Ngày pháp luật

Đại gia kín tiếng ngành thịt có tỷ suất sinh lời vượt trội so với Masan Meatlife và Dabaco

Quỳnh Chi

Lép vế về mặt quy mô nhưng lợi nhuận của Greenfeed lại rất ấn tượng, thậm chí tỷ suất sinh lời còn vượt trội so với Masan Meatlife hay Dabaco.

Theo Dealstreetasian, The International Finance Corporation (IFC), thành viên thuộc World Bank đang cân nhắc một khoản đầu tư tài chính trị giá 180 triệu USD đối với Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam - một doanh nghiệp ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, heo giống và thịt heo.  

Thực tế, nếu so với các “đại gia” cùng ngành trên sàn, cái tên Greenfeed không được đình đám,  song không vì thế mà doanh nghiệp này tỏ ra lép vế so với Meatlife hay Dabaco thậm chí có phần vượt trội ở một số chỉ tiêu kinh doanh quan trọng.

Quy mô khiêm tốn, kinh doanh trồi sụt thất thường

Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam được thành lập năm 2003, hoạt động trong mảng thức ăn chăn nuôi, sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm,  thủy sản và sau đó là kinh doanh heo giống và heo thương phẩm. 

Trên giấy phép kinh doanh, công ty do ông Trần Ngọc Chí (sinh năm 1972) giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện trước pháp luật, trụ sở chính được đặt tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tuy nhiên, thực tế Greenfeed Việt Nam được biết tới là hệ sinh thái của ông Lý Anh Dũng (sinh năm 1966) và con trai Lý Anh Duy Quang.

Trước khi được World Bank để ý thì Greenfeed Việt Nam cũng đã được quỹ DWS Vietnam Fund Limited đầu tư 9,5 triệu USD vào năm 2010. 

Đến nay, doanh nghiệp này đã có hệ thống 10 nhà máy tại Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Lào được trang bị công nghệ sản xuất từ Mỹ và Châu Âu, với tổng công suất trên 2 triệu tấn sản phẩm hàng năm.

Liên tục mở rộng quy mô, đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Greenfeed đã đạt trên 4.900 tỷ đồng, tăng gần 43% so với thời điểm cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu ở mức 2.306 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng tài sản.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này lại không duy trì được tăng trưởng tương ứng qua từng năm. Sau một năm 2016 ghi nhận kết quả ấn tượng với 10.034 tỷ đồng doanh thu và 701 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, Greenfeed liên tục ghi nhận chỉ tiêu kinh doanh sụt giảm trong 2 năm 2017 và 2018.

Doanh nghiệp này tăng trưởng dương trở lại vào năm 2019 khi lãi sau thuế 512 tỷ đồng, tăng gần 52% so với năm trước bất chấp doanh thu không chuyển biến đáng kể trong suốt giai đoạn 2017-2019 với khoảng 9.445 tỷ đồng. So với kết quả đạt được năm 2016, lợi nhuận năm 2019 của Greenfeed thậm chí vẫn còn thấp hơn tới 27%.

Đại gia kín tiếng ngành thịt có tỷ suất sinh lời vượt trội so với Masan Meatlife và Dabaco - Ảnh 1

Tỷ suất sinh lời đáng mơ ước

Tuy liên tục mở rộng qua từng năm tuy nhiên quy mô của Greenfeed vẫn còn tương đối khiêm tốn so với Masan Meatlife và Dabaco.

Tổng tài sản tính đến cuối năm 2019 của doanh nghiệp này chỉ bằng một nửa so với Dabaco và tương đương khoảng 1/3 so với Masan Meatlife. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm cũng thua xa so với con số 7.523 tỷ đồng của Masan Meatlife và 3.026 tỷ đồng của Dabaco.

Đại gia kín tiếng ngành thịt có tỷ suất sinh lời vượt trội so với Masan Meatlife và Dabaco - Ảnh 2

Lép vế về mặt quy mô tuy nhiên lợi nhuận đạt được của Greenfeed lại rất ấn tượng. Khoản lợi nhuận 512 tỷ đồng năm 2019 cho thấy sự vượt trội so với Masan Meatlife và Dabaco với mức tương ứng 370 tỷ đồng và 305 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) đạt 10,4% và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 22,2% đều cao hơn nhiều so với 2 doanh nghiệp trên.

Dẫu biết rằng mọi sự so sánh đều có phần khập khiễng nhưng rõ ràng kết quả khả quan sẽ là một yếu tố quan trọng hỗ trợ World Bank xem xét việc rót vốn đầu tư vào Greenfeed trong tương lai.

Tin Cùng Chuyên Mục