Ngày cuối cùng của tháng 6/2020, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã CK: EIB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên và đại hội cổ đông bất thường. Tuy nhiên, kịch bản cũ lặp lại là đại hội thường niên trong buổi sáng bất thành vì không đủ túc số, chỉ có chưa đến 18% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự đại hội, đến buổi chiều ở đại hội bất thường cũng không thể tổ chức khi số cổ đông tham dự đạt tỷ lệ chưa đến 52%.
Như vậy đây là lần thứ 6 liên tiếp Eximbank phải trì hoãn đại hội cổ đông. Trước đó trong năm 2019 ngân hàng này có 3 lần hoãn đại hội, trong đó lần 1 vào ngày 26/4 hoãn không đủ túc số; lần thứ 2 dự kiến vào ngày 26/5 nhưng không thực hiện vì chưa giải quyết xong các vấn đề nội bộ, và lần 3 vào ngày 21/6 tiếp tục không đại hội được vì số cổ đông tham dự không đủ theo quy định. Trong năm 2020, ngân hàng dự kiến tổ chức đại hội sớm vào ngày 5/3 nhưng hoãn vì lý do Covid-19. Và lần thứ 5, thứ 6 là ngày 30/6 cũng lý do không đủ túc số.
Bất đồng giữa các cổ đông lớn
Câu chuyện các nhóm cổ đông lớn ở Eximbank không có sự đồng thuận đã kéo dài suốt 5 năm qua. Trong quãng thời gian đúng bằng một nhiệm kỳ ấy, như các ngân hàng bình thường sẽ tổ chức 5 đại hội thường niên, chưa kể các đại hội bất thường theo yêu cầu của các nhóm cổ đông, thì Eximbank chỉ tổ chức thành công được đại hội cổ đông 1 lần duy nhất đó là vào năm 2018. Tại đại hội khi đó, các cổ đông đã bầu bổ sung bà Lương Thị Cẩm Tú vào Hội đồng quản trị.
Sự bất đồng cũng được thể hiện rõ trong công cuộc đấu đá, tranh giành chiếc ghế chủ tịch. Chỉ trong vòng có hơn 1 năm qua, Eximbank đã thay chủ tịch đến 5 lần, luân chuyển từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, về ông Lê Minh Quốc, sang ông Cao Xuân Ninh và hiện là ông Yasuhiro Saitoh.
Khác với ở những ngân hàng thương mại cổ phần khác, khi người chủ tịch thường là ông chủ thực sự của ngân hàng, là cổ đông lớn hoặc đại diện cho nhóm cổ đông, thì ở Eximbank lại hầu hết không phải như vậy.
Ông Lê Minh Quốc từng là thành viên hội đồng quản trị độc lập không đại diện cho nhóm cổ đông nào, ông Cao Xuân Ninh từng là người của Vietcombank nhưng trước khi lên ghế chủ tịch cũng không còn đại diện vốn, và đến nay là ông Saitoh không phải là đại diện vốn của cổ đông Nhật khi Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã rút ông này từ tháng 5/2019.
Và chính bởi sự khác biệt nói trên nên trong các lần đại hội mà các nhóm cổ đông Eximbank đề nghị triệu tập đều có nội dung đề nghị bãi nhiệm chức chủ tịch của ngân hàng, khi thì đề nghị với ông Lê Minh Quốc, lúc thì ông Cao Xuân Ninh và gần đây nhất trong văn bản yêu cầu Eximbank họp cổ đông bất thường, SMBC đã đề cập tới 2 vấn đề cần thảo luận là yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh và giảm số lượng thành viên, bỏ phiếu tín nhiệm đối với HĐQT.
Sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn không chỉ ở nội bộ của họ, mà còn kéo các cổ đông nhỏ lẻ phải chạy theo khi phải hết lần này đến lần nọ tới tham dự đại hội để có cơ hội gặp những người mà họ tin tưởng giao đồng tiền đầu tư, để nghe về tình hình kinh doanh và các dự định, để chất vấn thêm những điều mong muốn làm rõ và để hỏi về đồng tiền của họ bây giờ ra sao...nhưng đều thất vọng ra về.
Những tiếng thở dài của các cổ đông, những khuôn mặt ngơ ngác chưa kịp hiểu vì sao triệu tập tới họp mà chưa bắt đầu đã kết thúc, những sự thất vọng kèm theo bức xúc là điều mà người quan sát nào cũng có thể dễ dàng bắt gặp tại các đại hội bất thành ở Eximbank gần đây.
Một nhiệm kỳ ngủ vùi, tiếc cho thương hiệu Eximbank
5 năm, một nhiệm kỳ, các ngân hàng thương mại trong cả nước đã liên tục bứt phá và tạo nên những thương hiệu mới, những vị thế mới, đem lại nhiều lợi ích cho cổ đông.
Chẳng hạn như MB năm nào cũng chi trả cổ tức, HDBank cũng vậy, thậm chí năm nay còn trả cổ phiếu thưởng và cổ tức tỷ lệ đến 65%, Techcombank thì chia cổ phiếu cho cổ đông tỷ lệ "cao ngất" tới 200%, VPBank cũng trả cổ tức và cổ phiếu thưởng, giá cổ phiếu trên thị trường từng tăng lên đỉnh tính bằng lần so với lúc mới niêm yết, rồi SHB cũng trả cổ tức còn giá cổ phiếu gấp hơn 2 lần...
Vị thế của các ngân hàng cũng đã thay đổi. Tạm chưa kể tới những "ông lớn" vốn đã ở trên cao thì nay càng đi xa với tài sản cả triệu tỷ đồng, lợi nhuận hàng chục ngàn tỷ đồng và thuộc top 300 ngân hàng hàng đầu khu vực, thì những ngân hàng có vị thế tương đương, thậm chí là thấp hơn Eximbank hơn 5 năm về trước nay cũng đã nhảy vọt và vượt xa Eximbank.
Techcombank, VPBank, MB đã vươn lên vị trí 3 ngân hàng top đầu nhóm cổ phần, thậm chí vượt cả BIDV và VietinBank về lợi nhuận. ACB, HDBank, VIB nay cũng đã củng cố vị trí của mình ở một tầm cao mới, trong khi Sacombank dù tái cơ cấu nay cũng đã gặt hái nhiều kết quả tích cực và trở lại vị thế trước đây.
Còn ở những ngân hàng top dưới so với Eximbank giai đoạn 2013 - 2014 trở về trước, nay cũng đã có thương hiệu vững chắc hơn Eximbank, có lợi nhuận tốt hơn và ngày càng được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cổ đông như TPBank, SHB...
Thậm chí ngay cả những ngân hàng nhỏ như OCB, Nam A Bank, Vietcaptial Bank gần chục năm trước hầu như chưa có tên tuổi trên thị trường thì nay cũng đã xây dựng thương hiệu tương đối mạnh và là đối thủ đáng gờm ở nhiều mảng, như đã hoàn thành Basel II sớm, sạch nợ xấu tại VAMC trước các ngân hàng lớn, hoặc như Nam Á là ngân hàng đầu tiên đưa robot vào hỗ trợ giao dịch hay Bản Việt là ngân hàng đầu tiên thực hiện giải pháp xác thực định danh người dùng tự động (eKYC) qua ứng dụng di động...
Trong khi đó nhìn lại Eximbank, một nhiệm kỳ chỉ tạo dấu ấn mạnh nhất trên thị trường đó là bất đồng của các nhóm cổ đông. Chính vì sự không đồng thuận ở cấp thượng tầng nên 5 năm quý giá của toàn hệ thống lại không có sự bứt phá nào ở Eximbank. Ấy là chưa kể các cổ đông nhỏ lẻ cũng không được lợi gì khi giá cổ phiếu chỉ quẩn quanh một mức còn cổ tức thì không có đồng nào.
Vì sao không có sự can thiệp từ cơ quan quản lý?
Các cổ đông Eximbank, bao gồm cả những người đã đầu tư vào ngân hàng từ những ngày đầu, nếu có bức xúc cũng là điều dễ hiểu khi phải chứng kiến ngân hàng mình tâm huyết đầu tư, nơi mình giao đồng tiền cho người khác kinh doanh đang bỏ lỡ cơ hội hiếm có để bứt phá.
"Tôi quá mệt mỏi khi hết lần này đến lần khác không được dự đại hội trọn vẹn. Đọc trên báo đài thì thấy ngân hàng còn rối reng hơn vì sự đấu đá của các cổ đông lớn. Cứ tình hình này nếu lần sau triệu tập đại hội tôi sẽ không tới nữa vì chỉ mất thời gian vô nghĩa", một cổ đông đã chia sẻ như vậy sau khi đại hội bất thành chiều 30/6 vừa qua.
Một cổ đông khác thì chi sẻ rằng, dẫu biết cổ đông lớn mới là người nắm quyền, là người quyết định, nhưng mong rằng họ hãy biết trân trọng những người khác cùng bỏ tiền vào, hãy dẹp lợi ích riêng sang một bên, hãy tạm dừng đấu đá để bắt tay nhau cùng xây dựng ngân hàng vì lợi ích chung. Khi ngân hàng làm ăn tốt hơn, đóng góp được nhiều hơn cho xã hội và nền kinh tế thì quyền lợi của họ cũng được chia nhiều hơn, và đó mới là đầu tư hiệu quả.
"Nếu mãi đấu đá như thế này thì đồng tiền bỏ vào chỉ là đồng tiền "chết", ngân hàng không làm ăn tốt lên thì đồng tiền của cổ đông sau này chắc gì đã còn nguyên vẹn?", vị cổ đông đặt câu hỏi và gửi nỗi niềm của mình tới các cổ đông lớn.
Cũng có những cổ đông thắc mắc rằng, tại sao tình hình của Eximbank rối như vậy mà cơ quan quản lý, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, suốt 5 năm qua không "ra tay", không can thiệp để các cổ đông có thể cùng ngồi lại, cùng bắt tay xây dựng ngân hàng vì sự ổn định, thịnh vượng của hệ thống ngân hàng Việt?
Và họ mong rằng, dù là ngân hàng cổ phần, là ngân hàng có vốn góp của tư nhân, nhưng bây giờ không ai chịu nhường ai, thì NHNN với vai trò cơ quan chủ quản hãy có các giải pháp can thiệp hợp lý "khi còn có thể" để hỗ trợ ngân hàng phát triển, tránh để sau này các cổ đông phải nuối tiếc nói câu "giá như".
Sự can thiệp của NHNN kịp thời còn hướng tới mục tiêu chung là an toàn, lành mạnh, minh bạch hệ thống như thông điệp cơ quan này vẫn đang khẳng định mỗi ngày, đồng thời gia tăng hình ảnh của ngân hàng Việt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.