Ngày pháp luật

ĐHĐCĐ OCB: Tăng vốn điều lệ lên 26.631 tỷ đồng, thực hiện chia cổ tức tiền mặt và bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030

Khánh Ly

Năm 2025, OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 24.658 tỷ đồng lên 26.631 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt mức 5.338 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2024. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 13% so với số thực hiện cuối năm 2024, ước đạt 316.779 tỷ đồng trong năm 2025. Tổng huy động và tổng dư nợ thị trường 1 tăng lần lượt 14% và 16%; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%.

Sáng ngày 22/4/2025 tại Tp. Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – Mã CK: OCB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 nhằm báo cáo kết quả kinh doanh năm 2024, định hướng kế hoạch kinh doanh năm 2025 cùng một số nội dung quan trọng khác.

ĐHĐCĐ OCB: Tăng vốn điều lệ lên 26.631 tỷ đồng, thực hiện chia cổ tức tiền mặt và bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030 - Ảnh 1

Năm 2024, hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng tốt, thực hiện chiến lược phát triển bền vững hiệu quả

Phát biểu khai mạc đại hội, ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT cho biết, năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát bớt căng thẳng hơn, điều kiện tài chính tiếp tục được nới lỏng. Trong bối cảnh đó, OCB nhanh chóng có những bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững. Ngân hàng đã triển khai loạt chương trình tín dụng ưu đãi với tổng hạn mức hơn 65.000 tỷ đồng, giúp 15.000 khách hàng doanh nghiệp và cá nhân nhằm hỗ trợ những nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, lãi suất cạnh tranh.

Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB.
Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB.

Ngoài ra, ngân hàng cũng thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ giúp rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng. Những hoạt động này đã giúp OCB giữ được mức tăng trưởng tín dụng thị trường 1 đạt gần 20%, cao hơn trung bình ngành (15,08%), trong đó dư nợ tín dụng của khách hàng cá nhân tăng 11,4%, SME tăng 51,7% so với đầu năm.  Nhờ vậy, tổng tài sản của OCB cải thiện đáng kể, đạt 280.712 tỷ đồng tăng 17% so với năm 2023.

Huy động thị trường 1 đạt 192.413 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2023, hoàn thành 98% kế hoạch về quy mô của năm 2024. Trong đó, tăng trưởng tiền gửi từ khách hàng dân cư và tổ chức kinh tế đạt 13,1% cao hơn mức trung bình <10 % của toàn ngành. Tiền gửi từ khách hàng cá nhân tiếp tục tăng trưởng ổn định với tốc độ xấp xỉ 16%, đóng góp 65% tổng quy mô tiền gửi khách hàng. Năm 2024, mặc dù thị trường có dấu hiệu gia tăng lãi suất nhưng OCB vẫn tiếp tục duy trì nền lãi suất huy động thấp nhằm hỗ trợ cho tín dụng. Từ đó, lãi suất cho vay cũng được giảm đáng kể, góp phần thúc đẩy các sản phẩm tín dụng tăng trưởng bền vững theo đúng định hướng từ Chính Phủ. Đặc biệt, OCB đã và đang thực hiện hiệu quả hoạt động dẫn vốn trong cuộc “cách mạng xanh”, thể hiện vai trò tiên phong khi là một trong những ngân hàng hàng đầu về chiến lược phát triển bền vững. Tính đến 31/12/2024, tín dụng xanh tại OCB tăng 30% so với năm 2023, đây được đánh giá là mức tăng trưởng tín dụng cao so với các ngân hàng trên toàn hệ thống.

Tổng thu thuần của OCB đạt 10.069 tỷ đồng tăng đến 12,7% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào hoạt động cốt lõi không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là thu thuần từ lãi đạt 8.607 tỷ đồng, tăng 27,2% so với năm 2023, nhờ quy mô tín dụng tăng trưởng gần 20% và NIM cải thiện lên mức 3,5% vào cuối năm 2024. Đáng chú ý, với sự linh hoạt trong điều hành, tái cơ cấu lại danh mục kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, nâng cao chất lượng tài sản, đẩy mạnh hiệu quả công tác quản trị nợ, thu hồi cũng như xử lý nợ… trong quý IV/2024, tình hình kinh doanh của ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực khi lợi nhuận trước thuế tăng 230% so với quý trước. Kết quả, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của OCB đạt 4.006 tỷ đồng.

Tuân thủ chặt chẽ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, OCB đã duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả và kiểm soát tốt các rủi ro xuyên suốt năm 2024. Ngoài ra, OCB còn thực hiện đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản (ILAAP) kết hợp với kiểm tra sức chịu đựng thanh khoản theo các kịch bản. Qua đó, khẳng định có đủ tài sản thanh khoản cao để thực hiện các nghĩa vụ tài chính cho khách hàng và đối tác trong những tình huống phát sinh có thể xảy ra. 

Kế hoạch lợi nhuận năm 2025 tăng trưởng 33% so với năm 2024

Năm 2025, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 316.779 tỷ tăng 13%, tổng huy động thị trường 1 đạt 218.842 tỷ tăng 14%. Đặc biệt, với nền tảng vững chắc từ năm 2024, thông qua sự chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ sang nhóm khách hàng có tiềm năng tăng trưởng tốt, OCB dự kiến tổng dư nợ thị trường 1 tăng 16%, đạt 208.472 tỷ. Lợi nhuận trước thuế tăng 33% so với năm 2024, đạt 5.338 tỷ.

Với những mục tiêu chiến lược đã đặt ra, năm 2025, OCB đã xây dựng định hướng hoạt động hướng đến quản trị và tối ưu vận hành, cụ thể: Phấn đấu đưa OCB vào Top 5 ngân hàng TMCP tư nhân hàng đầu Việt Nam về hiệu quả ESG, đảm bảo sự phát triển bền vững; Tối ưu hóa mô hình quản trị và vận hành theo hướng hiện đại, tái cơ cấu mô hình tổ chức; Xây dựng chiến lược phân khúc khách hàng rõ ràng, định hướng sản phẩm và dịch vụ theo nhu cầu của từng phân khúc; Củng cố nền tảng quản trị rủi ro và tuân thủ, đảm bảo tăng trưởng bền vững; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào vận hành; Xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. Đặc biệt, hoàn thiện và thúc đẩy thực thi ESG toàn diện trong hoạt động ngân hàng, hướng đến mục tiêu đưa tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trên tổng dư nợ TT1 năm 2025 trên 11%.

ĐHĐCĐ OCB: Tăng vốn điều lệ l&#234;n 26.631 tỷ đồng, thực hiện chia cổ tức tiền mặt v&#224; bầu th&#224;nh vi&#234;n HĐQT nhiệm kỳ 2025-2030 - Ảnh 2

Chia cổ tức tiền mặt, tăng vốn điều lệ lên mức 26.631 tỷ đồng

Năm 2025, dự kiến tổng lợi ích cổ đông nhận được là 15% thông qua chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ, tương đương số tiền 1.726 tỷ đồng và tiếp tục trình tăng vốn điều lệ lên 26.631 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 8%.

Đây là năm đầu tiên OCB thực hiện chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán. Trước đó, ngân hàng chủ yếu sử dụng phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Số tiền thu được từ tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư, cho vay và mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất. Thực tế, với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hằng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, gia tăng dư địa mở rộng tín dụng cũng như củng cố hệ số an toàn vốn (CAR).

Thời gian thực hiện các đợt tăng vốn sẽ do HĐQT quyết định sau khi được cơ quan chức năng cho phép. Dự kiến sau khi tăng vốn, Aozora bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn duy nhất của OCB với tỷ lệ sở hữu 15%, không thay đổi so với các năm trước.

Bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2025 - 2030

Đại hội cũng tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên BKS nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Cụ thể, HĐQT nhiệm kỳ 2025 – 2030 OCB sẽ gồm 7 thành viên bao gồm: Ông Trịnh Văn Tuấn, ông Ngô Hà Bắc, bà Trịnh Thị Mai Anh, ông Yoshizawa Toshiki, ông Segawa Mitsuhiro, ông Phan Trung và ông Dương Kỳ Hiệp.

Số lượng thành viên BKS có 5 thành viên, tăng 2 thành viên so với nhiệm kỳ 2020 – 2025, gồm có: Bà Đặng Thị Thanh Huyền, bà Đặng Thị Quý, ông Nguyễn Văn Hải, ông Nguyễn Trọng Hải, ông Phạm Quang Vinh.

Việc bổ sung này nhằm phù hợp quy mô và nhu cầu về quản trị tại OCB trong giai đoạn mới.

Tại hội nghị, nhiều phương án, tờ trình đã được HĐQT trình cổ đông: Tờ trình thông qua báo cáo tài chính năm 2024, phương án phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ năm 2024; Phương án tăng vốn điều lệ năm 2025; Tờ trình về việc báo cáo thù lao, thưởng, chi phí khác năm 2024 và đề xuất thù lao, thưởng, chi phí khác năm 2025 của HĐQT và BKS; Tờ trình về việc lựa chọn Công ty kiểm toán độc lập; Tờ trình về việc thông qua phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm; Tờ trình về việc quyết định một số vấn đề khác thuộc quyền hạn của ĐHĐCĐ.

Đại hội tiếp tục với phần thảo luận các báo cáo và tờ trình.

Tin Cùng Chuyên Mục