Cung đường nguy hiểm nhất thế giới
Đây được coi là một trong những tuyến thông thương nằm ở vị trí cao nhất, nguy hiểm nhất trên thế giới. Là tuyến đường mà người dân ở các tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên đã đi bộ và dùng ngựa thồ để đổi trà lấy ngựa với người dân Tây Tạng nên được gọi là con đường trà – ngựa cổ hay Trà Mã cổ đạo.
Chỉ 60 năm trước, khi phần lớn người châu Á còn di chuyển bằng chân hoặc ngựa, Trà Mã đạo vẫn là con đường thương mại xuyên suốt, là đường nối chính giữa Trung Quốc và Tây Tạng. Tuy nhiên, thời gian, thời tiết và các loài thực vật xâm lấn đã khiến cho con đường cổ xưa gần như mất dấu.
Trà Mã cổ đạo (con đường trà ngựa cổ) là một con đường mòn huyền thoại hàng nghìn năm tuổi, thông thương buôn bán cổ nhất nhì châu Á.
Nhiều năm trở lại đây, tuyến đường này trở thành nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ngày nay, đứng trên con đường này, người ta vẫn có thể nhìn rõ những vết hằn sâu 70 cm trên những phiến đá do vó ngựa liên tục nện xuống qua nhiều thế kỷ mà hình thành.
Ngay cả những phiến đá như vậy dường như cũng có rất nhiều câu chuyện để kể. Dọc bên đường là vô số những bàn thờ cổ được khắc đủ loại kinh sách và phương châm tôn giáo.
Con đường này được ví sánh ngang với tuyến đường thương mại Con đường tơ lụa về tầm quan trọng. Không chỉ là con đường thương mại cổ dài nhất thế giới, với hơn 10.000 km, đây chắc chắn còn là con đường khó đi nhất. Rất ít người trong thời cổ đại có thể hoàn thành toàn bộ cuộc hành trình dọc suốt Trà Mã cổ đạo.
Đa số các ghi chép cho rằng, nói đến Trà mã cổ đạo, người ta sẽ nhớ đến con đường nối vùng chè của tỉnh Tứ Xuyên với khu vực Lhasa, Tây Tạng.
Là một trong những con đường mòn cao nhất, khắc nghiệt nhất ở châu Á, Trà Mã cổ đạo nối những thung lũng xanh tươi của Trung Quốc, băng qua Cao nguyên Tây Tạng phủ đầy gió và tuyết, vượt qua các sông Dương Tử, Mekong và Salween đóng băng, cắt vào Dãy núi Nyainqentanglha bí ẩn, đi lên những vách núi cao và cuối cùng tới vào thành phố linh thiêng của Tây Tạng.
Bão tuyết thường vùi lấp phần phía Tây của tuyến đường và những cơn mưa xối xả tàn phá phần phía Đông. Kẻ cướp là mối đe dọa thường xuyên đối với những người di chuyển trên đây. Đó cũng là lý do Trà Mã cổ đạo được cho là một trong những con đường kinh hoàng nhất trên hành tinh này. Tuy nhiên, con đường mòn đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều thế kỷ.
Mong muốn giao thương là lý do tại sao con đường mòn tồn tại, kết nối nhu cầu mà người ở 2 đầu của tuyến đường muốn có: Trung Quốc có thứ mà Tây Tạng muốn là trà, còn Tây Tạng có thứ mà Trung Quốc rất cần là ngựa.
Nguồn gốc Trà Mã cổ đạo
Trà mã cổ đạo được cho là bắt nguồn từ “chợ trao đổi ngựa trà” - một hình thức buôn bán đổi trà lấy ngựa truyền thống giữa người Hán và người Tây Tạng. Hình thức buôn bán đó xuất phát từ sự quan tâm của người Tây Tạng đối với trà vào thời nhà Đường.
Truyền thuyết kể lại rằng, trà lần đầu tiên được mang đến Tây Tạng khi công chúa Văn Thành của triều đại nhà Đường kết hôn với Vua Tây Tạng Songtsen Gampo vào năm 641. Hoàng gia và dân du mục Tây Tạng về sau đều dùng trà vì với tính chất địa hình cao nguyên đặc trưng, thứ đồ uống mà người dân ở đây trước đó hay dùng là sữa nấu, sữa dê, sữa lúa mạch hoặc bia lúa mạch.
Với sự xuất hiện của trà, họ có thêm một loại đồ uống nóng trong khí hậu lạnh. Một tách trà bơ yak — với vị mặn đặc trưng, hơi béo ngậy trở thành một thứ đồ uống tuyệt vời cho những người chăn gia súc ở khu vực lộng gió của Tây Tạng. Đặc biệt, với chế độ ăn uống nhiều đạm và chất béo, người dân Tây Tạng ngày càng ưa thích trà bởi những công dụng của nó.
Người Tạng xưa có câu: “Một ngày thiếu trà thân trì trệ, ba ngày không trà hóa bệnh tật”. Trong khi đó, phía Tây Nam Trung Quốc thời xưa là vùng có khí hậu vô cùng thích hợp để trồng trà.
Lượng trà được sản xuất ở đây rất lớn, đặc biệt là ở khu vực Vân Nam. Ở thời nhà Đường (618–907), trà được các thương lái vận chuyển từ Vân Nam sang Tây Tạng để đáp ứng nhu cầu của người dân ở đây.
Nhu cầu về trà của người dân Tây Tạng ngày càng nhiều trong khi ngựa là một trong những tài nguyên giàu có của vùng cao nguyên. Do đó, tuyến đường trao đổi trà – ngựa ra đời đã trở thành một lối giao thương trọng yếu, lưu lại dấu ấn có giá trị cả về lịch sử và văn hóa của một vùng đất.
Đây cũng là khoảng thời gian cung đường vận chuyển trà hoạt động rất tấp nập và được ghi nhận khá rõ. Các thương lái Trung Quốc vận chuyển trà từ Vân Nam sang Tây Tạng. Ngược lại, họ sẽ nhận những chú ngựa của vùng đất này và đem về Trường An bán lại, phục vụ cho giao thương hoặc trong chiến tranh.
Sự gia tăng của hoạt động mua bán, trao đổi ngựa - trà đã thúc đẩy nền kinh tế địa phương và làm phong phú thêm nền văn hóa miền Tây Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của con đường. Vẻ đẹp của Trà Mã cổ đạo rất ngoạn mục. Tuy nhiên, đối với du khách, đó là một hành trình nguy hiểm và đầy rủi ro.
Giao thông ở phía Tây Nam đi lại rất khó khăn vì có nhiều núi cao và dựng đứng, chỉ có thể leo lên được bằng những con đường ngoằn ngoèo, hẹp và những con sông chảy siết.
Giao thông bằng xe cộ có bánh hoặc đường thủy gần như là không thể. Trong hoàn cảnh đó, ngựa thồ là phương tiện di chuyển duy nhất. Đây cũng chính là điều làm cho Trà mã cổ đạo trở nên đặc biệt. Con đường này do con người tạo ra bằng chân và ngựa bằng vó.
Những con đường do các thương nhân tạo ra đã kết nối các cộng đồng trong các thung lũng và làng mạc lân cận tuyến đường trà mã, đồng thời trở thành phương thức kết nối thông tin liên lạc cho vùng Tây Nam Trung Quốc. Các trạm mài thương nhân dừng lại để trao đổi hàng hóa sau này trở thành thị trấn hoặc thành phố.
Lệ Giang ngày nay là một thị trấn cổ được bảo tồn tốt, được biết đến như một địa điểm quan trọng còn sót lại từ Trà mã cổ đạo. Cũng theo nhiều ghi chép: Thời kì thịnh vượng nhất của Trà mã cổ đạo là triều Minh (1369 - 1644).
Thời ấy, trà quan trọng tới nỗi nhà Minh có thể dùng nó gây sức ép lên tộc người Tây Tạng. Trung bình mỗi năm, có hơn 15 triệu kg trà từ Vân Nam được đổi lấy 20.000 chiến mã Tây Tạng.
Tới đời nhà Thanh, năm 1735, việc mua ngựa chiến ngừng lại nhưng một lượng lớn trà vẫn được đưa vào Tây Tạng để đổi lấy những mặt hàng khác như da, nhu yếu phẩm.
Con đường Trà Mã cổ đạo dài, ngoằn ngoèo luôn và mưa, tuyết và bão có thể xảy đến bất ngờ, sẵn sàng cướp đi mạng sống của bất kỳ ai.
Vì thế, những mã phu truyền thống khi đi trên con đường cổ thường xuyên ca những câu hát như: “Bảy bước lên, nghỉ một lần/ Tám bước xuống, nghỉ một lần. Mười một bước bằng, nghỉ một lần/ Bạn thật ngu ngốc nếu không nghỉ chân”.
Nhiều mã phu và thương nhân đã nằm lại nơi này và ngày nay, người ta vẫn có thể bắt gặp những nấm mộ dọc đường đi. Bởi vậy, Trà mã cổ đạo trở thành một nhân chứng, ghi dấu những câu chuyện đầy gian khổ của giới mã phu trà năm xưa.