Ngày 8/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thay mặt Chính phủ đọc tờ trình Quốc hội về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Một trong số những quy định gây chú ý là dự luật sửa đổi lần này đưa ra yêu cầu các tổ chức, cơ quan, trong đó có các ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan quản lý thuế.
Cụ thể, khoản 2 Điều 98 quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, gồm nội dung giao dịch tài khoản, số dư tài khoản người nộp thuế trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế.
|
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho cũng biết, dự Luật sửa đổi lần này đã luật hoá một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết, như áp dụng cơ chế đơn giản hoá trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin dữ liệu đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết. Dự luật cũng quy định trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.
Để thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế, dự thảo Luật đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online...
Bộ trưởng Tài chính được quyền xoá nợ thuế từ 5 tỷ đồng trở lên
Về các biện pháp xử lý nợ đọng thuế (khoản nợ, xoá nợ, miễn tiền thuế...), dự thảo Luật đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế.
"Quy định này là phù hợp với thực tế, khi mà nợ trên phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn trong khi nợ này là nợ ảo, không có khả năng thu hồi", tờ trình Chính phủ nêu.
Lần sửa đổi này cũng quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, luật quản lý thuế hiện hành quy định Thủ tướng xoá nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, để cải cách thủ tục hành chính, dự thảo luật quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế. Cụ thể, Bộ trưởng Tài chính xóa nợ từ 5 tỷ đồng trở lên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ đồng. Đồng thời bổ sung quy định phân cấp cho cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 1 tỷ đồng...
Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo luật quy định về trách nhiệm công vụ đối với người có thẩm quyền xóa nợ tiền thuế tiền chậm nộp, tiền phạt. Có ý kiến khác đề nghị giao thẩm quyền xóa nợ cho chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) để tránh việc "cơ quan quản lý thuế vừa là người thu thuế, vừa là người có thẩm quyền xóa nợ thuế".
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung việc áp dụng nguyên tắc "giao dịch độc lập" trong quản lý thuế với người nộp thuế có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết nộp thuế tương xứng với giá trị tạo ra tại Việt Nam.