Ngày pháp luật

ĐHĐCĐ năm 2024 của Vietnam Airlines (HVN): Đặt mục tiêu cân đối thu chi

An An

Kết quả sản xuất kinh doanh công ty mẹ và hợp nhất năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu cân đối thu chi; trong đó lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 105 tỷ đồng và hợp nhất là 4.524 tỷ đồng.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (Vietnam Airlines - mã ck: HVN) cho biết, giai đoạn khó khăn nhất của ngành hàng không đã qua, triển vọng kinh doanh của Tổng công ty được đánh giá tích cực hơn trong thời gian tới.

Đặt mục tiêu cân đối thu chi trong năm 2024

Năm 2024, Vietnam Airlines tiếp tục xây dựng một kế hoạch sản xuất kinh doanh thận trọng. Điều này càng có cơ sở khi những yếu tố bất lợi, khó dự đoán trong 6 tháng đầu năm 2024 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới ngành hàng không trong nước và thế giới.

Cụ thể, bước sang năm 2024, tình hình kinh tế - chính trị thế giới được nhận định vẫn còn tiếp tục khó khăn. Các xung đột chính trị như Nga - Ukraine, Israel - Hamas khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và kinh tế toàn cầu, đặc biệt là yếu tố giá nhiên liệu. Cụ thể, giá nhiên liệu tiếp tục duy trì ở mức cao khoảng 104 USD/thùng. 

ĐHĐCĐ năm 2024 của Vietnam Airlines (HVN): Đặt mục tiêu cân đối thu chi - Ảnh 1

Với sản lượng khai thác như hiện nay, khi giá nhiên liệu thay đổi 1 USD/thùng sẽ làm chi phí khai thác của Vietnam Airlines thay đổi khoảng 230 tỷ đồng/năm. Điều này tạo ra sức ép lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng. 

Đối với thị trường nội địa, môi trường vĩ mô về tình hình kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, việc quá tải về cơ sở hạ tầng của các sân bay vẫn tiếp tục diễn biến trầm trọng.

Với thị trường quốc tế đi đến Việt Nam, thị trường dự kiến vẫn chưa thể đạt được mức trước dịch do lo ngại về suy thoái kinh tế.

Trên cơ sở các yếu tố đầu vào nói trên, Vietnam Airlines đã đưa ra 2 kịch bản về tổng thị trường phụ thuộc vào tiến độ phục hồi của nhóm đường bay này.

Đối với thị trường quốc tế (bao gồm thuê chuyến), kịch bản cao: dự kiến khách tổng thị trường tăng 19,9% so 2023 và phục hồi được 92% so 2019; kịch bản trung bình dự kiến khách tổng thị trường tăng 13% so 2022 và phục hồi được 87% so 2019.

Đối với thị trường hàng không nội địa, Vietnam Airlines cho biết các kịch bản phụ thuộc vào tác động của tình hình kinh tế vĩ mô và khả năng cung ứng tải của các hãng trong bối cảnh bị thiếu hụt nguồn lực tàu bay.

Với kịch bản cao, các giải pháp vĩ mô được triển khai mạnh, kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, các hãng có phương án bù đắp tải cung ứng. Dự kiến khách tổng thị trường tăng 2,5% so 2023 và tăng 10% so 2019.

Với kịch bản trung bình, các giải pháp kích cầu có tác động chậm, sức mua của người dân chưa được cải thiện rõ rệt, các hãng không có phương án bù đắp.

Theo ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết: “Năm 2024, môi trường kinh doanh hàng không vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới. Trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh, Vietnam Airlines đã xây dựng các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, hãng đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp toàn diện về tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, danh mục đầu tư, tổ chức bộ máy và đổi mới quản trị doanh nghiệp". 

Dự kiến năm 2024, Vietnam Airlines vận chuyển 22,64 triệu lượt hành khách, tăng 7,6% so cùng kỳ và bằng 99% so 2019. Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt 7,64 triệu khách (bao gồm thuê chuyến), tăng 120,2% so cùng và bằng 84,4% so với năm 2019.

Sản lượng khách nội địa năm đạt 15 triệu khách, tăng 2,2% so cùng kỳ và tăng 8,7% so với năm 2019. 

Kết quả sản xuất kinh doanh công ty mẹ và hợp nhất năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu cân đối thu chi; trong đó lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 105 tỷ đồng và hợp nhất là 4.524 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu này, Vietnam Airlines triển khai các giải pháp đồng bộ trên mọi mặt sản xuất kinh doanh. Đối với thị trường quốc tế, hãng sẽ mở rộng mạng bay quốc tế với các đường bay mới đến Tây Âu và Đông Nam Á trong năm 2024.

Quý I/2024 báo lãi trở lại

Về kết quả kinh doanh quý I/2024, Vietnam Airlines ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất gần 28.270 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. 

Trong đó, doanh thu vận tải hàng không quốc tế đạt hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ 2023. Tỷ trọng đóng góp của mảng bay quốc tế vào doanh thu vận tải hàng không của Vietnam Airlines đã đạt 65%, tăng gấp 3 lần so với vùng đáy năm 2021. 

Nguồn thu của Vietnam Airlines tăng mạnh trong bối cảnh thị trường hàng không thiếu máy bay, nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết lớn đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao. 

Do giá vốn hàng hóa ở mức cao nên Vietnam Airlines lãi gộp 4.084 tỷ đồng quý I/2024. Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 229 tỷ đồng còn 137 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính lại tăng đột biến 697 tỷ đồng lên 1.470 tỷ đồng so với quý I/2023. 

Sau khi trừ đi các chi phí, Vietnam Airlines báo lãi 4.441 tỷ đồng trong quý I/2024, tích cực hơn nhiều so với khoản lỗ 37 tỷ đồng của quý I/2023. Tuy nhiên, tại thời điểm 31/3, Vietnam Airlines vẫn còn lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu của công ty là âm 12.556 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính của Vietnam Airlines ở mức 24.401 tỷ đồng. Tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 56.316 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục