Ngày pháp luật

Đằng sau Phenikaa Group - tập đoàn tiếp bước Vinfast muốn sản xuất ô tô

Nhà đầu tư

Dưới sự điều hành của đại gia Nam Định Hồ Xuân Năng, Phenikaa đã trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành tại Việt Nam với loạt đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực: Công nghệ; công nghiệp và nghiên cứu khoa học.

Mới đây, Tập đoàn Phenikaa cho biết ngày 26/3/2021 sẽ tổ chức hội thảo "Công nghệ tự hành và Giao thông thông minh", đồng thời ra mắt xe tự hành thông minh cấp độ 4 "Made-in-Vietnam" đầu tiên tại Việt Nam.

Mẫu xe được nghiên cứu và phát triển bởi Phenikaa X - một công ty công nghệ trực thuộc Tập đoàn Phenikaa, được thành lập năm 2020 với mục tiêu trở thành công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực xe tự hành và robot công nghiệp tại Việt Nam.

Đằng sau Phenikaa Group - tập đoàn tiếp bước Vinfast muốn sản xuất ô tô - Ảnh 1

Theo Phenikaa, đây là mẫu xe tự hành thông minh “Made-in-Vietnam” đầu tiên tại Việt Nam với công nghệ xe tự lái ở cấp độ 4 dựa trên thang đo 5 cấp độ cho xe tự lái của Hiệp hội Kỹ sư xe hơi (SAE) do chính đội ngũ các nhà khoa học và các chuyên gia của Tập đoàn nghiên cứu phát triển và đưa vào ứng dụng theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Mẫu xe tự hành của Phenikaa có những tính năng thông minh vượt trội, được sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và hầu hết các công nghệ tiên tiến trên thế giới như bản đồ 2D/3D, cảm biến Lidar, SLAM, học máy, học sâu… Khách đến tham dự sự kiện sẽ có cơ hội chứng kiến, trải nghiệm thực tế xe tự hành trong khuôn viên trường Đại học Phenikaa”, Phenikaa giới thiệu.

Như vậy, sau VinFast, Phenikaa là doanh nghiệp Việt tiếp theo có ý định lấn sân sang sản xuất ô tô công nghệ.

Tiềm lực của Phenikaa

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Tập đoàn Phenikaa có tên đầy đủ là CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, được thành lập vào tháng 10/2010, trụ sở hiện đặt tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Thời điểm ban đầu, công ty này có số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Nghiêm Thị Ngọc Diệp (99%), Phạm Hùng (0,5%) và Phạm Thị Thu Hằng (0,5%).

Đến tháng 6/2013, cả 3 cổ đông trên đồng loạt giảm sở hữu tại Phenikaa, thay vào đó là sự xuất hiện của ông Nguyễn Quốc Dung với việc nắm giữ 98% cổ phần. Tại ngày 24/2/2017, vốn điều lệ của Phenikaa đạt mức 1.600 tỷ đồng, 10 tháng sau đó, vốn điều lệ tiếp tục tăng lên mức 2.100 tỷ đồng rồi đến tháng 8/2019 số vốn điều lệ của Phenikaa là 3.000 tỷ đồng, chi tiết cổ đông không được đề cập. Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật là ông Hồ Xuân Năng.

Ông Hồ Xuân Năng vốn không phải cái tên xa lạ trong giới doanh nhân. Ông sinh năm 1964 tại Nam Định, tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ thành công, ông trở thành cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện Cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhưng sau đó, ông Năng đã bước chân sang ngành kinh doanh, trở thành Giám đốc sản xuất Nhà máy ô tô FORD Việt Nam. Năm 1999, ông Năng đến với Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex với vị trí là Thư ký Chủ tịch HĐQT.

Cuối năm 2002, Nhà máy Đá ốp lát cao cấp Vinaconex được thành lập theo quyết định của Chủ tịch HĐQT Vinaconex.

Ông Hồ Xuân Năng. Nguồn ảnh Internet.
Ông Hồ Xuân Năng. Nguồn ảnh Internet.

Tuy nhiên, hoạt động của nhà máy lúc này không thực sự hiệu quả, gặp nhiều khó khăn, sản phẩm sản xuất ra không bán được do chất lượng không đảm bảo, đội ngũ nhân sự yếu kém và hầu như chưa nắm bắt được công nghệ.

Đứng trước khó khăn tại nhà máy mới, ban lãnh đạo Vinaconex đành “thay tướng” nhằm đổi vận. Tháng 7/2004, sau 4 lần thay đổi lãnh đạo nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình, ông Hồ Xuân Năng khi đó là Thư ký chủ tịch HĐQT Vinaconex là cái tên được chọn làm giám đốc nhà máy.

Không lâu sau đó, Nhà máy này được chuyển thành CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (VCS) và năm 2005, công ty chính thức đi vào hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 30 tỷ đồng do Vinaconex nắm 60%.

Đến năm 2007, ông Hồ Xuân Năng được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty. Cũng trong năm này, VCS lên sàn và Vinaconex vẫn là công ty mẹ sở hữu 51% bên cạnh các cổ đông như Vietnam Holding (5%) và CTCP Đầu tư IPA (5%). Sau đó, Vinaconex thoái vốn dần và đến năm 2013 thì thoái hết hoàn toàn.

Sau khi Vinaconex thoái vốn, VCS đã được đổi tên thành CTCP Vicostone và thực hiện tái cơ cấu, trở thành công ty con của Tập đoàn Phenikaa.

Vicostone cũng chính là doanh nghiệp làm nên tên tuổi của ông Hồ Xuân Năng và đưa vị doanh nhân gốc Nam Định vào Top người giàu trên thị trường chứng khoán với khối tài sản nghìn tỷ. Tại ngày 31/12/2020, vốn điều lệ của Vicostone là 1.600 tỷ đồng, trong đó ông Xuân Năng nắm giữ 5,8 triệu cổ phiếu VCS (tương ứng tỷ lệ 3,74%) còn Phenikaa sở hữu 84,16%.

Trở thành một nhà quản trị doanh nghiệp thành công, nhưng vốn là dân nghiên cứu khoa học, doanh nhân Hồ Xuân Năng vẫn luôn trăn trở với ước mơ làm khoa học và giáo dục đào tạo.

Chính vì vậy, song song với việc điều hành Vicostone, trong giai đoạn 2015 – 2016, ông Hồ Xuân Năng đã mua 35% cổ phần của Trường Đại học Thành Tây và đến cuối năm 2017 nắm cổ phần chi phối trường đại học này. Giống như Vicostone trước đây, Đại học Thành Tây dưới thời ông Năng được “bẻ lái” sang định hướng mới với mục tiêu trở thành một đại học nghiên cứu. Để rồi, TIAS – Viện nghiên cứu khoa học cơ bản trực thuộc Trường Đại học Thành Tây được thành lập.

Đến tháng 11/2019, Tập đoàn Phenikaa chính thức ra mắt Trường Đại học Phenikaa và Quỹ Đổi mới Sáng tạo Phenikaa với quy mô 1.000 tỷ đồng. Đại học Phenikaa không hẳn bắt đầu từ số 0, mà đây vốn là Trường Đại học Thành Tây, ngôi trường đã có hơn 10 năm hoạt động.

Nhờ sự thông minh, nhạy bén và tài quản lý của mình, vị doanh nhân sinh năm 1964 này đã được giới kinh doanh gọi là Năng "Do thái".

Ngoài Vicostone, ông Hồ Xuân Năng còn đứng tên tại loạt doanh nghiệp khác là CTCP phát triển thiết bị thông minh Phenikaa, Viện Nghiên cứu & Công nghệ Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa, CTCP Kiểm định và Chứng nhận Phenikaa, CTCP Đầu tư Giáo dục Phenikaa, CTCP Giải pháp Thông minh Phenikaa, CTCP Công nghệ Phenikaa MAAS, CTCP Điện tử Phenikaa, CTCP Thương mại và Chuyển giao Công nghệ Phenikaa, CTCP Phenikaa-X.

Đằng sau Phenikaa Group - tập đoàn tiếp bước Vinfast muốn sản xuất ô tô - Ảnh 2

Phenikaa làm ăn ra sao?

Trở lại với Phenikaa (công ty mẹ), theo dữ liệu của Nhadautu.vn, trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu thuần của tập đoàn luôn duy trì trên mức nửa nghìn tỷ đồng, như năm 2016 là 572,4 tỷ đồng, 2017 là 788,4 tỷ đồng. Riêng năm 2019, doanh thu thuần của Phenika đạt 694 tỷ đồng.

Đáng chú ý, biên lãi thuần trên doanh thu của Phenikaa luôn ở mức rất cao, trên dưới 100% trong giai đoạn 2016-2019, trong đó riêng năm 2019 là 688,8 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Phenika ở mức 5.233 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả là 1.358 tỷ đồng.  

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục