Ông Ngô Văn Phát được biết tới là một đại gia có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam khi là Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại Xăng Dầu Phát - Petraco.
Đồng thời, vị này còn là chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành - đơn vị tài trợ quy hoạch, tư vấn lập quy hoạch siêu dự án Cồn Vành - Cồn Thủ thuộc xã Nam Phú, Tiền Hải, Thái Bình.
Năm 2016, Tập đoàn Phú Thành đã thuê chuyên gia Mỹ thiết kế dự án Khu du lịch sinh thái Cồn Vành. Tổng diện tích quy hoạch 6.993 ha, bao gồm các phương án quy hoạch từ giao thông, lõi sinh thái rừng ngập mặn, đến việc sử dụng cơ cấu các loại đất, cấp điện, cấp nước, quy hoạch san nền và thoát nước mưa, quy hoạch thoát nước thải…
Theo thông tin được đăng tải trên cổng thông của UBND tỉnh Thái Bình, ngày 31/12/2019, cơ quan quản lý đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành được nghiên cứu lập và tài trợ sản phẩm quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 một số khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình với tổng diện tích 3.499ha.
Trong đó, Khu du lịch Cồn Vành được quy hoạch với diện tích 620ha, Khu du lịch Cồn Thủ là 613ha, Khu hỗn hợp Cồn Thủ - Cồn Vành với 2.155ha và Khu cảng Ba Lạt là 111ha.
Phương án quy hoạch cho thấy Khu đô thị du lịch Cồn Vành - Cồn Thủ bao gồm 5 phân khu chức năng chính gồm sân golf 36 lỗ, casino và khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao, khu du lịch sinh thái - tâm linh, khu công viên vui chơi giải trí cảm giác mạnh và khu đô thị du lịch sinh thái.
Theo thông tin trên trang chủ phuthanhgroup, siêu dự án casino và khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao này có quy mô 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi ông Phát bị cơ quan Công an TP Hải Phòng khởi tố, bắt giam để điều tra hành vi "mua bán trái phép hóa đơn" thì trang chủ phuthanhgroup đã không còn hoạt động.
Ngoài ra, theo phương án quy hoạch, khu cảng Ba Lạt có bến cập tàu và khu nước trước bến, hệ thống đường bãi và kho, các công trình phụ trợ, hệ thống cây xanh cách ly… Dự kiến hoàn thành đầu tư xây dựng, cảng Ba Lạt sẽ trở thành một trong những cảng đầu mối của khu vực, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ Khu kinh tế Thái Bình và các vùng lân cận.
Giao thông kết nối khu này với đất liền trước mắt sẽ sử dụng đường 221A, trong tương lai sẽ nghiên cứu quy hoạch thêm tuyến giao thông kết nối với đường ven biển. Các công trình chắn sóng sẽ kết hợp giải pháp công trình và phi công trình để giữ được cảnh quan môi trường tự nhiên, nhất là giữ hệ thống rừng ngập mặn, rừng phi lao nguyên sinh.
Đơn vị tư vấn báo cáo đã tiến hành xong công tác khảo sát địa hình tỉ lệ 1/2.000 cho toàn bộ diện tích và đang tiến hành khảo sát địa chất, đo độ sâu tại khu vực cảng Ba Lạt, đưa ra đánh giá về các tác động của dự án đến môi trường cũng như đến dân cư xung quanh dự án.