Cổ phiếu của Zoom Video Communications đã sụt giảm đến 90% so với mức đỉnh của tháng 10/2020 khi đại dịch Covid-19 lan rộng. Dịch bệnh qua đi, các chính sách hạn chế dần được gỡ bỏ. Từ đó, số lượng người dùng giảm dần khiến hoạt động kinh doanh của Zoom chịu nhiều áp lực. Nền tảng video này đang "gồng mình" để thích nghi với hoàn cảnh hậu Covid.
Trong ngày 22/11, cổ phiếu Zoom giảm gần 10% sau khi công ty công bố mức tăng trưởng quý chậm nhất và cắt giảm dự báo doanh thu hàng năm.
Phần mềm Zoom từng là cái tên quen thuộc trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 nhờ vào chức năng họp video. Công ty đang cố gắng tái tạo bằng cách tập trung hơn vào các sản phẩm như dịch vụ gọi điện trên đám mây Zoom Phone và dịch vụ tổ chức hội nghị Zoom Rooms.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng phải mất vài quý nữa công ty mới có thể "chuyển mình" do tốc độ tăng trưởng của bộ phận cốt lõi đang dần chậm lại. Đồng thời, thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn với sự xuất hiện của nhiều phần mềm có tính năng tương tự như Teams của Microsoft, Webex của Cisco hay Slack của Salesforce.
"Zoom lâm vào thế yếu khi phải chi tiêu mạnh tay hơn để duy trì thị phần thay vì phát triển. Đây là dấu hiệu thể hiện rắc rối đang chờ phía trước", nhà phân tích Sophie Lund-Yates cho biết.
Chi phí hoạt động của Zoom trong quý III/2022 tăng 56% khi công ty đầu tư nhiều hơn cho hoạt động phát triển sản phẩm và marketing. Tỷ suất lợi nhuận giảm xuống còn 34,6% từ mức 39,1% của một năm trước.
Vài chuyên gia môi giới tin rằng một thương vụ mua lại sẽ giúp Zoom phục hồi tăng trưởng. Nhà phân tích Ryan Koontz cũng cho rằng nếu không được mua lại, Zoom sẽ cần rất nhiều năm để lội ngược dòng và đạt mức tăng trưởng cao hơn.
Thế nhưng, CEO của Zoom, Eric Yuan không đồng tình với ý kiến trên. Ông vẫn đang cân nhắc kỹ lưỡng các phương hướng kinh doanh mới.