Ngày pháp luật

Đề nghị bổ sung biện pháp “Phong tỏa tài khoản chứng khoán”

Quân Chính - Thanh Hoa

Việc yêu cầu chuyển giao giấy tờ có giá hiện nay đang gặp không ít khó khăn. Người đang nắm giữ giấy tờ có giá thường không hợp tác với cơ quan thi hành án.

Đề nghị bổ sung biện pháp “Phong tỏa tài khoản chứng khoán” - Ảnh 1

Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành thì giấy tờ có giá bao gồm: Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005; Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005; Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và các công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16, Điều 3 Luật Quản lý nợ công 2009; Các loại chứng khoán  được quy định tại điểm 3 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010; Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 90/2011/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo quy định tại Điều 82 Luật Thi hành án Dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS), trường hợp phát hiện người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án thì chấp hành viên ra quyết định thu giữ giấy tờ đó để thi hành án. Người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ giấy tờ có giá của người phải thi hành án phải chuyển giao giấy tờ đó cho cơ quan THADS theo quy định của pháp luật. Trường hợp người phải thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ giấy tờ có giá không giao giấy tờ cho cơ quan THADS thì Chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển giao giá trị của giấy tờ đó để thi hành án.

Việc yêu cầu chuyển giao giấy tờ có giá hiện nay đang gặp không ít khó khăn. Người đang nắm giữ giấy tờ có giá thường không hợp tác với cơ quan thi hành án. Trong khi đó việc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chuyển giao giá trị của giấy tờ có giá để thi hành án cũng chỉ thực hiện được khi các giấy tờ có giá đó là loại giấy tờ hữu hình có ghi rõ tên người sở hữu và mệnh giá. Ngày nay, nhiều loại giấy tờ có giá đã được tin học hóa thành “vô hình” dưới dạng dữ liệu điện tử và người trực tiếp sở hữu, nắm giữ các giấy tờ có giá dạng này thực ra chỉ nắm giữ thông tin mà không có giấy tờ nào, ví dụ như người nắm giữ cổ phiếu vô danh trên thị trường chứng khoán. Do vậy, việc yêu cầu giao giấy tờ có giá là cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường chứng khoán hoặc yêu cầu chuyển giao giá trị của loại cổ phiếu này là rất khó khăn. Hiện nay pháp luật vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý đối với loại giấy tờ có giá “vô hình” này.

Bên cạnh việc kê biên tài sản là giấy tờ có giá (ví dụ như cổ phiếu) thì các bước tác nghiệp khác để xử lý loại tài sản này vẫn còn nhiều vướng mắc. Việc định giá cổ phiếu: Hiện giá cổ phiếu biến động liên tục theo thị trường nhưng để đưa ra được kết quả thẩm định giá phải mất nhiều ngày. Trong thời gian đó, giá của cổ phiếu có thể lên xuống khác xa so với lúc thẩm định. Thứ hai, hiện nay chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể việc bán giấy tờ có giá để đảm bảo thi hành án. Giấy tờ có giá là một loại tài sản có tính chất đặc thù, không giống với các loại tài sản khác. Do vậy cần quy định cụ thể việc bán giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản hay văn bản pháp luật chuyên ngành nào để thực hiện cho đúng. Đồng thời cần quy định rõ tổ chức nào sẽ đứng ra bán đấu giá đối với loại tài sản này.

Việc xử lý đối với các loại giấy tờ có giá để thi hành án là một vấn đề rất phức tạp. Do vậy, đề nghị cần tiếp tục quy định hướng dẫn cụ thể đối với từng loại giấy tờ có giá nào thì phải thực hiện thủ tục bán đấu giá theo quy định của pháp luật THADS, những loại giấy tờ nào thì phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật chuyên ngành điều chỉnh đối với loại giấy tờ có giá đó. Riêng đối với các loại giấy tờ có giá giao dịch trên thị trường chứng khoán, đề nghị cần phải bổ sung thêm biện pháp “Phong tỏa tài khoản chứng khoán” vì hiện nay người sở hữu chứng khoán thường mở các tài khoản chứng khoán tại một trung tâm lưu ký chứng khoán và việc mua bán chuyển nhượng của họ đều được thực hiện thông qua số tài khoản này. Do vậy, việc bổ sung thêm biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán vào pháp luật THADS là phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, đồng thời sẽ nâng cao hiệu quả của công tác THADS. 

Tin Cùng Chuyên Mục