Chia sẻ với Zing sáng 12/6, ông Củ Phát Nghiệp cho biết số lượng cắt giảm sẽ được quyết định vào đầu tuần sau, dự kiến dưới 6.000 người. Quá trình cắt giảm đi theo lộ trình 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 8, để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo vị này, nguyên nhân là lượng đơn hàng của PouYuen liên tục sụt giảm trong quý II, III. Riêng quý IV, doanh nghiệp chưa có đơn đặt hàng nào.
Đây là một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất ở TP.HCM, với số lượng nhân sự lên đến 62.135 người.
Hồi cuối tháng 5, Công ty Da giày Huê Phong (quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng có văn bản gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM để thông báo về việc thu hẹp sản xuất. Doanh nghiệp này cho biết, mặc dù đã cố gắng xoay xở, tìm kiếm đơn hàng, nhưng vẫn phải cắt giảm hơn 2.200 công nhân.
Hiện tại, công nhân một số doanh nghiệp dệt may ở TP.HCM và Bình Dương đang tỏ ra lo ngại trước nhiều thông tin cắt giảm nhân sự.
"Tôi nghe nói sang tháng 7 sẽ sa thải một nửa công nhân ở các bộ phận không có đơn hàng, nhưng đến nay vẫn chưa có thông báo cụ thể của ban lãnh đạo. Sau Tết đến nay, thu nhập của tôi đã giảm nhiều do không tăng ca được, nếu có tên trong danh sách cắt giảm thì tôi không biết làm sao", anh D, công nhân một công ty dệt may ở Thuận An (Bình Dương) chia sẻ.
Trước đó, trao đổi với Zing, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (Agtek) Phạm Xuân Hồng cho biết hiện việc nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may đã được nối lại, tuy nhiên đơn hàng xuất khẩu sang châu Mỹ và châu Âu chưa nhiều. Một số doanh nghiệp ghi nhận 70-80% lượng đơn hàng so với trước đây, còn hầu hết chỉ trên dưới 50%.
Qua số liệu khảo sát của Cục thống kê TP.HCM, 29,52% lao động trên địa bàn mất việc làm trong quý I/2020. Lao động trong tháng 4 tiếp tục giảm khoảng 36,62%, đưa tỷ lệ lao động bình quân 4 tháng đầu năm còn 67,14% so với cùng kỳ.
Trong các ngành công nghiệp, da giày và dệt may đối mặt với mức cắt giảm lao động cao nhất, lần lượt là 61,92% và 42,6%.