Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) cho biết luỹ kế doanh thu thuần hợp nhất bảy tháng đạt 51.686 tỷ đồng và hoàn thành 60% kế hoạch cả năm.
Cơ cấu doanh thu không có nhiều sự thay đổi khi nhóm sản phẩm điện thoại, máy tính bảng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 54%. Tuy nhiên, thị trường bão hoà cộng thêm sự cạnh tranh thị phần quyết liệt từ các đối thủ trong ngành nên tăng trưởng doanh thu mảng này chỉ đạt 2%.
Trong khi đó, chuỗi bách hoá tuy mới đóng góp khoảng 4% vào cơ cấu doanh thu (tương đương 1.952 tỷ đồng) nhưng lại có mức tăng trưởng “thần tốc” lên đến 269%. Chuyển biến tích cực của chuỗi bách hoá này đến từ việc Thế Giới Di Động thay đổi chiến lược mở cửa hàng khi định hướng ban đầu không mang lại hiệu ứng như mong đợi.
Doanh nghiệp này từng tham vọng phát triển chuỗi bách hóa lên khoảng 1.000 cửa hàng tại TP HCM, nhưng sau đó giảm còn một nửa để tập trung bán hàng và lựa chọn những vị trí đắc địa dọc các tuyến đường lớn thay vì len lỏi vào từng khu dân cư. Đồng thời, mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh cách trung tâm thành phố 30-40 km (trước mắt là Bình Dương) nhằm thử nghiệm quy trình giao nhận hàng ngoại tỉnh của trung tâm phân phối.
Chuỗi bách hoá này cũng vừa triển khai mô hình cửa hàng lớn 300 m2 được nâng cấp từ mô hình chuẩn do nằm trong khu vực đông dân cư, gần chợ và nhu cầu khách hàng lớn. Mô hình mới được đầu tư 3.000 mặt hàng và một phần mười trong số này là đồ tươi sống.
Tháng 7 cũng là lần đầu tiên chuỗi bách hoá ghi nhận có cửa hàng trong chuỗi vượt ngưỡng doanh thu 3 tỷ đồng. Mức doanh thu bình quân của mỗi cửa hàng trong hệ thống cũng được cải thiện đáng kể, hiện vào khoảng 900 triệu đồng một tháng.
Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM, doanh thu chuỗi bách hoá năm nay có thể đạt gần 4.000 tỷ đồng. Giả định được đưa ra trên cơ sở công ty nâng số lượng cửa hàng đến cuối năm lên 550 và đạt doanh thu bình quân 790 triệu đồng mỗi tháng.
“Mặc dù được cải thiện, nhưng tỷ suất lợi nhuận của chuỗi bách hoá (14%) vẫn thấp hơn tỷ suất lợi nhuận của chuỗi cửa hàng điện thoại (17%) và điện máy (16,7%). Lĩnh vực kinh doanh này khó quản lý hơn hai mảng còn lại do vòng đời thực phẩm, rau quả, thịt cá tươi ngắn. Không chỉ vấn đề lãng phí mà việc xây dựng hệ thống đảm bảo mua hàng trực tiếp cũng sẽ tốn nhiều thời gian, đặc biệt là khi chuỗi bách hoá mở rộng khỏi khu vực thành phố”, HSC chỉ ra điểm yếu hiện tại của Bách hoá xanh.
HSC từng dự báo, Thế Giới Di Động sẽ tạm ngừng mở cửa hàng điện thoại do đã xuất hiện dấu hiệu bão hoà khi giá trị đóng góp doanh thu vẫn lớn nhất nhưng tốc độ tăng trưởng đang tụt lại. Thay vào đó, công ty sử dụng phần nào lợi nhuận từ chuỗi điện thoại và điện máy để phục vụ kế hoạch mở thêm cửa hàng bách hóa với số vốn khoảng 2.000 tỷ đồng. Do phải bù đắp chi phí lãi vay tài chính và khấu hao cho cửa hàng mới nên nhiều khả năng mảng kinh doanh này vẫn chưa có lãi trong năm nay.