Ngày pháp luật

Đại gia bỏ hàng tỷ USD thâu tóm đất đai, làm của để dành

Theo Duy Anh/Vietnamnet

Làn sóng các đại gia nước ngoài tiếp tục đổ bộ vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua hình thức M&A ngày càng tăng mạnh.

Thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm tiếp tục sôi động với hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) thuộc phân khúc nhà ở, thương mại và công nghiệp. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và sự tăng trưởng của các nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Năm 2018 khởi đầu với giao dịch tòa nhà văn phòng Sun Wah thực hiện bởi Nomura Real Estate Development. Theo thông cáo báo chí phát đi, Nomura đã công bố chính thức mua lại 24% cổ phần của tòa nhà văn phòng Hạng A có vị trí đắc địa ở Quận 1, TP.HCM.

Sau dự án “Phú Mỹ Hưng Midtown” tại Quận 7, TP.HCM, tòa nhà Sun Wah là dự án thứ hai của Nomura tại Việt Nam, và cũng là dự án văn phòng đầu tiên của tập đoàn này. Thương vụ này chứng minh sự quan tâm mạnh mẽ và cam kết lâu dài của Nomura đối với thị trường trong nước.

Đại gia bỏ hàng tỷ USD thâu tóm đất đai, làm của để dành - Ảnh 1

Phân khúc nhà ở tiếp tục sôi động với năm giao dịch M&A chính trong 6 tháng đầu năm. Tháng Ba vừa qua, CapitaLand công bố công ty con của tập đoàn là CVH Nereus Pte. Ltd. đã mua lại 16,9 triệu cổ phiếu phổ thông, chiếm 99,5% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Hiền Đức Tây Hồ (HDTH) với khoảng 685 tỷ VNĐ (tương đương 29,8 triệu USD). HDTH sở hữu một khu đất phát triển rộng 0,9 ha ở quận Tây Hồ, Hà Nội, sẽ được phát triển thành dự án phức hợp với chức năng nhà ở, căn hộ kết hợp văn phòng, văn phòng và khối đế bán lẻ.

Frasers Property đã ký thỏa thuận mua lại cổ phần có điều kiện với Công ty TNHH Trần Thái với 24 triệu cổ phiếu phổ thông, chiếm 75% vốn cổ phần của Công ty Cổ phần Địa ốc Phú An Khang (PAK). Trong thời gian tới, PAK sẽ tiến hành xây dựng dự án khu dân cư và thương mại trên khu đất phát triển tại Quận 2, TP.HCM, do PAK sở hữu. Thương vụ được đề xuất mua lại với giá 408,6 tỷ VNĐ (tương đương 18 triệu USD).

Thông qua các công ty con thuộc sở hữu của KLL như Công ty TNHH Keppel Land Thủ Thiêm và công ty con sở hữu gián tiếp là công ty TNHH Orbista (lần lượt sở hữu 20% và 25% lãi cổ phần trong QLP) đã ký kết thỏa thuận mua bán để thoái vốn tại QLP với giá 702 tỷ VNĐ (tương đương 30,6 triệu USD).

JLL ghi nhận bên cạnh sự gia tăng của nhà đầu tư nước ngoài, ngày càng có nhiều giao dịch thâu tóm bất động sản đến từ nhà đầu tư trong nước. 

Đại gia bỏ hàng tỷ USD thâu tóm đất đai, làm của để dành - Ảnh 2

Tập đoàn Xuân Mai đã mua lại thành công Eco-Green Saigon - dự án rộng 14 ha tọa lạc tại quận 7, TP.HCM. Tập đoàn Nam Long tiếp tục hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản - Tập đoàn Hankyu Hanshin Properties và Nishi Nippon Railroad để phát triển Akari City - dự án khu dân cư 8.8 ha tại quận Bình Tân, TP.HCM.

Bên cạnh đó, Nam Long cũng khởi công dự án trọng điểm - Waterpoint Township tại tỉnh Long An vào tháng sáu vừa qua. Rộng 355 ha, Waterpoint bao gồm nhà phố, biệt thự, căn hộ cao tầng, bệnh viện, tiện ích cơ sở giáo dục và thể thao.

Theo đánh giá của JLL, hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài - với lợi thế về khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng với cộng đồng doanh nghiệp địa phương - những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại.

Cả các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và tiềm năng đang tích cực săn lùng các dự án “sạch” và “rõ ràng” có thể đáp ứng các điều kiện và lợi nhuận cần thiết. Do sự tập trung mạnh mẽ vào Việt Nam từ các nhà đầu tư trong khu vực, các hoạt động M&A sẽ xác lập mức kỷ lục mới trong năm 2018.

Bên cạnh triển vọng tích cực đối với phân khúc nhà ở, Savills kỳ vọng rằng hoạt động M&A sẽ tiếp tục diễn ra sôi động ở mảng bất động sản công nghiệp và văn phòng. Ngành công nghiệp được thúc đẩy bởi dòng vốn FDI ngày càng tăng đổ vào lĩnh vực sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng và triển vọng cạnh tranh khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực.

Tin Cùng Chuyên Mục