Kết quả bết bát
Kết thúc quý đầu năm 2024, doanh thu thuần của Dầu khí Thanh Hoá đạt 2,53 tỷ đồng, tăng gấp 12,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ doanh thu xây lắp (hơn 2,17 tỷ đồng), trong khi doanh thu kinh doanh bất động sản đóng góp không đáng kể chỉ hơn 357,5 triệu đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 139,4 triệu đồng. Doanh thu tài chính của Dầu khí Thanh Hóa giảm mạnh từ 762,4 triệu đồng xuống còn 318,2 triệu đồng. Đáng chú ý, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 34,8% lên mức 1,84 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2024, Dầu khí Thanh Hoá ghi nhận khoản lỗ 1,4 tỷ đồng, tăng gấp gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023 (lỗ 620 triệu đồng).
Đại diện Dầu khí Thanh Hoá cho biết nguyên nhân lợi nhuận sau thuế quý I/2024 lỗ là do tổng doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác không bù đắp được giá vốn và chi phí quản lý trong kỳ, dẫn tới lợi nhuận sau thuế quý I bị lỗ.
Đồng thời, do lãi suất tiền gửi trong quý I/2024 giảm mạnh so với cùng kỳ dẫn tới doanh thu hoạt động tài chính quý I/2024 giảm mạnh và chi phí quản lý trong kỳ tăng dẫn tới lợi nhuận sau thuế quý I thấp hơn cùng kỳ.
Trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Dầu khí Thanh Hoá dương 94,9 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 4,67 tỷ đồng.
Tổng cộng tài sản công ty tính đến ngày 31/3/2024 của Dầu khí Thanh Hoá hơn 594,2 tỷ đồng, giảm hơn 5,5 tỷ đồng so với số đầu năm. Công ty hiện chỉ còn hơn 43,7 triệu đồng tiền mặt và hơn 863 triệu đồng tiền gửi ngân hàng. Hàng tồn kho tại ngày 31/3/2024 ghi nhận hơn 90,7 tỷ đồng.
Dầu khí Thanh Hoá có nợ phải trả tính đến ngày 31/3/2024 lên tới hơn 519,3 tỷ đồng; tập trung chủ yếu ở nợ dài hạn (hơn 394,8 tỷ đồng) và số nợ ngắn hạn (hơn 124,5 tỷ đồng).
Hiện nợ phải trả của Dầu khí Thanh Hoá gấp gần 7 lần vốn chủ sở hữu. Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu thể hiện doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên doanh nghiệp có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao.
Vay và nợ thuế dài hạn của doanh nghiệp lên tới hơn 309,7 tỷ đồng. Trong đó, vay dài hạn của Ngân hàng TMCP Đại chúng hơn 307,3 tỷ đồng và vay dài hạn các đối tượng khác hơn 2,3 tỷ đồng.
Cổ phiếu liên tục bị hạn chế
Ngày 6/6, Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Hà Nội ban hành quyết định duy trì diện hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu PVH của Công ty cổ phần (CTCP) Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa.
Lý do duy trì hạn chế giao dịch tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với Báo cáo tài chính năm 2023, PVH chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.
Sở GDCK Hà Nội yêu cầu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, CTCP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa phải có văn bản gửi Sở GDCK Hà Nội giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.
Quyết định duy trì diện hạn chế lần này của HNX thay thế quyết định hạn chế trước đó vào ngày 23/5. Ở lần duy trì hạn chế này ngoài lý do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến, PVH còn chậm nộp báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán qúa 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định.
CTCP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa trước đây là CTCP Thịnh Phát, trụ sở tại tầng 10 tòa nhà Dầu khí, số 38A Đại lộ Lê Lợi, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa. Công ty có vốn điều lệ 210 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Cổ phiếu PVH bắt đầu giao dịch trên UPCoM vào giữa tháng 5/2017, khối lượng lưu hành 21 triệu cổ phiếu. Giá trị vốn hóa kết phiên giao dịch 6/6 chỉ vỏn vẹn 14,7 tỷ đồng, tương đương 700đ/cp.
Tại báo cáo tài chính năm 2023 công ty vừa công bố, tổ chức kiểm toán nêu hàng loạt vấn đề và từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính của công ty. Cụ thể, không đủ thông tin để đánh giá sự phù hợp của các khoản mục nợ phải thu, phải trả tại ngày 01/01/2023 và 31/12/2023.
Không đủ thông tin để đánh giá các khoản công nợ trả trước cho người bán, dự phòng phải thu khó đòi, vay và nợ thuê tài chính...
Thêm đó, Công ty vẫn chưa thực hiện đánh giá lại dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các khoản nợ phải thu. Tổ chức kiểm toán không có đủ thông tin cần thiết để có thể đánh giá được sự phù hợp của số dư dự phòng phải thu ngắn hạn và dài hạn đang được trình bày trên Báo cáo tài chính.