Từ khi bắt đầu cải cách kinh tế với chính sách "Đổi Mới" vào năm 1986, Việt Nam đã không ngừng hội nhập nhanh chóng vào nền kinh tế toàn cầu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt gấp đôi GDP. Đồng thời, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong năm 2018 đã đạt tương đương 8% GDP.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, đưa nền kinh tế hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, việc tham gia vào chuỗi giá trị chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong năm 2017, hơn nửa triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa đóng góp khoảng gần một nửa GDP, nhưng rất ít doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB, chất lượng sản phẩm, dịch vụ không đồng đều là rào cản chính ngăn doanh nghiệp hội nhập vào chuỗi giá trị. Vấn đề này đặc biệt đáng quan tâm, trong bối cảnh các thị trường quốc tế ngày càng thắt chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch, môi trường và sức khoẻ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ ít được tiếp cận với các công nghệ mới có thể giúp họ vượt qua được các rào cản này.
Nghiên cứu về Doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chủ yếu coi việc đổi mới sản phẩm là một cách để giảm chi phí chứ không phải để nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, có rất ít các doanh nghiệp mua sắm hoặc đăng ký sử dụng các công nghệ mới được phát triển ở các nước khác.
Theo ADB, trên thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Năng lực mua sắm và ứng dụng công nghệ mới của họ bị hạn chế bởi khó tiếp cận vốn và thiếu lực lượng lao động có kỹ năng cần thiết.
Doanh nghiệp thường khó tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý do các điều kiện thế chấp vay vốn ngặt nghèo và thủ tục phức tạp, và thị trường vốn còn nghèo nàn, mặc dù đã có một số cơ chế cung cấp tín dụng như: Quỹ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ, các Ngân hàng thương mại, các Quỹ bảo lãnh tín dụng và Ngân hàng Phát triển Việt Nam ...
Hơn nữa, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhận xét: Không phải FDI vào Việt Nam là tất cả nguồn tiền đều là của họ, họ cũng nợ nần và huy động vốn trong nước. Phần tín dụng ngân hàng đáng nhẽ sẽ dành cho doanh nghiệp trong nước, thì lại bị các nhà đầu tư nước ngoài có vị thế tốt hơn huy động mất, dẫn đến doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng khó khăn hơn trong tiếp cận tín dụng.
Về tình trạng thiếu lao động có tay nghề, khảo sát Total Workforce Index của ManpowerGroup cho biết: trong số 55,92 triệu người lao động tại Việt Nam, lực lượng lao động cố định chiếm 38% và lực lượng lao động dự phòng chiếm 62%. Có một số hạn chế về năng lực trong lực lượng lao động địa phương, chẳng hạn như chỉ có 5% lực lượng lao động địa phương có trình độ tiếng Anh và chỉ 10,4% có tay nghề cao. Những phát hiện này cho thấy Việt Nam chưa phát triển đầy đủ nguồn nhân lực.
Trong khi đó, kỷ nguyên phát triển dựa trên "chi phí thấp, kỹ năng thấp" của Việt Nam đã qua, và Việt Nam phải trở thành một nền kinh tế dựa trên kỹ năng cao.
Để giải quyết được những căn nguyên gốc rễ của vấn đề chất lượng sản phẩm không đồng đều, các chính sách cần khuyến khích và hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ mới, và trên hết là đổi mới sáng tạo ở trong nước. Các doanh nghiệp cần có vốn để thuê mua trang thiết bị và công nghệ mới cho sản xuất.
Việc phát triển các kỹ năng cần thiết đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện và đồng bộ với sự vào cuộc của chính phủ, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tư nhân để cung cấp các dịch vụ đào tạo chuyên môn, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu. Nếu không cải thiện được khả năng tiếp cận vốn và kỹ năng, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tiếp tục tụt hậu trên con đường hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.