Mục tiêu lợi nhuận 23.000 tỷ, tiếp tục tăng vốn điều lệ
Sau một năm 2024 đạt lợi nhuận trước thuế hơn 21.000 tỷ đồng, ACB đặt mục tiêu cho năm 2025 tiếp tục tăng trưởng với con số 23.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 9,5%. Các chỉ tiêu khác cũng được đặt ra khá tham vọng: tổng tài sản dự kiến tăng 14% lên 984.967 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 14% đạt 728.409 tỷ đồng, và dư nợ cho vay khách hàng tăng 16% lên 673.596 tỷ đồng. Đáng chú ý, ACB đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
ĐHĐCĐ 2025 ACB: Đặt mục tiêu lãi 23.000 tỷ, chia cổ tức 25%. Ảnh: QC
Để củng cố nền tảng vốn, ĐHĐCĐ đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 với tỷ lệ cổ tức 25%. Trong đó, cổ đông sẽ nhận 10% bằng tiền mặt (tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu) và 15% bằng cổ phiếu.
Với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, ACB dự kiến phát hành thêm gần 670 triệu cổ phiếu mới, sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối tích lũy đến cuối năm 2024. Nếu thành công, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ mức 44.667 tỷ đồng hiện tại lên 51.367 tỷ đồng. Việc tăng vốn được kỳ vọng sẽ bổ sung nguồn vốn trung dài hạn cho hoạt động tín dụng, đầu tư và các dự án chiến lược, nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3/2025.
Kết quả kinh doanh quý 1 khả quan, nợ xấu giảm mạnh
Chia sẻ tại Đại hội, Tổng Giám đốc Từ Tiến Phát cho biết kết quả kinh doanh quý 1/2025 khá tích cực dù thị trường có nhiều biến động. "Hết quý 1, tín dụng tăng 3%, huy động tăng trên 2%. Riêng nợ xấu ACB là 1.34%, đã giảm mạnh so với đầu năm và kỳ vọng năm nay kiểm soát tốt," ông Phát tiết lộ. Với kết quả này, ACB dự kiến hoàn thành khoảng 20% kế hoạch lợi nhuận cả năm ngay trong quý đầu tiên.
Phần thảo luận tại Đại hội diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi chất vấn từ cổ đông về các vấn đề được quan tâm:
Về khả năng giảm nợ xấu (<2%): Ông Từ Tiến Phát tỏ ra tự tin, cho rằng việc Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu có thể được xem xét lại vào tháng 6 tới sẽ tạo khung pháp lý thuận lợi. Bên cạnh đó, sự phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam, chiến lược cho vay phân tán (không tập trung vào doanh nghiệp BĐS lớn), và tỷ lệ cho vay có tài sản đảm bảo cao (98%) là những yếu tố then chốt giúp ACB kiểm soát và giảm nợ xấu.
Về kế hoạch IPO công ty con ACBS: Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy cho biết hiện tại chưa phải thời điểm thích hợp để IPO ACBS do công ty chứng khoán này cần củng cố thêm năng lực tài chính và cạnh tranh. Kế hoạch này sẽ được xem xét lại trong năm tới.
Về chiến lược tăng trưởng tín dụng (mục tiêu 16-18%) và rủi ro: Ông Phát khẳng định dư địa tăng trưởng ở mảng doanh nghiệp lớn và FDI còn rất lớn, khi thị phần của ACB ở phân khúc này mới chỉ khoảng 1%. Ngân hàng sẽ tiếp tục chiến lược cho vay phân tán, tập trung vào doanh nghiệp đầu ngành, có hệ sinh thái tốt. Dù có những thách thức từ chính sách thuế quan của Mỹ hay biến động vĩ mô, ACB vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16-18%, kỳ vọng vào sự phục hồi của nhu cầu vay từ khách hàng cá nhân và SME, cũng như sự ấm lên của thị trường BĐS phía Nam. Chủ tịch Trần Hùng Huy cũng bổ sung về việc nhắm đến nhóm khách hàng trẻ thông qua các kênh mạng xã hội.
Về xu hướng lãi suất: Lãnh đạo ACB dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tương đối ổn định trong thời gian tới, không ảnh hưởng lớn đến biên lãi ròng (NIM) và hoạt động kinh doanh.
Về rủi ro BĐS: Ông Phát nhấn mạnh tỷ trọng cho vay BĐS của ACB rất thấp (dưới 20% tổng dư nợ), và ngân hàng đang kiểm soát tốt rủi ro ở mảng này.
Về đầu tư công nghệ và ngân hàng số: ACB cam kết tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm, cho hạ tầng, hệ thống lõi, bảo mật và ngân hàng số. Việc ứng dụng AI đang được triển khai để nâng cao hiệu quả hoạt động và bán hàng.
Về chiến lược 5 năm tới: Chủ tịch Trần Hùng Huy vạch ra tầm nhìn đưa ACB "từ tốt lên nổi bật". Ngân hàng sẽ tập trung vào 3 trụ cột: (1) Phát triển mạnh mảng bán lẻ và hoàn thiện mảng khách hàng doanh nghiệp; (2) Thay đổi mô hình kinh doanh và phương thức hoạt động theo hướng hiệu quả hơn; (3) Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin. Đồng thời, ngân hàng nhận diện các thách thức về cạnh tranh, tuân thủ quy định và an ninh mạng.
Về lý do chia cổ tức tiền mặt: Chủ tịch Huy giải thích việc kết hợp cả tiền mặt và cổ phiếu nhằm cân bằng lợi ích tốt nhất cho cổ đông trong trung và dài hạn, thay vì chỉ tập trung vào một hình thức.
Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình của HĐQT đều đã được cổ đông thông qua với tỷ lệ tán thành cao.