Ngày pháp luật

Đất ven đô có nơi tăng 2-3 lần trong vài tuần

Giang Phạm

Chỉ trong vài tuần, một số khu vực ven đô, giá đất tăng gấp 2-3 lần là bất hợp lý, theo lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

Tại tọa đàm “Đầu tư bất động sản hậu Covid-19: Dẫn dắt dòng tiền” được tổ chức sáng ngày 25/11, một số chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản vẫn đang là một "vùng trũng", hút dòng tiền lớn đầu tư trong thời kỳ dịch Covid-19.

Một trong những vùng trũng bất động sản mà ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhắc tới đó là vùng đất ven đô. Tuy nhiên, ông cũng đề cập đến hiện tượng thổi giá ở khu vực này. Ông cho biết, thời gian trước có qua khảo sát đất tại 1 số làng, xã ở vùng Thạch Thất, Ba Vì, Đan Phượng... giá tăng "chóng mặt", cao gấp 2- 3 lần theo tuần.

Một khu vực đất ven đô xảy ra sốt giá trong năm 2020. Ảnh: NH
Một khu vực đất ven đô xảy ra sốt giá trong năm 2020. Ảnh: NH

Ông ví dụ, tuần này giá đăng bán là 1 triệu đồng/m2 nhưng sang tuần sau hỏi lại, giá đã là 1,7 - 1,8 triệu đồng/m2, sang tuần sau nữa lại tăng thêm 1 triệu nữa. Theo ông, sự tăng giá này là bất hợp lý, có thể khiến thị trường nhiễu động, làm nhà đầu tư hoang mang. Bởi có những vùng đất chưa được đầu tư hoàn chỉnh nhưng giá cứ tăng cao, thậm chí giá ngang ngửa cả vùng đã hoàn chỉnh về hạ tầng. 

Đồng tình với quan điểm cho rằng bất động sản là vùng trũng, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group cho rằng, trước khi dịch bệnh bùng phát, nguồn cung bất động sản gặp khó khăn, đặc biệt ở 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP HCM. Lúc này, nhà đầu tư đã dần dịch chuyển dòng tiền vốn sang hướng đầu tư khác như chứng khoán, nhưng để bảo toàn nguồn vốn, cuối cùng, nhà đầu tư lại tìm về bất động sản.

Theo ông, dịch Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế toàn cầu đình trệ, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ không biết để tiền vào đâu, cuối cùng họ lại tìm mua bất động sản. Minh chứng cho điều này, ông Tuyển cho biết nguồn cầu về bất động sản vô cùng lớn, trong khi nguồn cung thiếu hụt, phần nào khiến giá bất động sản vẫn đi lên bất chấp Covid - 19. 

Để chứng minh cho sự hút vốn của bất động sản, ông Đính, cho biết mặc dù nguồn cung trên thị trường năm qua thấp nhưng tỷ lệ tiêu thụ ở các dự án lại rất cao.

"Lực cầu cực mạnh, có dự án hấp thụ tới 90%. Tại TP HCM có dự án hạng trung cấp giá gần 40 triệu đồng/m2 nhưng chỉ trong 2 - 3 tháng đã bán được 95%", ông Đính cho hay. 

Đặc biệt theo ông, các dòng sản phẩm trung cấp khoảng 25 - 35 triệu đồng/m2 có tỷ lệ giao dịch tốt. Nếu có bất động sản ế thì đó là các căn hộ cao cấp với giá quá cao, rao bán trên 50 triệu đồng/m2.

Một trong những điều khiến nhiều diễn giả trong buổi tọa đàm đề cập là việc thiếu hụt nguồn cung bất động sản. Điều này khiến cho các thị trường truyền thống này chậm lại, trong đó ảnh hưởng rõ thấy nhất là ở Hà Nội, TP HCM.

Theo các chuyên gia, lý do một phần đến từ việc hàng loạt dự án phải dừng lại cho công tác, thanh, kiểm tra. Lấy dẫn chứng số liệu về điều này, ông Đính cho biết, mỗi địa phương ít cũng có 20 - 30 dự án phải dừng, nhiều thì 50 - 60, còn Hà Nội và TP HCM thì hàng trăm dự án dừng. 

"Năm 2019, cả Hà Nội có được 25 dự án được duyệt, thông qua, còn ở TP HCM, con số này là 30, một con số quá ít so với lượng cầu lớn vẫn gia tăng. Rõ ràng khi thị trường khan nguồn cung trong khi lực cầu mạnh thì nhà đầu tư sẽ đi tìm các vùng trũng bất động sản ở nhiều nơi khác. Nhà đầu tư có tiền, họ không sẽ không ngồi im”, ông Đính nói.

Tin Cùng Chuyên Mục