Hữu duyên với ngành xe hơi
Ngày 26/3 tới, Tập đoàn Phenikaa sẽ phối hợp với một số tổ chức uy tín tổ chức Hội thảo quốc tế “Công nghệ tự hành và giao thông thông minh”. Được biết, sự kiện này sẽ thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ, giao thông, thành phố thông minh và các công ty hàng đầu về xe hơi Toyota, Honda, Mazda, Công ty xe tự hành Tier IV…
Điểm nhấn của sự kiện này là Tập đoàn Phenikaa, thông qua đơn vị thành viên là Công ty cổ phần Phenikaa X (start-up do ông Hồ Xuân Năng đồng sáng lập) sẽ giới thiệu mẫu xe tự hành thông minh “Made-in-Vietnam”.
Theo giới thiệu của tập đoàn này, đây là xe tự hành thông minh đầu tiên tại Việt Nam, với công nghệ xe tự lái ở cấp độ 4 dựa trên thang đo 5 cấp độ cho xe tự lái của Hiệp hội Kỹ sư ô tô Hoa Kỳ (SAE), do chính đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia của Tập đoàn nghiên cứu phát triển.
Mẫu xe tự hành sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và hầu hết các công nghệ tiên tiến trên thế giới như bản đồ 2D/3D, cảm biến Lidar, SLAM, học máy, học sâu… Khách đến tham dự sự kiện sẽ có cơ hội chứng kiến, trải nghiệm thực tế xe tự hành trong khuôn viên Trường Đại học Phenikaa.
Ngoài việc giới thiệu mẫu xe tự hành, Phenikaa cũng giới thiệu giải pháp công nghệ cho giao thông thông minh được thực hiện bởi công ty thành viên Phenikaa MAAS.
Nổi tiếng trên thương trường với lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đá thạch anh nhân tạo, việc ông Năng dành tâm huyết cho lĩnh vực phát triển xe hơi tự hành thông minh có thể gây bất ngờ với nhiều người, nhưng với ai biết rõ về ông thì lại thấy đó thực sự là mối duyên.
Hơn hai mươi năm trước, trước khi về Vinaconex và được giao gây dựng lại Công ty cổ phần Vicostone khi ấy đang bên bờ vực phá sản, ông Năng từng có quãng thời gian làm việc tại Nhà máy ô tô Ford Việt Nam, với vai trò Giám đốc sản xuất. Ông từng viết hai cuốn sách được giới chuyên môn tìm đọc khá nhiều gồm “Cảm biến và cơ cấu chấp hành trong hệ thống cơ điện tử ôtô” và cuốn “Kỹ thuật động cơ ôtô được xuất bản năm 2020”.
Trước câu hỏi đã có một số đơn vị giới thiệu giải pháp xe tự hành và thành phố thông minh, nhưng đưa vào thực tế và tính hữu dụng còn hạn chế, ông Hồ Xuân Năng chỉ thong thả: “Chúng tôi làm thực, chứ không giới thiệu mô hình”.
Giấc mơ lớn
Trên con đường đưa Phenikaa trở thành tập đoàn công nghệ, ông Năng đi theo mô hình hệ sinh thái. Có trường đại học, các viện nghiên cứu, quỹ đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp để đưa giải pháp, nghiên cứu vào cuộc sống, thực tiễn.
Đến giờ, ông Năng đã có thể yên tâm giao phó “đứa con đầu tay” Vicostone cho lớp kế cận để chuyên tâm đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu khoa học và start-up trong nhiều lĩnh vực. Lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng từ Vicostone đủ để ông và Phenikaa đầu tư cho chất xám và làm thực như ông nói.
Trường Đại học Phenikaa đặt mục tiêu sẽ trở thành một trường đại học đa ngành theo chuẩn quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, hướng nghiệp và trong vòng 20 năm nữa sẽ vào Top 100 trường đại học xuất sắc nhất châu Á. Trong giai đoạn 2018 – 2020, Trường được đầu tư 1.600 tỷ đồng cho cơ sở vật chất, các trang thiết bị giảng dạy, với gần 100 phòng thực hành/phòng thí nghiệm.
Nhưng lợi thế của Trường phải là đội ngũ giảng viên xuất sắc, ông Năng quá hiểu điều đó và có chính sách cầu hiền táo bạo.
Đến thời điểm này, Đại học Phenikaa đã gây dựng được đội ngũ nòng cốt hầu hết là những nhà khoa học trẻ, nhiệt thành và có khả năng hợp tác quốc tế cao.
Trong số các giảng viên, nhà nghiên cứu của Trường, có những người nằm trong danh sách 100.000 nhà khoa học có số lượt trích dẫn hàng đầu thế giới và 3 người từng giành Giải thưởng Tạ Quang Bửu về nghiên cứu khoa học cơ bản do Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng hàng năm.
Một giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã mô tả, Đại học từng trải qua một cơn lốc khi hàng loạt giảng viên giỏi quyết định “đầu quân” cho ông Năng. Chế độ đãi ngộ tốt, có chiến lược và khát vọng lớn, cơ sở vật chất, với các phòng thí nghiệm cực kỳ hiện đại, bấy lâu vốn là niềm khát khao của các nhà khoa học Việt Nam.
Đặc biệt, ông Năng cũng áp dụng sáng tạo chiến lược dụng nhân mà Singapore hay Hàn Quốc đã áp dụng, góp phần tạo nên kỳ tích về sự phát triển. Đó là mời các nhà khoa học nước ngoài tới làm việc lâu dài ở Việt Nam.
Các trường đại học của Singapore, Hàn Quốc, trong giai đoạn đầu phát triển, đã tuyển dụng rất nhiều các nhà khoa học người nước ngoài để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu.
Phenikaa không đi theo lối giáo dục hàn lâm tại Việt Nam, mà mang đến cho sinh viên cách học mới: Trải nghiệm bằng việc giải quyết các vấn đề thực tiễn trong môi trường làm việc, nghiên cứu; trải nghiệm với sự chia sẻ và hướng dẫn của chuyên gia trong nhiều lĩnh vực chuyên môn; trải nghiệm để lý giải tận gốc rễ các phương pháp - giải pháp được ứng dụng trong thực tế từ các kiến thức đã được học.
Trường Đại học Phenikaa và các công ty thành viên khác trong hệ sinh thái Phenikaa thời gian qua đã nghiên cứu và đưa vào thực tế nhiều ứng dụng công nghệ hữu ích như bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19, robot khử khuẩn, robot tự hành…
Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 được triển khai ở các điểm nóng về dịch bệnh thời gian qua như tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng và Quảng Ninh.
Hệ thống bản đồ với bảng phân tích dữ liệu một cách chi tiết, trực quan giúp công tác theo dõi, kiểm tra và thống kê tại các vùng dịch dễ dàng hơn cho cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương và người dân.
Trong khi đó, các robot khử khuẩn được sử dụng tại một số cơ quan, trường học khu vực Hà Nội. Sản phẩm robot tự hành được sử dụng trong các khu vực cách ly, khu vực hạn chế tiếp xúc cũng được phát triển nhằm vận chuyển các nhu yếu phẩm hay giám sát người bệnh và người được cách ly, nhận diện và nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang, đo thân nhiệt cùng hàng loạt tính năng khác.
Thành công tại Vicostone, với lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, theo chia sẻ của vị doanh nhân này đều đến từ chiến lược đầu tư đúng hướng cho chất xám, cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D).
Nay nguồn lực tài chính mạnh mẽ từ doanh nghiệp, dưới sự chèo lái của ông Năng sẽ hậu thuẫn cho giấc mơ lớn về công nghệ, R&D của các doanh nghiệp start-up và các nhà khoa học Việt Nam.
Link bài gốc