Bất động sản công nghiệp Việt Nam đã và đang nổi lên như một điểm sáng. Các chuyên gia nhận định rằng, đây sẽ là phân khúc có đà phát triển tốt cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đặc biệt là khi nền kinh tế có triển vọng hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra là, nếu các doanh nghiệp FDI sang Việt Nam một cách ồ ạt thì liệu rằng bất động sản công nghiệp Việt Nam có đáp ứng được hết các nhu cầu đó hay không?
Về vấn đề này, có khá nhiều ý kiến được đưa ra trong diễn đàn “Bất động sản công nghiệp Việt Nam - thời cơ vàng trong vận hội mới” tổ chức ngày 19/6.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư có bổ sung thêm rằng, ngoài việc thay đổi cách thức quản lý, Việt Nam cũng cần vừa chuyển dịch, vừa tái cơ cấu, bắt buộc đầu tư có chọn lọc.
Ông Hoàng cho rằng, không phải cứ có làn sóng đầu tư FDI là cơ hội vàng. Thay vào đó, Việt Nam cần phải chọn lọc đầu tư, hút dự án có chất lượng, giá trị lan tỏa, hướng đến sự phát triển của quốc gia như công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, tăng giá trị gia tăng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, cơ hội vốn FDI xuất hiện trước khi Covid-19 xảy đến, và khi đại dịch xảy ra nên xu hướng này trở nên mạnh mẽ hơn, trở thành cơ hội vàng cho Việt Nam. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, cũng khó để đánh giá rằng, Việt Nam có bắt kịp không. Bởi ông Võ cho rằng, khu công nghiệp của Việt Nam còn rất yếu về "chất", tính bao cấp còn rất nặng. Thủ tục hành chính quản lý khu công nghiệp còn nặng nề, nhiều thủ tục, trong khi theo ông Võ, Nhà nước quản càng chặt thì khu công nghiệp càng khó lớn. Chính vì vậy, chuyên gia nhấn mạnh cần phải thay đổi cách thức quản lý cũng như có một quy hoạch đầy đủ kẻo khi nhà đầu tư nước ngoài đặt chân đến Việt Nam lại bị lệch về tư duy.
Cùng với đó, theo ông, hệ thống pháp luật cần phải được thống nhất, thông suốt giữa các bộ luật, có sự tương trợ lẫn nhau, để khi doanh nghiệp nước ngoài vào không gặp khó.
Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng cũng cho biết, thế giới nay chuyển sang khái niệm khu công nghiệp sinh thái. Nhiều người hiểu sinh thái là đảm bảo yếu tố xanh, sạch của môi trường và tính bền vững trong phát triển. Nhưng thực tế, khu công nghiệp sinh thái nghĩa là khu công nghiệp được tiếp cận theo cách thức xây dựng một hệ sinh thái, có tính quan hệ cộng sinh lẫn nhau để từ đó tạo nên mối quan hệ bền vững, không dễ thay đổi, sụp đổ.
Và để có thể "đón sóng", vận hành một cách trơn tru thì ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện Việt Nam Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cho rằng, Việt Nam cần công bố quyết định thành lập tổ công tác thu hút làn sóng doanh nghiệp nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Theo ông Thành, khi nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, họ sẽ không sang ngay Việt Nam mà hiện mới chỉ coi Việt Nam là một trong những điểm đến. Ông Thành nhấn mạnh, không có bất kỳ một nền kinh tế đơn lẻ nào trong ASEAN đủ năng lực để thay thế Trung Quốc. Bởi vậy, theo ông, Việt Nam và các nước trong ASEAN rất cần liên kết, phối hợp một cách nhuần nhuyễn để có thể đạt được kết quả lớn hơn.
Với Việt Nam nói riêng, các địa phương cũng cần được kết nối, gắn kết với nhau thì các nhà đầu tư quy mô lớn mới nhận thấy sự đồng bộ trong quy trình sản xuất kinh doanh, từ đó gia tăng chi phí cho cả các ngành bổ trợ.