Mục tiêu lợi nhuận 2025 gấp hơn 2 lần, tín dụng dự kiến tăng 16%
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất được trình tại Đại hội là kế hoạch kinh doanh năm 2025 với các chỉ tiêu tăng trưởng mạnh mẽ. ABBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.800 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần (tăng 131%) so với kết quả thực hiện năm 2024.
Các chỉ tiêu tài chính khác cũng được đặt ở mức tăng trưởng khá. Tổng tài sản dự kiến tăng 13% so với năm trước, cán mốc 200.000 tỷ đồng. Huy động vốn từ khách hàng mục tiêu đạt 115.458 tỷ đồng, tăng 5%. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 16% lên 127.810 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ tiêu này sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. ABBank cũng khẳng định sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo quy định.
Nhìn lại năm 2024, ABBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 744 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối năm đạt 176.619 tỷ đồng, tăng 9,04% so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng đạt 110.099 tỷ đồng, tăng 7,47%, trong khi huy động từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 109.960 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 ở mức 2,48%.
Phát biểu tại đại hội, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank, cho rằng ngân hàng đã "bước qua vùng trũng của năm 2024, sẵn sàng cho một sự chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2025". Ông cũng tiết lộ, kết quả kinh doanh quý I/2025 khá khả quan với lợi nhuận ước đạt gần 400 tỷ đồng, tạo cơ sở vững chắc để ban lãnh đạo và cổ đông tin tưởng vào khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Thẳng thắn nhìn nhận yếu kém, quyết tâm tái cấu trúc
Điểm đáng chú ý tại Đại hội năm nay là sự thẳng thắn của ban lãnh đạo khi nhìn nhận những hạn chế trong năm 2024. Chủ tịch Đào Mạnh Kháng thừa nhận kết quả kinh doanh năm qua "vẫn chưa đạt kỳ vọng", phản ánh những "khoảng trống" trong công tác quản trị và điều hành.
Ông Kháng chỉ ra các vấn đề như tốc độ huy động vốn chậm hơn tăng trưởng tín dụng gây áp lực lãi suất; việc xây dựng kế hoạch kinh doanh còn thiếu sót; công tác luân chuyển cán bộ chưa sát thực tế dẫn đến mất kết nối khách hàng, nợ xấu tăng và nhiều chi nhánh thua lỗ. "Chưa bao giờ ABBank trải qua một năm ảm đạm như vậy," ông Kháng nói và nhận trách nhiệm trước cổ đông.
Đồng tình với quan điểm cần thay đổi, ông Vũ Văn Tiền, Phó Chủ tịch HĐQT ABBank, trong phần chia sẻ của mình đã chỉ ra rằng: "Mô hình tổ chức hiện tại của ABBank đã trở nên lỗi thời, mang tính bảo thủ, thậm chí có tình trạng bao che lẫn nhau, làm giảm hiệu quả hoạt động".
Ông Tiền cho biết, ngân hàng đang quyết liệt tái cấu trúc bộ máy vận hành. Ủy ban Chiến lược Phát triển Bền vững ESG đã được giao nhiệm vụ này, một số phòng ban đã tinh giản 30-40% nhân sự. "Trong thời đại số hóa như hiện nay, không thể duy trì mô hình đông nhưng không mạnh," ông Tiền nhấn mạnh. Ngân hàng cũng tái lập kỷ luật điều hành với hệ thống báo cáo và kiểm soát chặt chẽ hơn. Số liệu báo cáo tài chính kiểm toán 2024 cho thấy, số lượng nhân sự cuối năm là 4.367 người, giảm so với 4.533 người cuối năm 2023.
Không chia cổ tức 2024, tập trung xử lý nợ xấu
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, HĐQT trình và được ĐHĐCĐ thông qua việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ (khoảng 470,4 tỷ đồng). Cùng với lợi nhuận chưa phân phối các năm trước (1.841 tỷ đồng), tổng lợi nhuận giữ lại của ABBank lên tới 2.311 tỷ đồng.
Lý giải cho việc không chia cổ tức, ban lãnh đạo cho biết nguồn lực này sẽ được dùng để bổ sung vốn tự có, tăng cường năng lực tài chính, phục vụ cho chiến lược tái cấu trúc và kế hoạch tăng vốn điều lệ trong tương lai. "Chúng tôi còn nợ kỳ vọng của cổ đông, nhất là trong vấn đề cổ tức. Nhưng ở thời điểm hiện tại, an toàn vẫn phải là ưu tiên số một," ông Vũ Văn Tiền chia sẻ.
Trả lời câu hỏi về xử lý nợ xấu, Chủ tịch Đào Mạnh Kháng cho biết, dù tỷ lệ 2,48% là khá cao, nhưng bộ phận xử lý nợ của ngân hàng đang hoạt động hiệu quả. ABBank đã tập trung việc thu hồi nợ xấu về Hội sở, xây dựng lộ trình thu hồi cụ thể cho các khoản nợ đã trích lập đủ dự phòng, đầu tư vào nhân lực và công cụ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận thách thức trong khâu tố tụng ở cấp địa phương và kỳ vọng vào sự phối hợp tháo gỡ. Mục tiêu là đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% và xây dựng hệ thống xử lý nợ chuyên nghiệp.
Thay đổi nhân sự cấp cao
Đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2027. Cụ thể, ông John Chong Eng Chuan (đại diện vốn Maybank) và ông Trần Bá Vinh (thành viên độc lập) được miễn nhiệm.
Hai thành viên mới được bầu vào HĐQT là ông Syed Ahmad Taufik Albar (được Maybank - cổ đông chiến lược sở hữu 16,394% vốn - đề cử, đại diện 50% vốn góp của Maybank) và ông Trịnh Thanh Hải (bầu làm thành viên độc lập).
Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình đã được cổ đông ABBank thông qua.