Ant Financial, Tencent… có “vươn tay” vào thị trường Việt Nam?
Đầu tháng 12/2020, nhiều ông chủ lớn đứng sau các ví điện tử ở Việt Nam đã được Singapore cấp giấy phép thành lập ngân hàng số. Các doanh nghiệp được cấp phép là Liên danh Grab - Singtel, Sea và hai doanh nghiệp của Trung Quốc là Ant Financial và Greenland Financial Holdings. Sea, Ant Finance sở hữu eMonkey, Airpay tại Việt Nam.
Không giống việc sở hữu ví điện tử - sử dụng thanh toán cho hệ sinh thái riêng, việc các ông lớn fintech sở hữu giấy phép ngân hàng ảo không chi nhánh có thể tác động đáng kể đến thị trường Việt Nam. Nếu sau đó, các ngân hàng này mở chi nhánh hoặc ngân hàng 100% vốn sang Việt Nam theo các cam kết hội nhập, thì miếng bánh thị phần của ngân hàng trong nước bị đe dọa.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Nexttech cho rằng, người Việt rất nhạy bén trong vận dụng các mô hình kinh doanh mới, song khung khổ pháp lý ban hành quá chậm.
“Đã có 4 đơn vị ở Singapore được cấp phép ngân hàng số. Họ hoàn toàn có thể xin cấp phép chi nhánh tại Việt Nam. Như vậy, doanh nghiệp Việt có thể mất ưu thế tiên phong, nếu chính sách pháp lý không được ban hành nhanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, ông Bình trăn trở.
Nỗi lo đó là có cơ sở, bởi các fintech lớn vừa được cấp phép ngân hàng ảo ở Singapore là Sea, Ant Finance quá mạnh về ngân hàng ảo với 2 gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đứng sau (Tencent và Alibaba).
Tuy không có chi nhánh, song ngân hàng ảo WeBank (Tencent), MyBank (Alibaba) phục vụ hàng trăm triệu khách hàng, cho vay hàng chục tỷ USD. Đây sẽ là nguy cơ lớn nếu cả hai tìm được cách “vươn tay” vào Việt Nam.
Nên cấp giấy phép cho ngân hàng ảo không chi nhánh
Sau Singapore, Malaysia cũng đang xem xét cấp 5 giấy phép ngân hàng số cho các doanh nghiệp và Grab là một trong những doanh nghiệp nộp đơn đề nghị. Xu hướng thành lập ngân hàng ảo, hoạt động hoàn toàn trực tuyến trên môi trường Internet dự đoán sẽ còn tăng mạnh, với sự hậu thuẫn của các đại gia công nghệ và các ông trùm viễn thông.
Lý giải sự “lên ngôi” của nhiều ngân hàng ảo, PTS-TS. Nguyễn Hồng Nga (Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, một trong những yếu tố là sự phục vụ rất nhanh chóng, tiện lợi. Đơn cử, WeBank và MyBank có thể ra quyết định cho vay chỉ trong vòng một giây. Áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cộng với nguồn dữ liệu khổng lồ thu thập từ hoạt động thanh toán của người dùng ví điện tử Alipay và WeChat Pay, các ngân hàng này không chỉ nhanh chóng ra quyết định giải ngân, mà còn duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp đáng ngạc nhiên.
Sự phát triển mạnh mẽ của ngân hàng ảo không chỉ gây lo ngại cho các fintech, mà còn đe dọa vị thế và thị phần của các ngân hàng truyền thống. Trên thế giới, nhiều ngân hàng truyền thống cũng đã rầm rộ chuyển đổi. Tuy nhiên, với đặc tính không tốn kém chi phí thành lập chi nhánh, duy trì bộ máy khổng lồ, các ngân hàng ảo đang có nhiều lợi thế khi có thể tăng lãi suất tiết kiệm cho người gửi và giảm lãi suất cho vay với người đi vay.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số ngân hàng mới ở giai đoạn đầu, chưa có mô hình ngân hàng ảo đúng nghĩa nào được thành lập. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các ngân hàng, fintech Việt phải tính toán đến việc thành lập ngân hàng ảo độc lập, hoạt động 100% trên môi trường Internet nếu không muốn bị chậm chân.
“Đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu cấp phép cho ngân hàng số 100%, các ngân hàng này phải tương đối độc lập với ngân hàng mẹ. Việc cấp phép thành lập một số ngân hàng số chắc chắn sẽ đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng diễn ra nhanh hơn”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đề xuất.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam nhận định, đến năm 2025, dự kiến có khoảng 1/3 doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ được quản lý bởi các mô hình kinh doanh mới, từ việc số hóa, áp dụng công nghệ trong các dịch vụ của ngân hàng. Các ngân hàng cần tối ưu số hóa, tạo nền tảng số hoàn toàn để người dùng và người cung cấp dịch vụ có thể giao tiếp giống như mô hình Grab, đồng thời cần có sự hỗ trợ công nghệ.
"Trên thế giới hiện có khoảng 5 mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Đó là ngân hàng truyền thống chuyển đổi số (đây là mô hình mà phần lớn các ngân hàng Việt Nam đang thực hiện); ngân hàng số NEO Bank (là dạng ngân hàng không chi nhánh, quan hệ đối tác lớn mạnh, một điểm tiếp xúc, hỗ trợ 24/7 trên ứng dụng, giá cả hấp dẫn); các fintech ra đời cung cấp các sản phẩm về dịch vụ tài chính - ngân hàng; các Techfin bao gồm Google, Amazon, Facebook, Apple; kết hợp cả mô hình ngân hàng truyền thống và ngân hàng số"
Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam
Link bài gốc