Ngày 22/1/2019, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - Đinh Việt Thắng cùng đoàn công tác đã có chuyến thăm và làm việc tại văn phòng Hà Nội của hãng hàng không Bamboo Airways.
Sau báo cáo nhanh của Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng về tình hình khai thác bay, công tác kỹ thuật và điều hành bay trong những chuyến bay đầu tiên, lãnh đạo Cục khẳng định, Bamboo Airways đã tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của nhà chức trách cho các vấn đề khai thác và vận hành với các tiêu chí về an toàn, an ninh luôn được đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh những chỉ đạo liên quan đến vấn đề vận hành, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cũng đã có những chỉ đạo liên quan đến việc cấp thêm quyền bay cho Bamboo Airways tới các sân bay địa phương như Cát Bi, Vân Đồn, Liên Khương, Côn Đảo… từ các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
"Việc cấp thêm quyền bay cho Bamboo Airways tới các sân bay này không chỉ nhằm mục tiêu phát triển đường bay cho hãng, mà còn là trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế địa phương và khu vực", ông nói.
Ngày 16/1 vừa qua, Bamboo Airways chính thức khai thác những chuyến bay thương mại đầu tiên, đồng thời nhận bàn giao máy bay Airbus A321neo, mở đầu cho kế hoạch bổ sung hàng loạt máy bay thế hệ mới dự kiến sẽ bàn giao trong vài tháng tiếp theo.
Theo kế hoạch, Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác các đường bay kết nối nhiều thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế trong năm 2019.
Trước mắt, hãng sẽ khai thác 8 đường bay với 26 chuyến bay/chiều/ngày để phục vụ cho dịp Tết, với các tuyến bay nội địa đầu tiên dự kiến sẽ là các tuyến Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội - Đồng Hới, TP.HCM - Quy Nhơn, Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội – Buôn Mê Thuột, TP.HCM - Vân Đồn...
Trong năm 2019, những chuyến bay trên không phận quốc tế của Bamboo Airways tới nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… và châu Âu cũng sẽ được hãng triển khai bằng các tàu bay thân rộng.
Để phục vụ cho kế hoạch này, từ tháng 3 đến tháng 6-2018, hãng đã ký hai thỏa thuận mua 44 máy bay A321neo và 787-9 Dreamliner trị giá 8,8 tỉ USD của hai đối tác quốc tế lớn là Airbus và Boeing, nhằm nâng cao hiệu suất và phạm vi hoạt động để phát triển mạng bay, mang lại nhiều điểm đến trong nước và quốc tế hơn nữa cho khách hàng.