. Toyota cho biết rằng mẫu xe nói trên sử dụng pin trụ hiệu năng cao.
Giám đốc Thương hiệu Simon Humphries của Toyota cho biết: "Mấu chốt của những thành tựu này là [nỗ lực] tối giản và cắt giảm trên khung xe, trong đó có [việc tạo ra] loại pin nhỏ và tối ưu hơn, khỏe hơn và đi được xa hơn".
Toyota cũng cho biết rằng hãng đặt mục tiêu bán ra phiên bản thương mại của Lexus LF-ZC Concept từ năm 2026.
Volkswagen cũng có thể sẽ có xe điện đi được 1.000 km mỗi lần sạc. Thay vì tự phát triển như Toyota, Volkswagen đầu tư vào Gotion High-Tech (Trung Quốc), là đơn vị mà hồi tháng 5 đã thông báo về loại pin có khả năng giúp xe điện đi được 1.000 km mỗi lần sạc.
Chủ tịch phụ trách kinh doanh quốc tế Trình Khiên của Gotion High-Tech chia sẻ rằng loại pin này có tên là Astroinno L600, sử dụng điện cực làm bằng Liti, sắt, mangan và phốt phát (gọi tắt: Pin LMFP). Ông cũng cho rằng Gotion High-Tech đã nghiên cứu loại pin này trong suốt 10 năm, có thể sử dụng được trong 4.000 chu kỳ (tương đương với tầm của pin LFP và vượt qua nhiều loại pin chứa Liti).
Volkswagen hiện là cổ đông lớn nhất của Gotion High-Tech khi nắm giữ 24,77% cổ phần. Vì vậy, có nhiều dự đoán cho rằng loại pin này sẽ bắt đầu xuất hiện trên các mẫu xe thương mại sớm nhất từ năm 2024 đến năm 2025 khi pin LMFP đi vào sản xuất đại trà.