Hình ảnh những đơn hàng 'chất cao như núi' nằm ở kho của Giao hàng Tiết kiệm chưa được chuyển đến tay khách hàng đang tạo ra luồng thông tin, phải chăng nhân viên của đơn vị vận chuyển này đình công, dẫn đến việc các đơn hàng gặp khó khăn trong việc chuyển phát đến khách hàng.
Mặc dù đại diện Giao hàng Tiết kiệm cho biết do gần Tết, lượng hàng hoá mua sắm thông qua các trang thương mại điện tử đưa vào mạng lưới tăng cao đột biến nên gây ảnh hưởng đến chất lượng vận hành. Giao hàng Tiết kiệm cam kết sẽ nỗ lực hết sức nhằm thúc đẩy năng suất xử lý đơn hàng, kịp thời chuyển hàng Tết cho các chủ shop bán hàng.
Tuy nhiên, nhiều người tự hỏi, ông chủ nào đứng sau Giao hàng Tiết kiệm và bức tranh tài chính của đơn vị này thế nào khi ngày càng có nhiều các đối thủ vận chuyển xuất hiện trên thị trường.
Ai sáng lập ra Giao hàng Tiết kiệm?
Giao hàng Tiết kiệm được sáng lập và điều hành bởi Phạm Hồng Quân - cựu sinh viên Đại học Thủy lợi Hà Nội.
Từng làm trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Quân nhận thấy dịch vụ chuyển phát thời đó còn "khá tệ" và nảy ra ý định lập ra công ty giao hàng đem đến những trải nghiệm tốt hơn.
Giao hàng Tiết kiệm chuyên hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bưu chính và chuyển phát, là đơn vị vận chuyển dành cho thương mại điện tử (eLogistics); cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi (Last-Mile Delivery) và thu tiền tận nơi (Cash-on Delivery) cho các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trực tuyến.
Trong danh sách các cổ đông sáng lập của công ty còn có ông Mai Thanh Bình – đồng sáng lập Garena Việt Nam và Phó chủ tịch VNLife.
Trong năm 2017, tập đoàn Sea tại Singapore đã mua cổ phần của Foody và Now và đổi tên ứng dụng này thành ShopeeFood. Một đơn vị Logistic khác cũng được Sea mua cổ phần vào thời điểm này, đó là Giao hàng Tiết kiệm.
Trong công bố thay đổi đăng ký doanh nghiệp của Giao hàng Tiết kiệm đưa ra vào tháng 9/2017, ông Phạm Hồng Quân nắm giữ 16,387% cổ phần, cổ đông khác là Nguyễn Nguyệt Minh nắm 1,156% cổ phần. Còn 78,46% cổ phần còn lại chưa được tiết lộ chủ sở hữu.
Đến tháng 6/2020, 42% cổ phần của Giao hàng Tiết kiệm đã được công bố thuộc về một công ty Singapore, là Kerry Logistics.
Dù vậy nhưng trong một bài phỏng vấn với Forbes Việt Nam, ông Phạm Hồng Quân vẫn cho biết rằng Giao hàng Tiết kiệm sẽ là công ty của Việt Nam, do người Việt lãnh đạo và phát triển. Cổ đông ngoại sẽ không nắm giữ quá 49% cổ phần, cũng như chỉ đóng vai trò là đối tác chính.
Tháng 3/2022, theo Tech in Asia đưa tin, Giao hàng Tiết kiệm lên kế IPO trong năm 2022 với định giá lên đến 1 tỷ USD.
Bức tranh tài chính của Giao hàng Tiết kiệm?
Kể từ khi về với Sea, tập đoàn mẹ của Shopee, doanh thu của Giao hàng Tiết kiệm đã tăng đáng kể nhờ những đơn hàng đến từ phía sàn thương mại điện tử này. Chiến lược của Giao hàng Tiết kiệm là sẽ tập trung vào đơn hàng của các đơn vị bán hàng vừa và nhỏ thay vì phụ thuộc vào các sàn thương mại điện tử. Nhờ vậy, biên lợi nhuận có thể sẽ cao hơn.
Năm 2019, Giao hàng Tiết kiệm đạt 4.621 tỷ đồng doanh thu, mang về lợi nhuận 508 tỷ đồng. Sang năm 2020, mức doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ đạt 6.941 tỷ đồng nhưng lợi nhuận không có nhiều biến động, chỉ đạt 520 tỷ đồng. Trong năm 2021, doanh thu Giao hàng Tiết kiệm ghi nhận 6.875 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 301 tỷ đồng.
Năm 2022, Giao hàng Tiết kiệm mang về 8.600 đồng doanh thu, tăng 25% so với năm 2021 và gấp đến 25 lần so với cách đó 5 năm. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp này lãi 620 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2021 và gấp 34 lần so với năm 2017.
Đáng chú ý, công ty của ông Phạm Hồng Quân có vốn điều lệ 12,9 tỷ đồng - con số khá nhỏ nếu nhìn vào doanh thu và lợi nhuận hàng năm của công ty.
Hiện Giao hàng Tiết kiệm đã có mặt tại 63 tỉnh thành với quy mô đạt hơn 20 trung tâm vận hành, số lượng xe tải đường bộ hơn 1.000 xe, tổng diện tích hạ tầng kho bãi trên 220.000 m2.
Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, thị trường chuyển phát nhanh của Việt Nam đang cực kỳ cạnh tranh, được dự báo trị giá 2,19 tỷ USD vào năm 2027.