Ngày pháp luật

Đề xuất cho phép đặt cược tại 5 giải bóng đá hàng đầu thế giới

Theo Báo đầu tư

Mỗi năm có hàng ngàn tỷ đồng chảy ra nước ngoài từ việc đặt cá độ bóng đá quốc tế “chui”, khiến Nhà nước thất thu ngân sách, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội.

Sau 3 năm triển khai Nghị định 06 năm 2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, Bộ Tài chính vẫn chưa cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho bất cứ doanh nghiệp nào.

Có quá ít giải đấu bóng đá được phép đặt cược

Vướng mắc lớn nhất hiện nay trong kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, theo  Bộ Tài chính là các quy định của pháp luật liên quan đến quy trình tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp và quy định về danh mục trận đấu, giải thi đấu bóng đá quốc tế.

Theo Nghị định 06 năm 2017, trận đấu, giải thi đấu được lựa chọn để kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế phải là các trận đấu, giải thi đấu bóng đá quốc tế được Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) công bố, phê chuẩn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm công bố danh mục các trận đấu, giải thi đấu bóng đá quốc tế được lựa chọn làm căn cứ kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, FIFA chỉ công bố các giải bóng đá do FIFA tổ chức và không phê chuẩn danh mục trận đấu, giải đấu bóng đá quốc tế. Giải đấu do FIFA công bố không diễn ra thường xuyên mà thường được tổ chức 2 - 4 năm/lần, thời gian tổ chức mỗi giải đấu thường chỉ kéo dài từ 10 đến 30 ngày. Và hàng năm, FIFA cũng chỉ công bố khoảng 4 - 8 giải đấu bóng đá quốc tế do FIFA tổ chức ở cấp độ đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ, cả giải bóng đá nam và nữ lẫn giải bóng đá trẻ. Vì vậy, năm 2018, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cũng chỉ ban hành hành danh mục 15 giải đấu không được tổ chức thường xuyên với thời gian tổ chức mỗi giải đấu rất ngắn và cũng chỉ áp dụng riêng cho năm 2018.

Do tần suất tổ chức kinh doanh đặt cược thấp, trong khi vốn đầu tư kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế rất lớn (vốn điều lệ tối thiểu là 1.000 tỷ đồng) khiến doanh nghiệp khó có khả năng thu hồi vốn đầu tư trong thời hạn thí điểm chỉ có 5 năm nên không hấp dẫn doanh nghiệp.

Để hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế, theo Bộ Tài chính cần phải mở rộng danh mục các trận đấu, giải thi đấu là các trận đấu, giải thi đấu thường xuyên, có tính công khai, minh bạch cao, được đông đảo người hâm mộ theo dõi và phải là những giải đấu do FIFA hoặc liên đoàn bóng đá thành viên của FIFA tổ chức; và được thực hiện ổn định trong suốt 5 năm tổ chức thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế.

Đề xuất cho phép đặt cược tại 5 giải bóng đá hàng đầu thế giới - Ảnh 1
Doanh thu từ hoạt động quảng cáo sẽ gia tăng khi người dân được đặt cược bóng đá

Cho phép đặt cược tại 5 giải bóng đá hàng đầu thế giới

Bộ Tài chính đề xuất cần phải quy định cụ thể danh mục trận đấu, giải thi đấu bóng đá quốc tế trong thời gian thí điểm 5 năm gồm các giải đấu bóng đá được tổ chức thường xuyên; tính công khai, minh bạch cao; được đông đảo người hâm mộ theo dõi như Giải vô địch ngoại hạng Anh (Premier League), Cúp quốc gia của Anh (Cup FA) cũng như giải vô địch và cúp quốc gia Tây Ban Nha, Đức, Italia, Pháp; giải vô địch cấp câu lạc bộ khu vực châu Âu, châu Á, châu Mỹ; giải vô địch cấp đội tuyển quốc gia khu vực châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Đại dương, châu Phi; giải bóng đá vô địch thế giới do FIFA tổ chức đối với bóng đá nam, bóng đá nữ và các giải trẻ; trận đấu được FIFA, liên đoàn bóng đá khu vực tổ chức, trận đấu giữa hai đội bóng thuộc hai liên đoàn bóng đá khác nhau ở tất cả các cấp đội tuyển quốc gia, đội tuyển bóng đá trẻ, câu lạc bộ tổ chức.

Theo Bộ Tài chính, việc mở rộng danh mục các trận đấu, giải thi đấu mang tính thường xuyên, được đông đảo người hâm mộ theo dõi đảm bảm tần suất tổ chức kinh doanh đặt cược của doanh nghiệp được ổn định trong suốt thời gian thí điểm là 5 năm, đảm bảo thời gian để doanh nghiệp có thể thu hồi vốn đầu tư và hoạt động kinh doanh có lãi trong thời gian thí điểm kinh doanh đặt cược.

“Ngoài ra, do các trận đấu, giải thi đấu bóng đá quốc tế được lựa chọn là giải đấu, trận đấu có tính công khai, minh bạch cao và được tổ chức ngoài lãnh thổ Việt Nam nên những rủi ro liên quan đến tác động đến kết quả trận đấu, sự kiện trong trận đấu để đặt cược là gần như không có”, Bộ Tài chính nhận định.

Doanh nghiệp phải đề xuất đóng góp cho ngân sách nhà nước

Trong 3 năm thực hiện Nghị định 06 năm 2017, Bộ Tài chính cho biết đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế, nhưng kết quả là đến nay nghị định này vẫn... nằm trên giấy vì không tìm được bất cứ nhà đầu tư nào do những vướng mắc về pháp lý trong việc lựa chọn doanh nghiệp.

Cụ thể, do Nghị định 06 không quy định về quy trình lựa chọn doanh nghiệp trong khi đó, pháp luật về đầu tư và pháp luật về đấu thầu cũng không quy định cụ thể về quy trình lựa chọn nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh.

Để tháo gỡ vướng mắc này, theo Bộ Tài chính, cần phải quy định cụ thể về quy trình đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp và bổ sung những nội dung quy định về phương pháp để có thể chấm điểm và lựa chọn doanh nghiệp nhằm đảm bảo nguyên tắc lựa chọn doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện tổ chức kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế; thực hiện các chương trình an sinh xã hội; và đóng góp vào ngân sách nhà nước bằng tiền, ngoài các nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Cụ thể, để được cung cấp dịch vụ kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế, ngoài việc phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng; quy định cụ thể những nội dung, yêu cầu doanh nghiệp cần phải thực hiện tại phương án kinh doanh; và đặc biệt doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ nhạy cảm này phải có đề xuất đóng góp cho ngân sách nhà nước ngoài các nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật theo nguyên tắc, doanh nghiệp nào đề xuất nộp vào ngân sách nhà nước cao nhất và phù hợp với phương án đầu tư, phương án kinh doanh được xem xét, lựa chọn.

“Quy định cụ thể quy trình đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp và bổ sung những nội dung quy định về phương pháp để có thể chấm điểm nhằm đảm bảo mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong lựa chọn doanh nghiệp. Ngoài ra, việc quy định doanh nghiệp đề xuất đóng góp cho ngân sách nhà nước ngoài các nghĩa vụ nộp thuế để đánh giá hồ sơ dự thầu của doanh nghiệp tạo điều kiện tăng thu ngân sách nhà nước để phục vụ cho các chính sách an sinh, xã hội”, Bộ Tài chính đánh giá.

Tin Cùng Chuyên Mục