Một quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Hong Kong do một cựu lãnh đạo "gã khổng lồ" Alibaba đứng đầu đang đẩy mạnh đặt cược vào lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) ở Đông Nam Á với mục tiêu tạo ra thêm nhiều kỳ lân - startup có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên, theo Asia Nikkei.
"Kỷ nguyên vàng" của Fintech ở Đông Nam Á
Được thành lập vào tháng 6/2022, 01Fintech gần đây tham gia cùng Marshall Wace - một trong những nhà quản lý quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới và công ty đầu tư mạo hiểm Bessemer Venture Partners trong vòng gọi vốn Series C của Thunes, một startup công nghệ có trụ sở tại Singapore.
Kenny Man - nhà đồng sáng lập và đối tác quản lý của 01Fintech đã tích lũy kinh nghiệm đầu tư ở châu Á sau khi trở thành người đứng đầu bộ phận đầu tư nước ngoài tại Alibaba Group Holding vào năm 2009.
Sau khi gia nhập Ant Group vào năm 2015, ông Man đã chịu trách nhiệm giám sát các khoản đầu tư vào công ty fintech lớn trong khu vực, bao gồm GCash của Philippines.
Đến giữa năm 2022, 01Fintech ra đời. 01Fintech tập trung vào các startup fintech ở Đông Nam Á, tìm cách tận dụng sự tăng trưởng của nền kinh tế và ngành công nghệ tài chính trong khu vực. Nhiều người ở Đông Nam Á vẫn chưa có tài khoản ngân hàng, nghĩa là vẫn còn nhiều dư địa cho việc mở rộng ngân hàng số và các dịch vụ tài chính khác như thanh toán trực tuyến.
Tại Trung Quốc, 80% người tiêu dùng sử dụng ví điện tử, theo công ty xử lý thanh toán và ngân hàng FIS có trụ sở tại Mỹ. Tuy nhiên, con số này chỉ đạt mức dưới 40% ở Philippines, Việt Nam và Indonesia. Do đó, ông Man tin rằng bối cảnh ngành fintech hiện tại ở Đông Nam Á tương đối giống với Trung Quốc khoảng 10 năm trước.
“Kỷ nguyên vàng của fintech ở Trung Quốc diễn ra từ năm 2010 đến năm 2020. Khi bạn nhìn vào sự thâm nhập của internet và thương mại điện tử, thì tỷ lệ dân số chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng ở Đông Nam Á hiện tại khá tương đồng so với tỷ lệ tại Trung Quốc vào năm 2010. Thập niên hiện tại sẽ là “kỷ nguyên vàng” cho sự bùng nổ của ngành fintech ở Đông Nam Á”, ông Man nhận định.
Tuy nhiên, ông Man cho rằng, thị trường ở Đông Nam Á khác với Trung Quốc. Trong khi sự tăng trưởng của ngành fintech tại Trung Quốc được dẫn dắt bởi nền tảng thanh toán Alipay của Ant Group, thị trường Đông Nam Á lại phân mảnh nhiều hơn.
Theo ông, thị trường Đông Nam Á có nhiều doanh nghiệp fintech và họ vẫn đang cố gắng chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, tiềm năng của các dịch vụ đó là “mua trước, trả sau” (buy now pay later), tài trợ cho các chuỗi cung ứng, hoặc các giải pháp tài chính khác.
01Fintech đầu tư vào các doanh nghiệp fintech đang ở giai đoạn tăng trưởng, mong muốn mở rộng quy mô, thay vì các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu. Ông cho biết, với kinh nghiệm có được tại Alibaba và Ant Group, 01Fintech không chỉ có thể cung cấp vốn mà còn có thể cung cấp nhiều chuyên môn thực tế khác cho các startup.
Theo CB Insights, khu vực Đông Nam Á đã có tổng cộng 11 kỳ lân fintech tính đến cuối tháng 5. Với dân số hơn 670 triệu người và triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, con số này có thể sẽ tăng lên trong những năm tới.
Theo ông Man, không có nhiều quỹ đầu tư chỉ tập trung vào các công ty fintech ở Đông Nam Á. Nhiều quỹ tập trung vào các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á, nhưng khi môi trường gọi vốn trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng cao, các quỹ phải chịu áp lực ngày càng tăng để có chuyên môn cao và chiến lược đầu tư độc đáo.
Trong bối cảnh đó, 01Fintech vào tháng 4 đã công bố quan hệ đối tác chiến lược với Dịch vụ tài chính Sinar Mas (SMMA) của Indonesia, một công ty con của Tập đoàn Sinar Mas - một trong những tập đoàn lớn nhất của quốc gia nhằm đảm bảo hỗ trợ trên phạm vi rộng.
Thỏa thuận này cũng có liên quan đến khoản đầu tư của SMMA vào 01Fintech. Ngoài ra, SMMA có thể giúp các công ty trong danh mục đầu tư của 01Fintech thâm nhập thị trường Indonesia. “Các công ty quan tâm đến lĩnh vực fintech ở Đông Nam Á sẽ cần một đối tác có thể hiểu được nhu cầu hoạt động và quy mô đa thị trường, đồng thời cũng quen thuộc với sự phức tạp về quy định của từng thị trường và giữa các thị trường với nhau”, ông Man nói.