Ngày pháp luật

Mối liên hệ giữa Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam và doanh nghiệp Bảo hiểm FWD Việt Nam có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan

An An

Thị trường có hai doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cùng cụm từ "FWD Việt Nam", nhưng do hai chủ sở hữu khác nhau.

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Cơ quan điều tra cho biết đã ngăn chặn giao dịch với cổ phần, đồng thời kê biên 82% vốn góp tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam (khoảng 492 tỷ đồng) do bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho 5 cá nhân và 2 công ty đứng tên.

Ngay khi cụm từ "FWD Việt Nam" được nhắc đến, không ít người mua bảo hiểm nhân thọ tại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam cảm thấy hoang mang. Bởi lẽ, tên của 2 doanh nghiệp bảo hiểm này quá giống nhau, rất dễ gây nhầm lẫn. 

Cùng tên nhưng khác chủ

Không chỉ tên gọi, mà màu sắc nhận diện thương hiệu (cam, đen, trắng) của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam và Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam khá tương đồng, càng khiến nhiều người nhầm lẫn.

Logo của Công ty TNHH Bảo Hiểm FWD Việt Nam (trái) và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (phải)
Logo của Công ty TNHH Bảo Hiểm FWD Việt Nam (trái) và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (phải)

Chính vì có nhiều sự trùng hợp nên công ty không liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lên tiếng.

Mối liên hệ giữa Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam và doanh nghiệp Bảo hiểm FWD Việt Nam có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan - Ảnh 1

Cụ thể, trên website chính thức cũng như trang Facebook có tick xanh của Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam mới đây cho biết: “Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD Vietnam Life Insurance Company Limited) được thành lập vào năm 2016, có trụ sở tại lầu 11, toà nhà Diamond Plaza, 34 Lê Duẩn, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. 

Công ty chúng tôi hoạt động hoàn toàn độc lập với Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam (FWD Assurance Vietnam Company Limited) có trụ sở tại Toà nhà Capital Tower, 109 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội”. 

Mối liên hệ giữa Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam và doanh nghiệp Bảo hiểm FWD Việt Nam có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan - Ảnh 2

Theo đó, Thành viên của FWD Group khẳng định "hoạt động hoàn toàn độc lập" với công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, dù cùng có cụm từ "FWD Việt Nam" trong tên gọi.

Trước thời điểm tháng 03/2022, cả hai doanh nghiệp này là những công ty con cùng một mẹ là Tập đoàn Bảo hiểm FWD. Đến giữa tháng 3/2022, Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam thông báo được Bộ Tài chính chấp thuận về mặt nguyên tắc chuyển quyền sở hữu 100% vốn điều lệ sang nhóm nhà đầu tư mới. 

Trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam cho biết mối quan hệ "công ty con cùng tập đoàn" với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam đã chấm dứt từ cuối tháng 3/2022. Theo đó, từ giữa năm 2022, hai công ty cùng chung phần tên gọi "FWD Việt Nam" hoạt động trên thị trường bảo hiểm, nhưng thuộc về hai chủ sở hữu khác nhau.

Hai công ty Bảo hiểm cùng tên FWD Việt Nam làm ăn ra sao?

Dù làm trong mảng bảo hiểm nhưng hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm FWD Việt Nam nằm trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan dường như có phần lép vế so với hoạt động tài chính. Đáng chú ý, phần đóng góp của doanh thu tài chính đến từ tiền gửi ngân hàng ngày càng tăng.

Cụ thể, tính trong giai đoạn 2021 - 2023, lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm đạt 40 - 65 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận tài chính duy trì mức lãi 100 tỷ đồng/năm.

Năm 2019, trước khi FWD Group thâu tóm, doanh thu từ hoạt động bảo hiểm đem về gần 600 tỷ đồng. Nhờ lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm cao kỷ lục năm 2020, lợi nhuận ròng của Bảo hiểm FWD Việt Nam đạt đỉnh 90 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính lần đầu tiên vượt lên trên ngưỡng 100 tỷ đồng.

Đến năm 2023, mảng kinh doanh cốt lõi này dần mất phong độ với mức lãi rơi xuống đáy 41 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 35% so với năm 2022. Dù vậy, lãi ròng vẫn tăng 92% so với năm trước nhờ lợi nhuận tài chính tăng 42%, đạt 178 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý, kể từ khi công bố báo cáo tài chính (từ năm 2012), Bảo hiểm FWD Việt Nam không tăng vốn, giữ cố định ở mức 600 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2023 đạt hơn 2.500 tỷ đồng, gấp 3,8 lần sau 13 năm. Trong đó tài sản chủ yếu là 1.418 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn ngắn; 350 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dài. 

So với công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam có quy mô lớn hơn. Công ty ghi nhận tổng tài sản gần 20.000 tỷ đồng tính tới cuối năm 2023, với vốn chủ sở hữu hơn 19.100 tỷ.

2023 là năm đầu tiên doanh nghiệp này có lợi nhuận, đạt gần 880 tỷ đồng, sau chuỗi thua lỗ liên tiếp từ khi tham gia thị trường Việt Nam năm 2016 đến năm 2022. Tới cuối năm 2023, Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục