Với số lượng tham dự là 142 cổ đông, sở hữu 523,3 triệu cổ phiếu, chỉ chiếm tỷ lệ 42,57% cổ phần có quyền biểu quyết, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; Mã CK: EIB) buộc phải huỷ tổ chức đại hội sáng ngày 29/7.
Nhiều cổ đông cảm thấy thất vọng và bỏ về ngay khi Ban tổ chức chỉ mới thông báo hủy Đại hội lần 2.
“Tôi quá chán nản với cách làm việc của lãnh đạo nhà băng này quá. Họ cứ thông báo tổ chức rồi lại không tiên liệu trước và để cho Đại hội liên tiếp bị thất bại làm cho cổ đông rất mệt mỏi, ức chế trong một thời gian dài”, một cổ đông bức xúc.
Trước đó nhà băng này tổ chức Đại hội lần 1 vào ngày 30/6. Tuy nhiên Đại hội buộc phải hủy vì số cổ đông tham dự rất ít, chỉ có khoảng 133 cổ đông sở hữu 215,6 triệu cổ phiếu, chỉ chiếm tỷ lệ 17,54% cổ phần có quyền biểu quyết.
Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank đã kéo dài trong nhiều năm qua, nhất là sau khi ông Lê Hùng Dũng nghỉ hưu năm 2015. Liên quan đến nhân sự cấp cao tại Eximbank, ngày 25/6, HĐQT chấp thuận đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Cao Xuân Ninh và bầu chọn ông Yasuhiro Saitoh, Phó chủ tịch HĐQT, thay thế.
Theo tài liệu họp cổ đông thường niên 2020, Eximbank đặt mục tiêu lãi trước thuế tăng 20% đạt 1.318 tỷ đồng. Trong những năm gần đây, lợi nhuận ngân hàng làm ra phải dành hơn nửa để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.
Báo cáo về hoạt động trong năm 2019, ban kiểm soát Eximbank nhận định HĐQT đã thiếu nhịp nhàng, các thành viên còn nhiều ý kiến gây tranh cãi, không thể thống nhất quyết định. Điều này dẫn đến việc chậm ra quyết định đối với các vấn đề hệ trọng của ngân hàng, điển hình là việc bổ nhiệm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Eximbank.
Các vấn đề về tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, đại hội đồng cổ đông bất thường 2019 theo yêu cầu của cổ đông, và vấn đề cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng...cũng bị ảnh hưởng do sự thiếu nhất quán của các thành viên HĐQT.