Năm 2024, SABECO đã ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực. Doanh thu thuần đạt 31.872 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm 2023 và hoàn thành 93% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.495 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ và hoàn thành 98% mục tiêu lợi nhuận năm. Những con số này cho thấy khả năng phục hồi và năng lực thích ứng của SABECO trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều biến động. Kết quả này được cho là nhờ những bước đi chiến lược và nỗ lực tập trung vào nâng cao hiệu quả thương mại, tăng cường độ phủ thị trường và phát huy năng lực trong các lĩnh vực đổi mới, sản xuất và cung ứng.
Bước sang năm 2025, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được dự báo còn nhiều khó khăn, SABECO đặt kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu tăng trưởng thận trọng nhưng tích cực:
-
Doanh thu kế hoạch: 44.819 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện năm 2024.
-
Lợi nhuận sau thuế kế hoạch: 4.835 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2024.
-
Cổ tức tiền mặt: Dự kiến tỷ lệ 50%.
Tại Đại hội, ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch HĐQT SABECO, chia sẻ: "Thành tựu trong năm 2024 là minh chứng cho sự bền bỉ, tăng trưởng, tinh thần đổi mới và cam kết đạt đến những kết quả xuất sắc của SABECO. Nhìn về định hướng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cân nhắc và theo sát tình hình thay đổi của kinh tế vĩ mô và địa-chính trị. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lạc quan một cách thận trọng về tương lai và sẵn sàng nắm bắt những cơ hội phía trước."
Một điểm đáng chú ý tại Đại hội là SABECO đã thông qua việc nâng mức cổ tức tiền mặt cho năm 2024 lên tới 50%, tăng thêm 15% so với kế hoạch ban đầu. Trong đó, 20% đã được tạm ứng, 30% còn lại dự kiến sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức vào ngày 1/7/2025 và thanh toán vào ngày 31/7/2025. Ông Lester Tan, Tổng Giám đốc SABECO, cũng để ngỏ khả năng có thể đề xuất mức cổ tức hấp dẫn hơn cho cổ đông trong năm 2025 nếu công ty đạt được hoặc vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Về chiến lược phát triển, SABECO tiếp tục tập trung vào 4 nguyên tắc cốt lõi:
Hiệu quả chuỗi cung ứng & sản xuất: Củng cố chuỗi cung ứng, tăng cường kênh kỹ thuật số, áp dụng năng lượng tái tạo.
Tối ưu danh mục sản phẩm & mở rộng thị trường: Xây dựng thương hiệu, đổi mới, tối ưu hóa phân phối, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Đổi mới thương hiệu: Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, nâng cấp danh mục để tiếp cận thế hệ tiêu dùng mới.
Cam kết phát triển bền vững: Quản lý tài nguyên có trách nhiệm, nâng cao hiệu quả vận hành, phát triển nhân viên và cộng đồng.
Ông Lester Tan, Tổng Giám đốc SABECO, khẳng định năm 2024 là dấu mốc đặc biệt, vượt qua thách thức và tạo đà tăng trưởng. Nhìn về tương lai, công ty cam kết duy trì đà phát triển bền vững, tối đa hóa lợi nhuận và khai thác cơ hội mới.
Trong phần thảo luận, Ban lãnh đạo SABECO đã giải đáp nhiều vấn đề được cổ đông quan tâm:
Tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt: SABECO liên tục đối thoại với cơ quan quản lý và các Hiệp hội để chia sẻ quan điểm về việc áp dụng mức thuế suất thấp hơn và giãn thời gian thực hiện để tránh cú sốc cho người tiêu dùng. Ông Lester Tan nhấn mạnh nếu thuế tăng, công ty sẽ phải điều chỉnh giá và người tiêu dùng cuối cùng sẽ chịu tác động, điều này phù hợp với nguyên tắc chính sách thuế.
Kế hoạch M&A: SABECO luôn tìm kiếm cơ hội mua bán – sáp nhập tiềm năng. Công ty sẽ xem xét tính hợp lý và hiệu quả dài hạn của từng thương vụ trước khi quyết định giá và thực hiện.
Chi phí quảng cáo, khuyến mại: Ngân sách cho hoạt động này sẽ được cân nhắc dựa trên hiệu quả mang lại (tăng trưởng doanh số) và tình hình cạnh tranh trên thị trường. Hoạt động nào không mang lại lợi ích sẽ không được ưu tiên.
Chi phí nguyên vật liệu: Ông Alan Koo Liang Kwee, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính, cho biết giá nguyên liệu (trừ bao bì) đã bình thường hóa trong năm 2025 sau khi sử dụng hết lượng tồn kho giá cao năm 2024. Đối với chi phí bao bì (lon nhôm), giá đã giảm và công ty đã ký hợp đồng dài hạn để đảm bảo giá tốt, trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng từ Mỹ. Ông Lester Tan bổ sung thêm rằng khi giá lon nhôm giảm, công ty đã chủ động mua nguyên liệu này để giảm gánh nặng chi phí.
Niêm yết quốc tế: SABECO hiện không có kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở thị trường quốc tế.
Đồ uống không cồn: SABECO nhận thấy xu hướng tiêu dùng đồ uống không cồn tại Việt Nam đang tăng nhưng còn nhỏ. Xu hướng lớn hơn là chuyển sang đồ uống ít cồn (khoảng 4%). SABECO đã nắm bắt xu hướng này và ra mắt các sản phẩm như Bia Saigon Chill, Bia Lạc Việt. Công ty có công thức bia không cồn nhưng sẽ chỉ đẩy mạnh khi thị trường thực sự sẵn sàng, bởi hiện tại phân khúc này còn rất nhỏ.
Hợp nhất Sabibeco: Việc nâng sở hữu và hợp nhất Sabibeco mang lại ba lợi ích: gia tăng sản lượng lon bia từ năng lực sản xuất lớn (6 nhà máy vị trí chiến lược), cải thiện biên lợi nhuận khi chuyển từ công ty liên kết sang công ty con, và đa dạng hóa danh mục sản phẩm với các thương hiệu bình dân. Việc hợp nhất đang triển khai đồng bộ và dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2025.
Sản phẩm cao cấp: SABECO hướng tới cao cấp hóa sản phẩm để tăng trưởng biên lợi nhuận, không phải để cạnh tranh trực diện với dòng sản phẩm quốc tế. Công ty tập trung nâng cấp từ từ tại phân khúc phổ thông và cận cao cấp (như Bia Saigon Lager), nơi thị trường còn rất lớn. SABECO không tập trung vào phân khúc quá cao cấp.
Thị trường nội địa/xuất khẩu: Tỷ trọng xuất khẩu chỉ chiếm dưới 1% tổng sản lượng, do đó SABECO vẫn tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa. Việt Nam là thị trường có mức tiêu thụ bia bình quân đầu người lớn nhất châu Á, nên việc tập trung chiếm thị phần tại đây là ưu tiên hàng đầu.