Lý giải việc chọn ACV để triển khai dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết ACV là nhà khai thác cảng hàng không đầu tiên và hiện đang quản lý khai thác 21/22 cảng hàng không trên cả nước, ACV có kinh nghiệm nhất, đồng thời có nguồn lực để đầu tư.
“Chúng tôi quyết định đề xuất giao ACV thực hiện dự án này. ACV thực hiện theo hình thức nào, liên danh liên kết với ai là quyền của ACV" ,Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh khẳng định, ACV đủ nguồn lực bảo đảm toàn bộ đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không, kể cả Cảng Hàng không Long Thành theo đúng kế hoạch của nhà nước. Cụ thể, hiện nay tiền mặt ACV gửi ngân hàng khoảng 25.000 tỉ đồng. Từ nay đến năm 2025, ACV sẽ tích lũy được khoảng 87.500 tỉ đồng, nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 62.500 tỉ đồng, như vậy sẽ có khoản tích lũy 25.000 tỉ đồng để dành cho Cảng Hàng không Long Thành.
Theo ghi nhận, Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải trầm trọng và nguy cơ đóng băng thị trường là hiện hữu nếu không sớm hoàn thiện nhà ga T3, song hiện có nhiều ý kiến đề xuất phương thức đầu tư, cách lựa chọn nhà đầu tư khác nhau.
Sân bay Tân Sơn Nhất (Tp.HCM) luôn được nhắc đến như một điểm nghẽn về hạ tầng với sự quá tải cả trên trời và mặt đất, cả trong và ngoài sân bay. Chính phủ đã giao Bộ GTVT trình phương án đầu tư xây dựng nhà ga T3 nhằm nâng công suất thiết kế của nhà ga Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách.
Để dự án nhà ga T3 sớm đưa vào hoạt động, hiện có nhiều ý kiến đề xuất phương thức đầu tư, cách lựa chọn nhà đầu tư khác nhau.
Vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản đề xuất Chính phủ giao ACV chủ trì thực hiện đầu tư nhà ga T3, sân đỗ máy bay, song hiện có rất nhiều nhà đầu tư tư nhân muốn thực hiện dự án này, có nhà đầu tư cam kết thực hiện trong thời gian ngắn, thậm chí chỉ trong 1 năm.