Chuyển sang làm việc trực tuyến khiến các nhân viên của công ty thiếu đi những cuộc gặp gỡ tình cờ, những câu cảm ơn của đồng nghiệp hay lời khen từ người quản lý. Không còn những cuộc trò chuyện bên lề các cuộc họp, những bữa ăn trưa hay giải lao cùng đồng nghiệp, chúng ta không còn cơ hội kết nối xã hội như trước. Và niềm vui trong công việc trở nên ít ỏi hơn rất nhiều.
Phần lớn các doanh nghiệp đang tìm cách vật lộn với đại dịch để duy trì năng suất trong năm 2021, điều này khiến họ lại đang bỏ qua sức mạnh tiềm ẩn của lòng tốt chốn công sở. Trên thực tế, sự tử tế, những lời khen ngợi và công nhận thậm chí có thể gia tăng sức mạnh nội tại của một công ty, ngay cả khi nhân viên vẫn phải làm việc từ xa.
Lợi ích của sự tử tế
Theo kết quả khảo sát nhiều thập kỷ của công ty tư vấn quản lý Gallup với người lao động tại Mỹ, lòng tốt và sự công nhận giúp giảm thiểu tình trạng kiệt sức và vắng mặt của nhân viên, đồng thời cải thiện hạnh phúc của họ. Những lời khen giúp mỗi cá nhân cảm thấy mãn nguyện hơn, nâng cao lòng tự trọng, cải thiện khả năng tự đánh giá và kích hoạt những cảm xúc tích cực. Lời khen phù hợp với quan điểm tự nhiên và tích cực của chúng ta về bản thân, đồng thời khẳng định giá trị của mỗi cá nhân.
Trao đi lòng tốt giúp cuộc sống của mỗi chúng ta trở nên ý nghĩa hơn. Nghiên cứu cho thấy, chi tiêu cho người khác hay dành thời gian làm tình nguyện khiến chúng ta khỏe mạnh, hạnh phúc và cảm thấy cuộc sống tràn đầy ý nghĩa. Bởi vì sự tử tế là một khoản đầu tư vào điều gì đó lớn lao hơn cả bản thân mỗi người. Nó định hình cách người khác nhìn nhận về chúng ta và cả cách chúng ta suy nghĩ về bản thân.
Thông thường, chúng ta quan sát hành vi của chính mình để định vị bản thân, và những hành động tử tế mà chúng ta cho đi củng cố niềm tin rằng rằng ta có đủ tố chất để trở thành một người tốt. Khi mọi người đều phải làm việc từ xa và rất khó nuôi dưỡng những khoảnh khắc vui vẻ bên đồng nghiệp, lòng tốt có thể chuyển hóa thành sự hài lòng lâu dài trong công việc.
Một nghiên cứu mới đây thậm chí còn cho thấy, khen ngợi người khác khiến ta hạnh phúc hơn cả khi được nhận lời khen. Đó là do khen ngợi tạo ra mối liên kết xã hội mạnh mẽ và khuyến khích mọi người tập trung chú ý vào người được ngợi khen. Khi khen ai đó một cách chân thành, chúng ta phải suy nghĩ về người đó, từ tinh thần, hành vi, tính cách, suy nghĩ cho đến cảm xúc của họ. Và nghĩ về người khác là điều kiện tiên quyết để tạo ra kết nối với họ. Bằng cách này, lời khen trở thành chất kết dính xã hội, tăng cường kết nối và tính tích cực trong các mối quan hệ, đồng thời khiến chúng ta hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên, mọi người thường do dự khi đưa ra lời khen. Theo nghiên cứu gần đây của Erica Boothby và Vanesa Bohns, đó là do ý nghĩ về việc tiếp cận ai đó và nói điều gì đó tốt đẹp về họ có thể làm gia tăng hội chứng lo âu xã hội. Vì vậy, chúng ta thường mặc định rằng mọi người sẽ cảm thấy không thoải mái và phiền phức khi nhận được một lời khen, trong khi điều ngược lại mới là đúng.
Ngoài những trở ngại về mặt tâm lý , làm việc từ xa đã tạo ra thêm nhiều rào cản mang tính cấu trúc đối với những hành động tử tế, lời khen ngợi và công nhận ngẫu nhiên. Trước đại dịch, các tổ chức thường tôn vinh nhân viên qua các chương trình chính thức. Trong khi đó, những cuộc gặp gỡ tình cờ có thể dễ dàng mang lại một lời cảm ơn đơn giản hoặc những lời khen ngợi giữa các đồng nghiệp. Ngược lại, các cuộc họp Zoom hiện nay thường tuân theo lịch trình nghiêm ngặt và không dành chỗ cho bất kỳ chủ đề nào khác, chứ chưa nói đến những lời khen.
Khi mọi người nhận được một hành động tử tế, họ sẽ trả ơn, và không chỉ với cùng người đó mà thường là với một người khác. Điều này sẽ góp phần hình thành văn hóa lòng tốt trong một tổ chức. Một nghiên cứu trên 3.500 công ty và hơn 50.000 nhân sự cho thấy, các hành vi lịch sự, sự giúp đỡ và lời khen ngợi có góp phần hoàn thành các mục tiêu cốt lõi của tổ chức. Càng nhiều sự tử tế, thì dự báo năng suất và hiệu quả công việc càng tăng cao, còn tỷ lệ chuyển việc thì giảm đi. Khi các nhà lãnh đạo và nhân viên cư xử tử tế với nhau, họ cũng tạo điều kiện phát triển một nền văn hóa hợp tác và đổi mới.
Mang lòng tốt đến chốn công sở
Vậy câu hỏi là: Làm thế nào các nhà lãnh đạo có thể thúc đẩy lòng tốt của nhân viên khi mọi người vẫn đang làm việc từ xa?
Đầu tiên, họ có thể làm gương qua từng việc làm tử tế, bởi nhân viên rất nhạy cảm với hành vi của các quản lý. Khi khen ngợi và tán dương nhân viên, các lãnh đạo sẽ thúc đẩy các thành viên còn lại noi theo, từ đó dần hình thành các chuẩn mực về lòng tốt tại công ty.
Các lãnh đạo cũng có thể lập ra một “vòng tròn tử tế” trong các cuộc họp qua Zoom, có thể chỉ vài phút mỗi tuần, để các thành viên nhận xét về công việc của nhau. Khoảng thời gian ngắn ngủi này có thể thúc đẩy tinh thần và kết nối xã hội, đặc biệt là khi các dự án kéo dài hàng tháng trời gần như đều đang được hoàn thành qua Zoom.
Tiếp theo, các doanh nghiệp có thể xem xét các khoản thưởng nóng nho nhỏ. Các công ty như Google đã sử dụng hệ thống “tiền thưởng ngang hàng” để khuyến khích nhân viên gửi những khoản tiền nhỏ (từ một quỹ trong tổ chức) cho nhau để thể hiện sự đánh giá cao của mình đối với thành tích của đồng nghiệp trong công việc. Một vài đô la tiền thưởng, các thẻ quà tặng hay một món quá nhỏ cũng có tác dụng vô cùng tích cực, bởi hành động tử tế dù nhỏ hay lớn cũng đều được đánh giá cao và có tính lan tỏa rộng.
Sức mạnh của lòng tốt có thể giảm thiểu những tác động xấu đang ngày càng tăng từ thế giới trực tuyến, khi mọi người vẫn phải làm việc từ xa. Đây là một kỹ năng lãnh đạo thiết yếu và có thể dễ dàng lan tỏa tới mọi nhân viên, từ đó góp phần thay đổi văn hóa công ty một cách bền vững.