Sức hút đặc biệt ở siêu dự án
Mới đây nhất, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình đã có thư gửi nhân sỹ, trí thức, chuyên gia kinh tế và nhân dân cả nước góp ý, phản biện cho đề án xây dựng hệ thống TTTM, outlet V+ miễn phí mặt bằng.
Theo đề án này, ông Nguyễn Hữu Đường dự kiến sẽ xây dựng hệ thống TTTM tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước, bán hàng giá rẻ hơn giá thị trường 30 - 40% (do miễn phí mặt bằng và các hỗ trợ khác) nhằm thu hút số lượng lớn khách du lịch quốc tế và nội địa.
Đây sẽ là kênh tiêu thụ hàng hóa chủ động với chi phí thấp, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất cho hơn 870.000 doanh nghiệp, hơn 26.000 hợp tác xã và hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh.
Điểm đặc biệt là các dự án thuộc đề án đều không sử dụng đến ngân sách nhà nước. Công ty TNHH Hòa Bình sẽ đóng góp nghĩa vụ tài chính để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, phát triển mạng lưới trung tâm thương mại kết nối các tỉnh.
Tại Hà Nội, đề án cho biết sẽ xây dựng một dự án tổ hợp trung TTTM, outlet, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội tại huyện Đông Anh (Hà Nội).
Khi hoàn thành, dự án sẽ có hơn 300.000 m2 sàn thương mại đáp ứng hơn 10.000 gian hàng, hơn 100.000 m2 diện tích hậu cần kho bãi; 2,5ha dành riêng cho khu làng nghề; 1ha dành cho khu vực lễ hội; 3,5 ha là khu các cảnh quan – di tích nổi tiếng thế giới dát vàng, cùng với nhiều tiện ích khác, có thể phục vụ khoảng 500.000 khách/ngày.
Nếu đi vào hoạt động năm 2022, dự án dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng/ngày, tiền thuế mà TP.Hà Nội thu được khoảng 100 tỷ đồng/ngày, tương đương hơn 36.500 tỷ đồng/năm.
Dự án cũng được cho là sẽ tạo từ 10.000 - 20.000 việc làm cho người lao động (tùy quy mô dự án tại các tỉnh, thành). Dự kiến, sau 5 năm đi vào hoạt động, dự án sẽ giúp thu hút thêm hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm...
Ông chủ tâm huyết với loạt dự án dát vàng 'độc nhất vô nhị'
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty Thương binh nặng Hòa Bình là người đã dành nhiều năm tâm huyết nghiên cứu xây dựng hệ thống trung tâm thương mại miễn phí mặt bằng nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo sự đột phá về du lịch, giải quyết việc làm.
Theo website của doanh nghiệp, Công ty TNHH Hòa Bình tiền thân là một tổ hợp gồm 9 người (có 7 người là thương binh), chính thức thành lập vào năm 1993 với số vốn điều lệ là 415 tỷ đồng, mã số thuế là 0100276146, trụ sở chính tại số 84 Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Tháng 4/2021, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ từ 415 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Trong đó, Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Đường sở hữu 47,68%.
Theo thông tin từ Cổng đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Công ty TNHH Hòa Bình đăng ký đến 81 mã ngành, nghề kinh doanh khác nhau. Trong đó, ngành, nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác (chi tiết: xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp).
Ngoài ra, các ngành, nghề kinh doanh khác của doanh nghiệp là sản xuất rượu vang, bia, mạch nha ủ men bia, đồ uống không cồn, nước khoáng...; sản xuất sợi, vải dệt thoi, thảm, chăn đệm...; sản xuất giày dép, bột giấy, giấy...; in ấn; kho bãi và lưu trữ hàng hóa; bán ô tô, xe máy; kinh doanh bất động sản...
Hiện tại, Công ty TNHH Hòa Bình đang sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn. Trong đó có 2 dự án dát vàng là Hòa Bình Green City (505 Minh Khai) và Golden Lake (7B, Giảng Võ). Bên cạnh đó, còn một số dự án khác như Khách sạn Hòa Bình Palace (số 27 phố Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm) hoàn thành năm 2006; dự án Hoa Binh Green Apartment 376 đường Bưởi, quận Ba Đình),...
Tại Đà Nẵng, Hòa Bình là chủ đầu tư Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng có bể bơi vô cực dát vàng trên tầng mái. Vào tháng 10/2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietLings) đã trao chứng nhận đây là bể bơi vô cực dát vàng 24K cao nhất Việt Nam (bể bơi được xây trên nóc tòa nhà 29 tầng, dát vàng phần gạch).