Ngày pháp luật

Dệt kim Hà Nội – thương hiệu bít tất lâu đời nhất Việt Nam

Hoàng Thư

Được thành lập năm 1966,Công ty Cổ phần Dệt kim Hà Nội là đơn vị chuyên sản xuất bít tất lâu đời nhất tại Việt Nam. Những chiếc bít tất xinh xinh mang trong mình nhiều điều thú vị và cả không ít khúc mắc…

“Bật mí” lịch sử của tất chân

Những mẫu tất sớm nhất được làm từ da động vật và được buộc xung quanh cổ chân. Trong thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, người Hy Lạp cổ đại đã sử dụng tất làm từ lông động vật với mục đích làm ấm đôi chân trong thời tiết khắc nghiệt lạnh giá.

Còn người La Mã lại sử dụng chất liệu da hoặc lông động vật được thêu dệt một cách kĩ càng. Theo thời gian, vào những năm 1.000 sau Công Nguyên, những đôi tất đã trở thành một biểu tượng cho sức khỏe và sự quý phái đối với cả phái nam và phái nữ.

Đến thế kỷ thứ 16, máy dệt đầu tiên trên thế giới được Edmund CartWright phát minh sáng chế vào năm 1785, giúp nâng cao hiệu suất công việc cao hơn 40 lần so với hiệu suất dệt bằng tay của người thợ dệt. Thời gian sau đó, máy dệt không ngừng được cải tiến và nâng cấp tạo nên nhiêu loại máy mang lại năng suất lao động ngày càng cao. 

Một bước đột phá lớn trong công nghệ dệt may là sự phát minh sáng chế ra máy dệt kim tự động thả và thêm mũi khâu vào năm 1864, điều này khiến vải dệt kim trở nên vừa khít và dễ chịu với bàn chân hơn. Hơn nữa, đặc trưng của vải dệt kim là cấu trúc vòng sợi nên loại vải này có tính co dãn và đàn hồi cực tốt, giữ nhiệt tốt mà vẫn không cản trở quá trình thoáng khí, tạo sự thoải mái cho người mặc.

Một số mẫu bít tất mùa đông 2021 của Dệt kim Đông Xuân. 
Một số mẫu bít tất mùa đông 2021 của Dệt kim Đông Xuân. 

Ngày nay với sự phát triển của công nghệ hiện đại, ngành may mặc về những đôi tất đã tạo ra nhiều chất liệu hơn như tất nano, tất than hoạt tính… Màu sắc cũng rất đa dạng, thậm chí nhiều đôi tất còn kết hợp nhiều hoa văn, họa tiết lạ mắt giúp người sử dụng có nhiều sự lựa chọn để phù hợp với cá tính hoặc mục đích sử dụng của bản thân.

Đó là đôi chút lịch sử về tất chân trên thế giới, còn ở Việt Nam, nhà sản xuất bít tất nội địa đầu tiên phải kể đến là bít tất Dệt kim Hà Nội. Dệt kim Hà Nội, tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước có tên Xí nghiệp Dệt kim Hà Nội, được thành lập năm 1966 với ngành nghề kinh doanh trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung là sản xuất và cung ứng các loại bít tất phục vụ quốc phòng và tiêu dùng trong nước.

Công ty này tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh này cho đến khi chuyển sang kinh tế thị trường với thị trường tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.Công ty chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty cổ phần từ tháng 4/2005 (vốn điều lệ 24 tỷ đồng) với 51% vốn nhà nước và được quản lý bởi Công ty TNHH một thành viên Dệt Minh Khai.

Năm 2015, Công ty chuyển đổi thành công ty đại chúng 100% vốn tư nhân. Cổ phiếu của Công ty cổ phần Dệt kim Hà Nội chính thức được đưa vào giao dịch trên sàn UPCOM với mã chứng khoán HKC từ ngày 22/5/2020.

Vượt qua “lùm xùm” khi cổ phần hóa

Thông qua hợp tác sản xuất với Nhật Bản từ năm 1990, hiện nay Công ty có hệ thống máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước.Với bề dày kinh nghiệm 55 năm chuyên sản xuất bít tất, Công ty Cổ phần Dệt kim Hà Nội có khả năng đáp ứng đơn hàng với số lượng lớn, giá cả tối ưu.

Sản lượng hàng năm của Công ty đạt 8 triệu đôi. Bít tất của Công ty đã có mặt trên thị trường thế giới từ năm 1991. Sản lượng xuất khẩu hàng năm chiếm 70% tổng sản lượng Công ty (trong đó, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chiếm 70%, xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Canada và EU chiếm 30%); chỉ30% sản lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Sản phẩm bít tất của Công ty được sản xuất trên dây chuyền máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn Nhật Bản đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Sản phẩm của Công ty cũng rất đa dạng về chủng loại và thiết kế như tất xù, rib, link, trơn… có thêu và silicon đang được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Hơn nữa, sản phẩm của Công ty sử dụng các nguyên liệu chất lượng cao kháng khuẩn, không mùi, nhanh khô, giữ ấm đáp ứng các tiêu chuẩn của các thương hiệu uy tín hàng đầu thế giới như Adidas, FILA, Puma, Nike, Nine West, Jockey, Levi’s, H&M…

Sản phẩm của Công ty còn đạt tiêu chuẩn đánh giá trách nhiệm xã hội của thế giới như WRAP, PUMA, LEVIS, VF, SEVEN and I HLDGS... Nhờ vậy, đã đạt yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng, đem lại sự thoải mái cho đôi chân của mọi đối tượng khách hàng. 

Chính vì thế, không có gì khó hiểu khi bít tất của Dệt kim Hà Nội hơn 20 năm liên tục đềuđược người tiêu dùng bình chọn làHàng Việt Nam chất lượng cao.Giải thích lý do chọn bít tất Dệt kim Hà Nội là địa chỉ mua hànguy tín chất lượng, nhiều khách hàng không ngần ngại chia sẻ là vì mẫu mã đa dạng, kiểu dáng bắt mắt; giá thành cạnh tranh; đội ngũ nhân viên tận tình, am hiểu tư vấn cho quý khách hàng; tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ…

Hoạt động kinh doanh chính của Công ty là kinh doanh bít tất, đây là hoạt động mang lại doanh thu chủ yếu và chiếm tỷ trọng lớn cho Công ty trong những năm qua.Song song với hoạt động chính này, Công ty cũng có một mảng kinh doanh thương mại khác là mua bán các sản phẩm dệt may và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Úc, Mỹ… Ngoài ra, Công ty còn kinh doanh cho thuê bất động sản văn phòng tại số 285 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.

Thời gian tới, Dệt kim Hà Nội tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại, trong đó Công ty duy trì phát triển thị trường xuất khẩu với mục tiêu doanh thu xuất khẩu tăng từ 5-7% mỗi năm.Bên cạnh đó, Công ty cũng duy trì phát triển các kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm cải tiến theo nhu cầu của khách hàng, phát triển thị trường trong nước từ 5-7% mỗi năm.

Tuy nhiên, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Công ty còn khá khiêm tốn. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2018 của Công ty đạt 117,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 3,6 tỷ đồng; năm 2019, con số tương ứng là 91,6/3,1 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020, Công ty đạt con số tương ứng là 83/2,7 tỷ đồng và năm 2021 sẽ là 90/2,8 tỷ đồng. 

Chính vì lợi nhuận tương đối khiêm tốn này, đã từng có thời gian, các cổ đông có không ít khúc mắc sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước một thời này.Theo các cổ đông là nhà đầu tư bên ngoài Côngty, kể từ khi cổ phần hóa, họ luôn cảm thấy bức xúc và bất bình vì sự thiếu minh bạch thông tin của HĐQT Côngty. Đỉnh điểm có 2 năm liền, các cổ đông cho biết cổ tức trả cho họchỉ khoảng 11%.

Rất may là sau đó Nhà nước đã kịp thời bán hết cổ phần của mình để Dệt kim Hà Nội trở thành công ty đại chúng 100% vốn tư nhân như đề cập ở trên, giúp hoạt động của doanh nghiệp được ổn định, không còn khiếu kiện, quyền lợi cổ đông được bảo đảm. Đây là điều phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thị trường mà chúng ta đã và đang triển khai. Mong rằng trải qua những vấp váp và bằng những tiềm năng sẵn có của mình, lợi nhuận của Dệt kim Hà Nội sẽ ngày một thăng tiến, tạo công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao cho người lao động.

Tin Cùng Chuyên Mục