Cổ đông: Năm nay OCB đã và đang đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ, vậy động lực nào để OCB có thể có những bước tiến như vậy?
Đại diện OCB: Thời gian qua, OCB đã hỗ trợ đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp lớn và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đây là cơ sở quan trọng để OCB mở rộng khai thác, phục vụ sâu hơn vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp này, bao gồm các nhà cung cấp, kênh phân phối và khách hàng cuối, từ đó đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách tốt hơn. Song song đó, chúng tôi cũng đang tập trung phát triển khách hàng bán lẻ (RB) thông qua việc xây dựng các sản phẩm "may đo" phù hợp với từng đối tượng khách hàng cụ thể. Định hướng phát triển khách hàng cá nhân cũng được gắn kết chặt chẽ với hệ sinh thái của khách hàng doanh nghiệp. Đối với phân khúc SMEs, ngân hàng sẽ đẩy mạnh tập trung vào những đối tượng khách hàng đúng mục tiêu trọng tâm thông qua phân tích dữ liệu. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy FDI là một cơ hội phát triển lớn khi có sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thị trường FDI hiện nay tập trung chủ yếu vào các dự án quy mô lớn, tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy còn nhiều tiềm năng ở phân khúc FDI SME. Tựu chung lại, OCB đang xây dựng kế hoạch phát triển theo hướng cân bằng và bền vững trên tất cả các phân khúc khách hàng và lĩnh vực kinh doanh.
Cổ đông: Theo như tờ trình, năm nay OCB trả cổ tức tiền mặt 7% và phát hành 8% cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Đây là lần đầu tiên OCB trả cổ tức bằng tiền mặt kể từ khi niêm yết. Vậy xin hỏi dự kiến thời gian thực hiện các đợt chi trả này khi nào? Cổ phiếu OCB có xu hướng giảm mạnh trong vòng 1 năm qua, vậy theo Ngân hàng giá cổ phiếu OCB khi nào mới phục hồi?
Ban lãnh đạo ngân hàng: Có thể nói, năm 2024 là một năm khá khó khăn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng do ảnh hưởng chung từ kinh tế thế giới và trong nước, và năm 2025 dự báo cũng còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, OCB luôn ưu tiên quyền lợi của các cổ đông thông qua việc hầu hết năm nào ngân hàng cũng tiến hành chia cổ tức. Năm nay, OCB đã trình ĐHĐCĐ phê duyệt chính sách trả cổ tức tiền mặt 7% và 8% từ phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Như vậy, tổng lợi ích cổ đông nhận được là 15% trong năm 2025. Sau khi được ĐHĐCĐ phê duyệt, OCB sẽ trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) để chấp thuận chủ trương. Ngân hàng sẽ chi trả ngay sau khi nhận được sự chấp thuận từ hai cơ quan quản lý. Dự kiến, quá trình này có thể mất khoảng vài tháng và chúng tôi sẽ thực hiện công bố thông tin đến cổ đông sau khi nhận được sự chấp thuận chính thức từ các cơ quan nhà nước.
Về diễn biến giá cổ phiếu OCB, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, khi kết quả kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng thì giá cổ phiếu cũng sẽ bị tác động. Hiện tại, giá cổ phiếu của OCB đang bị định giá thấp so với các cổ phiếu khác cùng ngành, khi mà chỉ số P/B của OCB chỉ ở mức 0.82 vào phiên cuối tuần trước, trong khi trung bình các ngân hàng tư nhân là 1.25. Như vậy, cổ phiếu OCB đang bị chiết khấu tới 35%. Tuy nhiên, OCB hiện đã và đang đưa ra một số giải pháp mạnh mẽ nhằm cải thiện sức khỏe tài chính và tình hình kinh doanh, từ đó tạo dựng niềm tin trong mắt các cổ đông hiện hữu lẫn các nhà đầu tư tiềm năng. Đầu tiên, OCB cần cải thiện tình hình tài chính một cách tích cực hơn, hướng tới trở thành một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả, cao hơn mức trung bình ngành. Tiếp theo là kiểm soát tốt nợ hiện hữu, đồng thời đẩy mạnh công tác thu hồi và xử lý nợ xấu một cách hiệu quả. Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động và nhân sự để nâng cao hiệu quả vận hành. Bên cạnh đó, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch 5 năm rõ ràng, khả thi và sẽ thường xuyên cập nhật, truyền thông đến các nhà đầu tư. Cuối cùng, việc đẩy mạnh truyền thông hình ảnh OCB đến cả tệp khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp là rất quan trọng nhằm mở rộng thị phần và nâng cao vị thế của OCB trong ngành ngân hàng, từ đó nâng cao niềm tin và vị thế của OCB trong mắt các nhà đầu tư tiềm năng.
Cổ đông: Sau 4 năm với vai trò là Đối tác chiến lược, AOZ đã làm được những gì cho OCB, đặc biệt là trong năm 2024?
Đại diện OCB: Sau 4 năm đồng hành trong vai trò đối tác chiến lược, Aozora Bank (AOZ) đã hỗ trợ OCB xây dựng và phát triển mạng lưới khách hàng doanh nghiệp và cá nhân Nhật Bản tại Việt Nam. Điều này đã mang lại những kết quả ấn tượng, với mức tăng trưởng doanh thu thuần từ nhóm khách hàng này lần lượt đạt 52% đối với khách hàng doanh nghiệp và 43% đối với khách hàng cá nhân trong năm 2024. Bên cạnh đó, AOZ đã hỗ trợ OCB rất nhiều hoạt động cụ thể khác. AOZ hỗ trợ OCB thiết kế và triển khai các chương trình, sản phẩm phù hợp với nhu cầu đặc thù của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Nhật Bản, giúp ngân hàng tiếp cận hiệu quả nhóm khách hàng mục tiêu này. Đặc biệt, OCB và AOZ đã phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và một số tổ chức uy tín khác của Nhật Bản tổ chức các hội thảo chuyên đề dành cho đội ngũ quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp SMEs. AOZ cũng hỗ trợ OCB trong việc xây dựng và cung cấp các giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-ups) có các kỹ thuật công nghệ cao trong những lĩnh vực thiết yếu như dược phẩm, vận tải, bán lẻ… Nhóm doanh nghiệp này được đánh giá có dòng tiền ổn định và là hạt nhân của nền kinh tế mới.
Về mặt chiến lược sản phẩm, AOZ đã hỗ trợ OCB trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên có phiên bản tiếng Nhật cho ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI, phục vụ cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, từ đó nâng cao đáng kể trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách hàng Nhật Bản tại Việt Nam. Ngoài ra, AOZ còn hỗ trợ OCB triển khai các sản phẩm ngân hàng theo xu thế mới như Green Deposit (Tiền gửi xanh) hay thẻ tín dụng dành riêng cho người nước ngoài. AOZ cũng chủ động phối hợp cùng OCB trong việc rà soát, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý liên quan đến hoạt động phục vụ khách hàng nước ngoài, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật và hiệu quả trong triển khai thực tiễn. Đồng thời, AOZ cũng tích cực giới thiệu các nhà đầu tư Nhật Bản tiềm năng cho các khách hàng tổ chức của OCB thông qua các hoạt động Mua bán Sát nhập (M&A) và giới thiệu cơ hội hợp tác kinh doanh. Bước sang năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng OCB trong việc mở rộng tệp khách hàng, hỗ trợ vận hành, kết nối hợp tác tạo ra các cơ hội kinh doanh không chỉ giữa OCB và khách hàng với các đối tác Nhật Bản, mà còn cả các đối tác đến từ nhiều quốc gia khác. Chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và của OCB. Song song đó, sự hợp tác này không hướng đến ngắn hạn mà hướng đến dài hạn, AOZ mong muốn hợp tác với OCB trong vòng 10 năm tới.
Cổ đông: Năm 2024 kết quả kinh doanh của OCB chưa đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, ngân hàng đặt mục tiêu năm 2025 tăng đến 33%, như vậy có khả thi không, kế hoạch, chiến lược hành động như thế nào? Và Chủ tọa đoàn vui lòng cập nhật KQKD của OCB trong Q1/2025 đến toàn thể đại hội?
Chủ tọa đoàn: Thực tế, kết quả kinh doanh năm 2024 của ngân hàng chưa đạt như kỳ vọng. Lý do chính đến từ việc nợ xấu tăng, cụ thể là nợ của một bộ phận khách hàng cá nhân như tôi đã trình bày ở trên. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chủ động tăng đầu tư vào cơ sở vật chất, công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ cho chiến lược phát triển dài hạn. Chúng tôi cũng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (RRTD) nhằm củng cố bộ đệm dự phòng. Mặc dù ở giai đoạn ngắn hạn, những khoản đầu tư và trích lập dự phòng này có thể làm giảm lợi nhuận của ngân hàng, nhưng về dài hạn, đây được xem là những chi phí cần thiết và có lợi, nhằm tạo đà phát triển bền vững cho OCB và thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn sắp tới.
Đối với kế hoạch năm 2025, để đạt được mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 33% như đã đặt ra, ngân hàng sẽ tập trung vào các kế hoạch hành động trọng tâm. Đầu tiên, chúng tôi sẽ tập trung vào các nguồn thu nhập lõi, đặc biệt là tăng tỷ trọng thu nhập từ phí và tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn có chi phí thấp). Thứ hai, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển dữ liệu, đây là nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng. Thứ ba, chúng tôi sẽ tập trung vào quản trị vốn và rủi ro theo các chuẩn mực Basel tiên tiến nhất. Cuối cùng, OCB sẽ chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp và nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh phát triển đa dạng sản phẩm, hướng tới mục tiêu mỗi khách hàng của OCB tối thiểu sẽ sử dụng 4 sản phẩm của ngân hàng.
Về kết quả kinh doanh Quý 1/2025, sắp tới OCB sẽ công bố Báo cáo tài chính chính thức theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tôi cũng xin cung cấp thêm một số con số dự kiến để toàn thể đại hội nắm bắt. Về quy mô, cả quy mô tín dụng và huy động từ thị trường 1 trong quý 1 năm 2025 đều đã hoàn thành kế hoạch đề ra và ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 2.2% và 8.3% so với thời điểm đầu năm. Về kết quả kinh doanh, tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 2.273 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hoạt động cốt lõi – thu nhập từ lãi (NII) – đạt 2.216 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) của OCB trong quý 1 năm 2025 đạt 893 tỷ đồng, tương đương 17% kế hoạch lợi nhuận cả năm đã trình đại hội.
Cổ đông: Năm ngoái OCB công bố triển khai chiến lược Ngân hàng Xanh - Green Bank. Ngân hàng vui lòng cho biết thêm, chiến lược này đã mang lại hiệu quả gì cho OCB trong năm 2024, và dự kiến cả trung và dài hạn?
Đại diện OCB: Năm 2024 là một năm rất đặc biệt với OCB khi mà chúng tôi đã chính thức công bố triển khai chiến lược Ngân hàng Xanh (Green Bank) với mục tiêu đồng hành cùng Chính Phủ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Chiến lược này đã mang lại khá nhiều dấu ấn mang tên OCB trên thị trường và trong giai đoạn trung, dài hạn, tôi tin rằng, nó cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt của OCB so với những ngân hàng khác. Như vậy, trong năm 2024 vừa qua, chúng tôi đã đạt được những kết quả cụ thể. Chúng tôi đã đa dạng hóa danh mục tín dụng xanh bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo; xử lý, cung cấp nước sạch và xử lý nước thải; công trình xanh và đặc biệt là bổ sung danh mục nông nghiệp thông minh. Hoạt động này đã giúp số lượng khách hàng của OCB tham gia vào các lĩnh vực xanh tăng đáng kể, từ đó dư nợ tín dụng xanh cũng tăng trưởng tốt. Tính đến 31/12/2024, dư nợ tín dụng xanh tại OCB đã tăng hơn 30% so với năm 2023, chiếm 11% tổng dư nợ cuối năm 2024.
Song song đó, các hoạt động nâng cấp quy trình, ra mắt các sản phẩm và công nghệ mới cũng được đẩy mạnh, ví dụ như việc triển khai Quy trình đánh giá rủi ro Môi trường & Xã hội (ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế; ra mắt sản phẩm tín dụng căn hộ xanh, sản phẩm Green Deposit... Những nỗ lực này đã được các Tổ chức tài chính quốc tế đánh giá rất cao. Từ đó, nâng cao đáng kể uy tín của OCB, thu hút thêm các đối tác và nhà đầu tư ngoại. Đơn cử, chúng tôi đã hợp tác với các tổ chức quốc tế uy tín như IFC, PwC, DEG,... trong việc tăng cường, nâng cao khả năng nguồn vốn xanh. Đặc biệt, IFC đã tài trợ 175 triệu USD cho OCB để thúc đẩy các khoản vay xanh. Việc triển khai chiến lược Ngân hàng Xanh cũng đã giúp OCB tăng hiệu quả rõ rệt trong công tác vận hành nội bộ, góp phần bảo vệ môi trường. Chúng tôi đã giảm được 2.054 m3 lượng nước đầu vào; giảm hơn 20.000 chai nhựa sử dụng một lần... cùng nhiều hạng mục khác. Thương hiệu của ngân hàng cũng được nâng cao khi liên tục đón nhận các giải thưởng uy tín trong và ngoài nước như: Top 25 thương hiệu niêm yết dẫn đầu năm 2024; Top 100 doanh nghiệp bền vững (CSI100); Ngân hàng tiêu biểu về Tín dụng xanh (do IDG & VNBA công bố),…
Thời gian tới, OCB sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hành động để đẩy mạnh chiến lược Ngân hàng Xanh. Thứ nhất, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh thông qua việc triển khai chỉ tiêu KPI Green Loan dành cho các Khối kinh doanh. Thứ hai, OCB sẽ hoàn thiện khung quản trị ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) theo thông lệ quốc tế, đồng thời phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh, tài chính toàn diện. Thứ ba, ngân hàng định hướng nâng cao xếp hạng ESG của mình, đồng hành cùng chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam, hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cổ đông: Hiện trên thị trường có thông tin công ty chứng khoán Quốc tế sẽ đổi tên thành công ty chứng khoán OCBS. Liệu OCB có tiến tới mua OCBS không? Định hướng như nào?
Đại diện OCB: Trả lời câu hỏi về định hướng của OCB trong lĩnh vực chứng khoán, chúng tôi xác nhận rằng thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn, với tỷ lệ dân số tham gia chưa cao và đặc biệt là cơ hội nâng hạng thị trường lên mới nổi là rất lớn. Đây là một lĩnh vực mà các ngân hàng trên hệ thống nói chung và OCB nói riêng rất quan tâm nhằm hoàn thiện mảnh ghép trong hệ sinh thái dịch vụ của mình, từ đó đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, đồng thời gia tăng khoản thu nhập ngoài lãi cho ngân hàng. Ban lãnh đạo OCB nhận thấy ngân hàng cần có một đối tác hoặc cánh tay nối dài trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư để phối hợp, phục vụ khách hàng tốt hơn, đặc biệt là nhóm khách hàng ưu tiên (priority). Do đó, OCB đã có định hướng chiến lược dài hạn là sở hữu một công ty chứng khoán, với mục tiêu đưa OCB trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh điều kiện thị trường hiện tại chưa thực sự thuận lợi cho việc sở hữu trực tiếp, ở giai đoạn này, OCB đã triển khai việc hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty Chứng khoán Quốc tế (VIS). Ngân hàng cũng lưu ý, về dài hạn, OCB có thể tiến tới sở hữu một công ty chứng khoán trong thời gian tới khi điều kiện thị trường trở nên thuận lợi hơn và phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động hợp tác này, và sau này là việc sở hữu công ty chứng khoán (nếu có), sẽ đem đến nhiều lợi ích cho cả ngân hàng và cổ đông.